Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Quảng Ngãi ưu tiên thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, logistics
Hà Minh - 02/12/2016 14:56
 
“Cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) theo hướng nâng cao chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền từ cấp tỉnh để làm tốt 10 chỉ số thành phần” được Quảng Ngãi coi là điều kiện sống còn nhằm thu hút đầu tư. Để thực hiện mục tiêu trên, Quảng Ngãi đã cụ thể hóa các mục tiêu là cải cách thể chế, quy chế, quy định, tạo hành lang pháp lý thông thoáng để bộ máy vận hành với hiệu suất cao nhất. Đồng thời, chú trọng đào tạo, bổ sung nhân lực để vận hành bộ máy đó, thực hiện hành lang pháp lý đó.

Cải cách, cải cách và cải cách

“Cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) theo hướng nâng cao chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền từ cấp tỉnh để làm tốt 10 chỉ số thành phần” được Quảng Ngãi coi là điều kiện sống còn nhằm thu hút đầu tư. Để thực hiện mục tiêu trên, Quảng Ngãi đã cụ thể hóa các mục tiêu là cải cách thể chế, quy chế, quy định, tạo hành lang pháp lý thông thoáng để bộ máy vận hành với hiệu suất cao nhất. Đồng thời, chú trọng đào tạo, bổ sung nhân lực để vận hành bộ máy đó, thực hiện hành lang pháp lý đó.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Trần Ngọc Căng, cải cách hành chính, phân cấp và phân quyền trong kêu gọi thu hút đầu tư thời gian qua được đẩy mạnh, nhưng chuyển biến còn chậm. Cùng với việc phân cấp, phân quyền rõ ràng, cụ thể cho các đơn vị liên quan, tỉnh Quảng Ngãi cũng đang hoàn thiện Đề án thành lập Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư trực thuộc UBND tỉnh để nâng cao hiệu quả xúc tiến, thu hút đầu tư.

Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi - một điểm đến đầu tư hấp dẫn của tỉnh.
Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi - một điểm đến đầu tư hấp dẫn của tỉnh.

Bên cạnh đó, với Chỉ thị số 16/CT-UBND yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện các biện pháp nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh Quảng Ngãi. Qua đó, tập trung rà soát, loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết; Tăng cường phối hợp, rút ngắn tối đa thời gian xử lý hồ sơ, giấy tờ; nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng lực thực thi công vụ. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Tạo lập nhiều kênh thông tin để tiếp nhận, lắng nghe, chia sẻ và phản hồi các ý kiến từ phía doanh nghiệp, hỗ trợ tích cực hơn cho doanh nghiệp.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, ông Lê Viết Chữ, trong năm 2016, Quảng Ngãi tiến hành rà soát, điều chỉnh nhiều cơ chế chính sách theo hướng thuận lợi nhất cho người dân, chuyển từ việc quản lý cứng nhắc sang phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp; chuyển từ việc Nhà nước quản lý mọi mặt sang kiến tạo và tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển. “Thay vì chúng ta làm mọi việc, thì kiến tạo để doanh nghiệp làm, định hướng phát triển. Đây là vấn đề nan giải, là cả quá trình suy nghĩ, hành động trong cơ chế, chính sách… Năm 2016 và nhiều năm sau nữa, Quảng Ngãi kiên trì đẩy mạnh cải cách hành chính để tăng hiệu quả thu hút đầu tư. Điều này buộc mỗi cán bộ, đảng viên, các sở, ngành nên soi lại 10 chỉ số xem cái nào chưa tốt, việc nào còn gây khó khăn cho nhà đầu tư thì tự sửa, bỏ đi để tự nâng cao chính mình, nâng cao hiệu quả đầu tư”, Bí thư Lê Viết Chữ nói.

“Xuất ngoại” gọi đầu tư

Ông Nguyễn Đăng Lộc, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Dấu ấn thu hút đầu tư năm 2016 của tỉnh Quảng Ngãi là những chuyến xuất ngoại kêu gọi đầu tư từ các nhà đầu tư tiềm năng và chiến lược phù hợp với ngành, nghề thu hút đầu tư của Quảng Ngãi”. Trong đó, Hội nghị Đầu tư Việt Nam - Ấn Độ năm 2016 được tổ chức tại Ấn Độ vào tháng 4/2016 và tiếp xúc với các doanh nghiệp dệt may Ấn Độ do Eximbank Ấn Độ sắp xếp, các doanh nghiệp đang nghiên cứu và sẽ sắp xếp đến khảo sát đầu tư lĩnh vực dệt may tại Khu kinh tế Dung Quất.

Bên cạnh đó, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất phối hợp cùng Công ty Công nghiệp nặng Doosan Vina, với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Chương trình xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc; phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức xúc tiến kêu gọi đầu tư nước ngoài tại Thái Lan. Kết quả là, đã có một số tập đoàn Thái Lan đăng ký khảo sát tìm hiểu đầu tư tại Quảng Ngãi.

Cùng với xuất ngoại kêu gọi đầu tư, Quảng Ngãi còn đón hơn 70 lượt nhà đầu tư đến khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư. Đó là sự xuất hiện của Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tới nghiên cứu đánh giá tính khả thi của Dự án Tổ hợp Khí điện từ mỏ khí Cá Voi Xanh. Tập đoàn General Electric (Mỹ) với dự án thiết kế, sản xuất, phân phối và sửa chữa lò hơi thu hồi nhiệt; làm việc với Tập đoàn Hyosung tại tỉnh Đồng Nai để xúc tiến thu hút đầu tư sản xuất polypropylen từ khí LPG...

Đặc biệt, Tập đoàn Hoà Phát tiếp cận và nghiên cứu đầu tư Nhà máy luyện cán thép từ dự án cũ của nhà đầu tư Guang Lian (Đài Loan); Tập đoàn Sembcorp nghiên cứu đầu tư dự án nhà máy điện khí; Dự án Khu du lịch Sài Gòn - Lý Sơn của Tổng công ty Saigontourist...

Những nỗ lực không mệt mỏi của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, các sở, ngành và Trung tâm Xúc tiến đầu tư đã đem về những “quả ngọt”, với 8 dự án FDI (vốn đăng ký là 72,05 triệu USD). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 40 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký là hơn 1,077 tỷ USD, trong đó, có 21 dự án hoàn thành và đi vào sản xuất, kinh doanh.

Trong 10 tháng năm 2016, tỉnh Quảng Ngãi đã cấp phép đầu tư cho 35 dự án, với tổng vốn đăng ký là 3.883 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 331 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 154.884 tỷ đồng, vốn thực hiện đạt 89.843 tỷ đồng, trong đó có 220 dự án đã đi vào hoạt động.

Năm 2017, công tác thu hút đầu tư sẽ được tỉnh Quảng Ngãi đặt lên hàng đầu là chất lượng dự án, ưu tiên trong các lĩnh vực công nghiệp, logistics, công nghiệp hỗ trợ, hạ tầng đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt chú trọng thu hút dự án thuộc lĩnh vực sản xuất tư liệu sản xuất thay thế sản phẩm nhập khẩu nhằm tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, đồng thời tạo nền tảng cho phát triển công nghiệp phụ trợ của tỉnh.

“Với chủ trương tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút, mời gọi các dự án đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi; cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao Chỉ số PCI, xúc tiến đầu tư các dự án có lợi thế so sánh, năm 2017, tỉnh Quảng Ngãi sẽ thu hút được nhiều dự án đầu tư hơn nữa”, ông Nguyễn Đăng Lộc hy vọng.

Quảng Ngãi: Động thổ xây dựng cảng Bến Đình trên đảo Lý Sơn
Cảng giao thông Bến Đình trên đảo Lý Sơn có quy mô 8ha trên bờ và mặt nước cùng hệ thống kè bao bảo vệ dài 506 m, đường dẫn cầu tàu dài 240m......
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư