Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Quốc hội bàn kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020
Hữu Tuấn - 02/11/2016 09:03
 
Sáng nay 2/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Hàng loạt nhiệm vụ đặt ra cho kế hoạch tái cơ cấu

Trước đó, ngày 20/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo trước Quốc hội Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Theo Bộ trưởng, trong giai đoạn 2011-2015, công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã từng bước được thực hiện, tập trung trước hết vào cổ phần hóa, cải thiện quản trị doanh nghiệp và hạn chế tình trạng đầu tư ngoài ngành chính của các doanh nghiệp. Thị trường tài chính dần đi vào ổn định, an toàn, thanh khoản được đảm bảo, lãi suất cho vay trung bình giảm.

Theo Bộ trưởng, giai đoạn này vẫn còn không ít hạn chế trong quá trình thực hiện tái cơ cấu kinh tế. Theo đó, việc thực hiện 3 trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế chưa đạt được mục tiêu đề ra: Cơ cấu đầu tư chậm thay đổi, tình trạng lãng phí, thất thoát còn phức tạp và hiệu quả đầu tư còn thấp so với yêu cầu.

Tái cơ cấu doanh nghiệp tiến triển chậm và thiếu thực chất, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa gắn chặt với tái cơ cấu và đa dạng hóa sở hữu, vai trò trực tiếp kinh doanh của Nhà nước vẫn còn lớn so với thông lệ quốc tế trong nhiều ngành, lĩnh vực.

Tái cơ cấu hệ thống tài chính còn nhiều vướng mắc, thay đổi về cơ cấu thị trường diễn ra chậm, vai trò của thị trường vốn (đặc biệt là thị trường chứng khoán) chưa đủ lớn, một số yếu kém có tính hệ thống và dài hạn chưa được giải quyết cơ bản. Nợ xấu, sở hữu chéo và quản trị ngân hàng chưa được giải quyết một cách thực chất.

Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Kế hoạch tái cơ cấu nền Kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Bước vào giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ đề ra kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng vào các giải pháp, chính sách cụ thể, có thể đo lường kết quả, có tác động mạnh, kịp thời trên thực tiễn, theo tín hiệu thị trường.

Tờ trình về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 2016 - 2020 đưa ra 5 nội dung tái cơ cấu kinh tế trọng tâm và 70 nhiệm vụ gắn thời gian thực hiện cụ thể của các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan, trong đó có 10 nhiệm vụ tái cơ cấu ưu tiên.

Riêng trong giai đoạn 2017 - 2018 có một số nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện ngay, đó là kiên quyết xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, lành mạnh hóa thị trường tài chính, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu một cách hiệu quả và thực chất. Theo đó, Chính phủ cũng đề xuất áp dụng các biện pháp phá sản đối với các ngân hàng thương mại yếu kém.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng lên kế hoạch kiên quyết cổ phần hóa, chú trọng thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp một các cách thực chất theo lộ trình và kế hoạch đã được phê duyệt. Tái cơ cấu lại danh mục vốn đầu tư và tài sản của khu vực Nhà nước, trước hết là DNNN; chuyển tài sản thương mại và cơ hội kinh doanh cho khu vực tư nhân, vốn đầu tư thu được đầu tư phát triển hạ tầng và các chức năng khác của Nhà nước.

Theo tính toán của Chính phủ, nguồn lực để thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 trong khuôn khổ các nguồn lực huy động chung của nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến khoảng 10.567.000 tỷ đồng theo giá thực tế.

Triệt để tái cơ cấu đầu tư công- tái cơ cấu doanh nghiệp- tái cơ cấu hệ thống ngân hàng

Tiếp đó, ngày 22/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020. Đa số Đại biểu tán thành với việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, các đại biểu cũng đề nghị trong giai đoạn tới cần tiếp tục triển khai triển để các nội dung trọng tâm của giai đoạn trước. Một số ý kiến đại biểu băn khoăn về việc tổ chức thực hiện kế hoạch cũng như huy động nguồn vốn thực hiện.

Theo đại biểu Quốc hội Đào Ngọc Dung- Thanh Hóa, trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện tái cơ cấu vừa qua, tiếp theo phải xác định tái cơ cấu chuyển mạnh từ tăng trưởng theo chiều dọc sang tăng trưởng theo chiều sâu chủ yếu dựa vào tăng hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực tức tăng năng suất lao động; các yếu tố tổng hợp đặc biệt là phát triển khoa học công nghệ. Ngoài ra, cần khẩn trương khẩn trương cân đối lại thu chi ngân sách, tái cơ cấu đầu tư công, nợ công phải minh bạch, tập trung tổ chức lại ngân hàng, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập và cập nhật kịch bản biến đối khí hậu, tái cơ cấu nông thôn và chú trọng xuất trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Đại biểu Quốc hội Đặng Thế Vinh- Hậu Giang cho rằng trong giai đoạn 2016-2020 cần tiếp tục tập trung vào một số trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Bởi đấy là những trọng tâm đang được triển khai thực hiện và cần tiếp tục thực hiện sao cho triệt để, thấy được hiệu quả thực tế.

Đại biểu Đặng Thế Vinh cũng đề nghị Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết về tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016- 2020 để có cơ sở giám sát và nâng cao hiệu lực thực thi.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hữu Quang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, xác định mục tiêu giai đoạn tới, cần tập trung để cơ chế thị trường quyết định phân bổ nguồn lực, Nhà nước hạn chế can thiệp. Xác định quan điểm tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng sự đóng góp của yếu tố năng xuất tổng hợp từ 30-35%; hoàn thiện thể chế để phát triển kinh tế và tuân theo cơ chế thị trường. Về nội dung kế hoạch tái cơ cấu, đại biểu đề nghị quyết liệt hơn mạnh dạn hơn trong triển khai thực hiện và xử lý tồn tại. Đổi mới cải cách doanh nghiệp nhà nước ko chỉ về chiều rộng mà còn chiều sâu.

"Tái cơ cấu thị trường tài chính cần phát triển thị trường tài chính theo hướng tăng thị trường vốn giảm thị trường tiền tệ. Nhấn mạnh tái cơ cấu thị trường của các nhân tố tham gia vào quá trình sản xuất như quyền sử dụng đất. Thực tế trong quá trình đánh giá tài sản để tái cấu trúc của các doanh nghiệp thì quyền sử dụng đất không được tính toán đúng mức dẫn đến thất thoát nguồn lực quốc gia. Vì vậy, phải có cơ chế cụ thể hóa, tính toán đúng mức, rà soát đất đai chưa sử dụng để đầu tư sản xuất mang lại nguồn lực quốc gia. Tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp công cần thực hiện lỗ trình chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công theo cơ chế giá và phí", ông Quang phát biểu.

Các đại biểu thảo luận về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế Giai đoạn 2016-2020 tại tổ 6.
Các đại biểu thảo luận về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế Giai đoạn 2016-2020 tại tổ 6.

Sử dụng, phân bổ nguồn lực hiệu quả

Các đại biểu đều bày tỏ băn khoăn trước việc huy động nguồn lực thực hiện tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016- 2020.

Đại biểu Bùi Sĩ Lợi đặt câu hỏi, nguồn vốn thực hiện tái cơ cấu sẽ huy động từ đâu khi ngân sách nhà nước ngày càng hạn hẹp.

Đại biểu Nguyễn Hữu Quang cho rằng tái cơ cấu phải tạo ra nguồn lực để tiếp tục thực hiện tái cơ cấu chứ không thể phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách nhà nước.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, có quan điểm hơi khác trong huy động nguồn lực tái cơ cấu.

Ông Cung cho rằng, vấn đề bây giờ không phải là huy động nguồn lực, mà quan trọng hơn là phân bổ lại để sử dụng hiệu quả nguồn lực hiện có. Từ đó khơi thông dòng chảy các nguồn lực xã hội.

Cho rằng việc huy động nguồn lực của Việt Nam hiện đang ở mức cao, đặc biệt là có tới 400 tỷ USD đang nằm trong khu vực Nhà nước nhưng lại không được sử dụng hiệu quả, ông Nguyễn Đình Cung nhận định, nếu mải mê huy động, nền kinh tế sẽ xuống hố chứ không phải là sẽ bay lên.

Theo vị chuyên gia này, khi nói đến tái cơ cấu nền kinh tế, nhiều người thường băn khoăn lấy nguồn lực ở đâu.

“Từ đó, người ta mới bắt đầu hô hào “Huy động, huy động và huy động!” nhưng tôi nghĩ cách đó không phải. Cùng với huy động, điều quan trọng hơn là phân bổ lại nguồn lực và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả để khơi thông các dòng chảy của nền kinh tế. Còn nếu cứ đi huy động mãi thì chúng ta sẽ xuống hố chứ không phải là sẽ bay lên nữa!”, ông Cung cảnh báo.

Về con số nguồn lực hơn 10 triệu tỷ, ông Cung khẳng định, con số hơn 10 triệu tỷ đồng này không phải nguồn lực để tái cơ cấu kinh tế.

Theo chuyên gia này, trong kế hoạch 2016-2020, dự kiến tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 32-33% GDP, trong khi dự kiến tổng GDP vào khoảng 30 triệu tỷ đồng.

Với tỷ lệ đầu tư/GDP như vậy, thì có khoảng 10 triệu tỷ đồng sẽ đưa vào đầu tư trong nền kinh tế. Đó là nguồn lực để đầu tư, chứ không phải nguồn lực để tái cơ cấu kinh tế.

Còn ông Nguyễn Hữu Quang thì khẳng định, kế hoạch chi ngân sách của 5 năm không có khoản nào gọi là tiền tái cơ cấu.

Cách thống kê 480 tỷ USD đó là các nguồn lực tổng hợp, chứ không phải chi ngân sách ra bấy nhiêu tiền để tái cơ cấu, ông Quang nhấn mạnh.

Nguồn lực để tái cơ cấu, theo ông Quang tạm gọi  là “lấy mỡ nó rán nó”, tức là tái cơ cấu sẽ tăng hiệu quả của nền kinh tế và có hiệu quả thì lại có tiền để tái cơ cấu, chứ không dùng nguồn lực cụ thể hay một con số cụ thể nào đó để thực hiện tái cơ cấu.

Đề án nói là tái cơ cấu liên quan đến cỡ khoảng 480 tỷ USD, không có nghĩa là Nhà nước bỏ 480 tỷ này để tái cơ cấu, ông Quang giải thích.

Cũng liên quan đến con số trên, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, TS. Trần Hoàng Ngân bình luận, thực ra nguồn lực tái cơ cấu cũng là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, mà tổng vốn đầu tư xã hội thì lâu nay giữ ở mức khoảng 30%.

Tái cơ cấu nền kinh tế: Trọng tâm, trước hết là khu vực nhà nước chứ không chỉ là doanh nghiệp nhà nước
Trả lời câu hỏi chọn ưu tiên nào đầu tiên trong các trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đang được thảo luận, ông Nguyễn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư