Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
"Sai phạm có tổ chức trong vụ cấp khống hơn 800 loại thức ăn thủy sản"
Hữu Tuấn - 26/07/2016 17:33
 
Bên hành lang Quốc hội ngày 26/7, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Trương Minh Hoàng đã nói lên tiếng nói bức xúc của cử tri với vụ cấp khống hơn 800 loại thức ăn thủy sản và sản phẩm xử lý môi trường.

Đối với vụ cấp khống hơn 800 loại thức ăn thủy sản và sản phẩm xử lý môi trường tại Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản, thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), cử tri đã phản ứng như thế nào, thưa ông?

Cũng giống nhiều bà con, khi sự việc xảy ra rất bức xúc. Bà con cũng điện thoại phàn nàn, kể cả thời gian khi chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, bà con vẫn than phiền nhiều nhất là vật tư, các loại vật tư nuôi trồng thủy sản, vật tư nông nghiệp nói chung. Các hàng trôi nổi,  kém chất lượng gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân. Những cái đã qua chưa phát hiện nhưng bà con có nghi ngờ, cho rằng sự kiểm soát lỏng lẻo, chưa hiệu quả.

Do đó, trong nhiệm kỳ vừa qua, không riêng gì tôi nhiều đại biểu trong quá trình thảo luận đã kiến nghị đưa vấn đề này, để đề nghị làm sao tăng cường kiểm soát chất lượng mà cụ thể ở đây, vụ việc xảy ra như vậy tôi cho rằng quá trình thực hiện mình cảm thấy gây dư luận, tệ hại nặng nề mà sự sai phạm này tôi cho rằng có tổ chức.

Đại biểu Trương Minh Hoàng:
Đại biểu Trương Minh Hoàng: "Sai phạm này là có tổ chức, có dấu hiệu cấu thành tội phạm rất rõ. Do vậy tôi mạnh dạn đề nghị cơ quan công an sớm vào cuộc"

Hiện theo tôi biết, qua dư luận tôi biết đã chuyển qua Cơ quan an ninh tiếp tục làm, nhưng hư vậy còn chậm quá vì vụ việc này khi phát hiện và theo các phương tiện đưa có kết luận cách đây một năm rồi, nhưng mới xử ở mức hành chính thì không thể chấp nhận được.

Cái này mình thấy đã làm như vậy thì ai còn tin được với quản lý, điều hành, làm mất lòng tin kinh khủng, vừa phá hoại, gây tổn thất nặng nề cho bà con nông dân, bà con nuôi trồng thủy sản.

Như các bạn biết đối với những người nuôi thủy sản như nuôi tôm  rất cần vật tư xử lý ao đầm, nguồn nước, vệ sinh môi trường trước khi nuôi thả. Và kể cả quá trình con tôm còn rất bé, khi mua về chỉ lớn hơn cái tăm nếu nuôi nhiều phải cho thức ăn, nếu gặp thức ăn kém chất lượng thì thiệt hại cực kỳ lớn.

Như con tôm, khi mà xử lý đầm, ao cho sạch, sau đó với vục phân bón vật tư, kích thích phân ra tảo để tôm ăn… nếu vật tư không đảm bảo thì không thể hình thành được thức ăn thì tôm sẽ đói và có nhiều bệnh khác nhau.

Tôi kiến nghị phải xử lý thật mạnh tay để lấy lại lòng tin và nên chăng ngành nông nghiệp cần có những cách kiểm soát chứ không thể để cơ quan vừa cấp phép, vừa đi kiểm soát. Thứ hai, trong quá trình  mình làm thế này cần công khai minh bạch. Văn bản có bao nhiêu danh mục, từng trang có đóng dấu, từ mục số mấy tới số mấy, tổng số bao nhiêu trang để không có cơ hội cắt ghép. Thậm chí, cấp phép các loại chứng nhận nào cũng phải niêm phong ở cơ quan đơn vị để người làm sai sợ người khác phát hiện…

Ông nghĩ sao khi đến thời điểm này Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vẫn  chưa công bố danh mục 800 sản phẩm đó?

 Tôi đề nghị mạnh dạn công bố, không thể chấp nhận được. Nêu không công bố danh tính thì bà con biết đâu mà lần, khi đi mua không biết cái nào là tốt, là không tốt.

Mặt khác chính cách làm này cũng gây thiệt hại không riêng cho bà con nuôi trồng thủy sản mà còn gây thiệt hại cho doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Người ta làm vật tư cho nông nghiệp nếu đảm bảo chất lượng phải qua quy trình kiểm tra, kết cấu trong từng loại chi phí cao. Nếu không công khai thì  những ông kia bán rẻ, bà con mua thì ảnh hưởng.

Do đó cần sớm công bố để doanh nghiệp làm ăn chân chính làm tốt hơn. Mặt khác bà con biết loại nào cần tẩy chay, không sử dụng, cái nào sử dụng hiệu quả.

Mới đây, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu công bố nhưng hiện nay ngành nông nghiệp chưa cung cấp danh sách cho báo chí? Như vậy có phải kỷ luật công vụ chưa nghiêm?

Khi Chính phủ đã  yêu cầu thì sớm muộn Tổng cục Thủy sản phải làm.

Một lần tôi phát biểu tại hội trường, một lần Chính phủ đề nghị báo cáo một vụ việc, nhưng tổng kết lại thì chỉ có chưa tới một nửa các Bộ báo cáo và một phần ba số tỉnh báo cáo.

Tôi kiến nghị với các đơn vị thủ trưởng phải báo cáo mà không báo cáo thì cho thủ trưởng đơn vị đó về viết báo cáo, đưa cấp phó lên thay chừng nào viết xong thì quay lại làm việc. Còn trong khi cấp trưởng nghỉ viết báo cáo, quá trình cấp phó làm tốt hơn thì thay luôn. Cần mạnh dạn cách làm như vậy thì ông mới sợ, kỷ luật công vụ mới nghiêm được.

Chính phủ đã chỉ đạo thì trước sau cũng phải làm, không làm thì không chấp nhận được.

Bản chất vụ việc này là bán giấy phép lấy tiền chia nhau, vậy có phải là "bán quyền ăn tiền", tham nhũng không, thưa ông?

Sai phạm này là có tổ chức, có dấu hiệu cấu thành tội phạm rất rõ. Do vậy tôi mạnh dạn đề nghị cơ quan công an sớm vào cuộc.

Tôi rất mong phương tiện thông tin đại chúng cố gắng phanh phui, tìm ra câu trả lời chính thống từ ngành nông nghiệp. Tới đây, bàn công tác nhân sự, có thể tôi cũng đề nghị có giải thích trước khi chúng tôi phê chuẩn chức danh.

Vụ việc này liệu có ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu thủy sản không, thưa ông?

Đương nhiên! Một là thức ăn không đảm bảo thì người nuôi thất thu, số lượng không đảm bảo cho các nhà máy xuất khẩu. Buộc các nhà máy ký cam kết sản lượng xuất khẩu phải đi mua sản phẩm từ chỗ khác.

Thứ hai, nếu khi làm rõ, chất chưa biết chất gì thì đương nhiên người ta nghi ngờ, chắc chắn người ta sẽ phải tăng kiểm soát. Vì không biết loại giả là loại gì, có chất cấm hay không? Nếu như đúng là chất cấm thì người ta lại càng tăng cường kiểm soát và rất nguy hiểm cho xuất khẩu của mình.

Xin cảm ơn ông!

Xuất khẩu thủy sản: “Khát” đầu vào, bí đầu ra
Lợi nhuận giảm, mức chiết khấu hàng hóa nhập vào siêu thị tăng cao, “khát” nguyên liệu đầu vào... khiến các doanh nghiệp thủy sản đang...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư