Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Quảng Ninh đoạt quán quân PCI 2017
Khánh An - 22/03/2018 09:42
 
Quảng Ninh vượt qua Đà Nẵng, lần đầu tiên đứng đầu Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017. Vị trí thứ ba thuộc về Đồng Tháp.
.

20 tỉnh đứng đầu Bảng xếp hạng PCI 2017

Kết quả vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng nay. Hai vị trí đầu Bảng xếp hạng PCI 2017 không khác lần công bố trước, thuộc về Quảng Ninh và Đà Nẵng.

Nhưng Quảng Ninh đã đoạt ngôi đầu. Đà Nẵng lui về vị trí thứ hai.

“Vận hành hiệu quả mô hình Trung tâm Hành chính công và thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, từ đó rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp là lý do Nhóm nghiên cứu PCI phân tích ngôi sao mới.

Cụ thể, Quảng Ninh đứng đầu chỉ số thành phần Gia nhập thị trường trong PCI 2017. Chỉ 6% doanh nghiệp phải chờ đợi trên 1 tháng cho việc có đủ các giấy phép cần thiết để chính thức đi vào hoạt động. Trên 80% doanh nghiệp đánh giá thủ tục niêm yết công khai, cán bộ am hiểu chuyên môn, hướng dẫn rõ ràng, có thái độ thân thiện trong giải quyết đăng ký mới hay thay đổi thủ tục đăng ký doanh nghiệp.

75% doanh nghiệp đánh giá cán bộ giải quyết công việc hiệu quả, có thái độ thân thiện là 70%. 76% doanh nghiệp nhận thấy thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định.

Đặc biệt, việc triển khai xây dựng và công bố thường niên Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ngành, huyện và thành phố (DDCI) từ năm 2015 của Quảng Ninh được các chuyên gia PCI đánh giá cao.

Công cụ DDCI cho phép tỉnh giám sát hiệu quả và nâng cao được trách nhiệm giải trình của các lãnh đạo các sở ngành, huyện thị đối với hoạt động của các đơn vị mà họ phụ trách.

Những lợi ích của việc triển khai DDCI có thể xác định được qua kết quả điều tra PCI. Cụ thể, nếu như năm 2014 tại Quảng Ninh có 80% doanh nghiệp nhận định “có những sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa được thực thi tốt ở các Sở, ngành”, thì tỷ lệ này của năm 2017 chỉ là 64% (thấp thứ 2 trên cả nước).

Tương tự, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng “Lãnh đạo tỉnh có chủ trương, chính sách đúng đắn nhưng không được thực hiện tốt ở cấp huyện” đã giảm từ 64% của năm 2014 xuống còn 58% trong năm 2017.

Đà Nẵng vẫn nhận được đánh giá tương đối tích cực về việc giải quyết thủ tục hành chính, với điểm số trên 70.

Tuy nhiên, mức độ cải thiện trung bình của thành phố này từ năm 2006 đến 2017, được đo lường qua bộ chỉ số PCI gốc lại nằm trong nhóm cuối trên cả nước.

Trong hệ thống chỉ số thành phần của Đà Nẵng năm 2017 chỉ số Môi trường cạnh tranh bình đẳng10 có điểm số thấp nhất. Qua các năm, điểm số chỉ số thành phần này của Đà Nẵng có xu hướng sụt giảm. Chỉ số thành phần Cạnh tranh bình đẳng là chỉ số gồm các chỉ tiêu đo lường mức độ cạnh tranh bình đẳng dành cho các doanh nghiệp dân doanh so với doanh nghiệp có phần vốn nhà nước, doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp tư nhân thân hữu.

Đồng Tháp tiếp tục giữ vững vị trí thứ 3.  Với kết quả này, Đồng Tháp lập kỷ lục 10 năm liên tiếp nằm trong Top 5 bảng xếp hạng PCI. Riêng trong PCI 2017, tỉnh ghi dấu ấn của mình với vị trí đứng đầu một loạt chỉ số thành phần như Tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất, Tính minh bạch và Chi phí thời gian.

Kon Tum, Bình Phước, Đắk Nông là 3 địa phương đứng cuối bảng.

Tham gia khảo sát PCI 2017 có 10.245 doanh nghiệp dân doanh, trong đó có 2.003 doanh nghiệp mới thành lập trong hai năm 2016 và 2017.

Bảng xếp hạng PCI 2016: Cuộc đua của sáng kiến
Không chỉ có sự tỏa sáng của các ngôi sao cải cách, sự bứt phá của các địa phương phía dưới Bảng Xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư