Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Quốc hội khóa XIV: Niềm tin và trọng trách
Mạnh Bôn - 20/07/2016 08:06
 
Bắt tay thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, Quốc hội nhiệm kỳ XIV và Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thậm chí còn xuất hiện những thách thức lớn hơn nhiều so với giai đoạn 2011-2015. Song niềm tin của người dân ngày càng tăng sẽ là yếu tố cực kỳ quan trọng, giúp Quốc hội và Chính phủ nhiệm kỳ mới nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó.

Ngược dòng thời gian, vào tháng 7/2011, nhiệm kỳ XIII của Quốc hội và Chính phủ bắt đầu với “hành trang” là GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,57%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,08%; tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu tăng 22,6%... Thu ngân sách nhà nước thời kỳ này đạt 50,6% kế hoạch, trong đó, xuất khẩu dầu thô đem về cho ngân sách 42.000 tỷ đồng, bằng 60,6% dự toán. 

Trong khi đó, Quốc hội nhiệm kỳ XIV và Chính phủ nhiệm kỳ mới bắt tay triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 với “tài sản” là GDP trong 6 tháng đầu năm tăng 5,52%. Trong đó, lần đầu tiên trong lịch sử, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản - “bệ đỡ”, “thành trì” của nền kinh tế - có tăng trưởng âm.

.
.

Tốc độ tăng trưởng của công nghiệp khai khoáng - một trong 3 chân kiềng của ngành công nghiệp giảm 2,2%. Tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2016 chỉ tăng 9,5%. Riêng thu ngân sách nhà nước, dù nửa năm 2016 đã trôi qua, nhưng mới hoàn thành được 47% dự toán...

Nhìn lại một số nét chính về tình hình kinh tế - xã hội tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII để thấy, Quốc hội nhiệm kỳ XIV và Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ phải nỗ lực mạnh mẽ mới có thể hoàn thành kế hoách phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng thông qua.

Khác với tất cả kỳ họp đầu tiên của Quốc hội các khóa trước, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV khai mạc ngày hôm nay (20/7/2016) tập trung vào nhiệm vụ hoàn thiện bộ máy lãnh đạo cấp cao nhà nước nhiệm kỳ 2016-2020 (đã hình thành và đi vào hoạt động từ tháng 4/2016).

Chính phủ đương nhiệm do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu được xác định là “Chính phủ kiến tạo phát triển, Chính phủ hành động, Chính phủ phục vụ, trong sạch, liêm chính”. Nhìn lại hoạt động của Chính phủ đương nhiệm hơn 3 tháng qua, cử tri và nhân dân cả nước, cho dù có khắt khe đến mấy, cũng phải thừa nhận, tập thể Chính phủ và cá nhân Thủ tướng “không nói chơi”. Minh chứng là khi vừa đi vào hoạt động, ngay lập tức, Chính phủ nhiệm kỳ mới đã tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc nhất của nền kinh tế; ban hành hàng loạt chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… Trong đó ấn tượng nhất phải kể đến việc chỉ đúng 3 tuần sau khi tuyên thệ nhậm chức, người đứng đầu Chính phủ cùng nhiều thành viên nội các đã chủ động gặp gỡ, đối thoại, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cùng cộng đồng doanh nghiệp.

Cùng với việc xây dựng hàng loạt kế sách cho sự phát triển bền vững, lâu dài của nền kinh tế, Chính phủ cũng đã giải quyết một cách khoa học, nhanh chóng, kịp thời những khó khăn phát sinh chưa có tiền lệ như thảm họa môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung, diễn biến bất thường của thời tiết ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân… Điều này khiến người dân tin tưởng hơn vào Chính phủ nhiệm kỳ mới.

Niềm tin của người dân vào bộ máy nhà nước càng được củng cố khi Chính phủ “nói không” với việc đầu tư tiếp vào những dự án trị giá cả ngàn tỷ đồng đang “thoi thóp”; Quốc hội không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội đối với 2 đại biểu; các cơ quan tư pháp quyết định khởi tố 36 bị can làm thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam ngay trước thời điểm diễn ra Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV…

Khi niềm tin ngày càng tăng, người dân có quyền hy vọng vào bộ máy nhà nước mới sẽ vượt qua tất cả khó khăn, trở ngại, hoàn thành tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, như đã từng làm trong giai đoạn khó khăn khi bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015.

Vì sao Bà Nguyệt Hường mất tư cách đại biểu Quốc hội?
Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Hội đồng phải triệu tập họp phiên bất thường, bỏ phiếu không công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư