Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Quy trình bầu cử nhìn từ vụ việc bà Châu Thị Thu Nga
Mạnh Bôn - 22/05/2015 08:22
 
Chưa đầy một năm nữa, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 sẽ diễn ra. Theo TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Quốc hội hết sức thận trọng khi thông qua Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND (Luật Bầu cử) vào cuối kỳ họp này.

Sau sự kiện bà Đặng Thị Hoàng Yến bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội, ngày 18/6 tới, Quốc hội sẽ bỏ phiếu bãi nhiệm tư cách đại biểu của bà Châu Thị Thu Nga. Điều này cho thấy, cần phải quy định rõ tiêu chuẩn của người ra ứng cử trong Luật Bầu cử, thưa ông?

Qua 2 sự việc đáng tiếc này, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải quy định cụ thể hơn tiêu chuẩn của người ra ứng cử đại biểu. Tuy nhiên, tôi cho rằng, quy định như trong Dự thảo Luật Bầu cử: “Người ứng cử đại biểu Quốc hội phải có đầy đủ tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội. Người ứng cử đại biểu HĐND phải có đầy đủ tiêu chuẩn của đại biểu HĐND quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương” là phù hợp. Vì nếu quy định quá cụ thể, chi tiết các tiêu chuẩn ứng cử vô hình trung sẽ cản trở công dân thực hiện quyền ứng cử đã được Hiến pháp quy định.

 

Để bảo đảm chất lượng, từng bước nâng cao hơn nữa năng lực, trình độ của đại biểu, thì các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ra ứng cử cần đề cao trách nhiệm, chủ động sàng lọc, giới thiệu những ứng cử viên tiêu biểu, có độ tuổi thích hợp, có đủ tài, đủ đức để cử tri có điều kiện lựa chọn người thực sự xứng đáng làm đại biểu cho mình.

Nhưng có trường hợp chất lượng ứng cử viên không bằng người khác, nhưng vì tỷ lệ cơ cấu, thành phần, nên vẫn được ra ứng cử và trở thành người đại diện cho cử tri?

Chính vì vậy, Dự thảo Luật Bầu cử chỉ quy định số đại biểu Quốc hội là người dân tộc ít người, là nữ… và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến số lượng để bảo đảm có số đại biểu phù hợp, chứ không quy định phải bảo đảm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trong luật.

Tôi cho rằng, quy định cụ thể cơ cấu, thành phần, phân bố đại biểu ngay trong luật một mặt gây khó khăn trong việc lựa chọn ứng cử viên thật sự xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri, mặt khác lại rất khó khả thi. Lý do là, việc dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tùy theo yêu cầu của từng giai đoạn, từng địa phương nhất định và đặc biệt là phải đáp ứng được yêu cầu của công tác cán bộ.

Vấn đề cơ cấu, thành phần, phân bổ đại biểu sẽ được hướng dẫn cụ thể trong các đề án về tổ chức bầu cử, chuẩn bị nhân sự giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức bầu cử để bảo đảm sự linh hoạt cho mỗi kỳ bầu cử.

Nếu không có việc bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội kể trên thì hồ sơ của 2 vị dân biểu này có thể nói là “quá đẹp”. Để nâng cao chất lượng đại biểu, theo ông, có cần thiết phải quy định thêm nhiều loại giấy tờ trong hồ sơ ứng cử đại biểu không?

Theo Dự thảo Luật Bầu cử, hồ sơ ứng cử đại biểu chỉ bao gồm: đơn xin ứng cử; sơ yếu lý lịch có chứng nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền; tiểu sử tóm tắt; 3 ảnh chân dung màu cỡ 4 x 6 cm; bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Sau sự kiện một số đại biểu bị bãi nhiệm, nhiều ý kiến đề nghị, trong hồ sơ ứng cử, ngoài các loại giấy tờ kể trên, cần bổ sung một số loại giấy tờ như phiếu khám sức khỏe, phiếu lý lịch tư pháp…

Thế quan điểm của ông thế nào?

Tôi cho rằng, quy định như trong Dự thảo Luật Bầu cử là phù hợp, bởi thực tiễn các cuộc bầu cử ở nước ta cho thấy, phần lớn những người ứng cử là do cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giới thiệu, nên việc rà soát, sàng lọc để bảo đảm các tiêu chuẩn của đại biểu đều được thực hiện rất kỹ lưỡng, qua nhiều bước, được thực hiện bởi các cơ quan, tổ chức nắm rất rõ về người ứng cử.

Thực tế cũng chưa có vướng mắc gì về hồ sơ ứng cử đối với những người được giới thiệu ứng cử, do đó, không cần thiết phải bổ sung các loại giấy tờ trong hồ sơ ứng cử. Hơn nữa, tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp là rất lớn (tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 là 473.697 người), nếu quy định bắt buộc trong hồ sơ ứng cử phải có phiếu lý lịch tư pháp, giấy khám sức khỏe... sẽ tạo ra thêm nhiều thủ tục hành chính, gây tốn kém và lãng phí thời gian cho người ứng cử cũng như cơ quan nhà nước có liên quan.

Nhưng cả bà Yến và bà Nga đều là tự ứng cử, tức là không có cơ quan, tổ chức nào chịu trách nhiệm về tư cách của 2 đại biểu này. Sự việc đáng tiếc xảy ra cho thấy, quá trình hiệp thương chưa thực sự tốt?

Hiệp thương là công đoạn chủ yếu, có vai trò quan trọng trong toàn bộ quy trình bầu cử. Chính vì vậy, Dự thảo Luật Bầu cử đã quy định mối quan hệ công tác giữa Hội đồng Bầu cử quốc gia với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác hiệp thương, vận động bầu cử; xác định trách nhiệm chủ trì của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và trách nhiệm phối hợp của các cơ quan khác trong công tác hiệp thương.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn chỉ đạo các cơ quan hữu quan thực hiện rà soát, bổ sung để cụ thể hóa hơn các quy định liên quan đến quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử cũng như trách nhiệm của Hội đồng Bầu cử quốc gia trong công tác này.

Đề nghị kỷ luật hàng loạt quan chức trong vụ B5 Cầu Diễn
Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh vừa ký văn bản số 1610/UBND – TNMT về việc chỉ đạo xử lý sau thanh tra dự án tại B5 Cầu Diễn, quận...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư