Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Samsung - viết tiếp câu chuyện thành công ở Việt Nam
Nguyên Đức - 11/02/2016 11:57
 
Năm 2016 sẽ là một năm đặc biệt với Samsung ở Việt Nam, bởi một chặng đường phát triển mới của tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới sẽ bắt đầu. Khi Dự án Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC), vốn đầu tư 2 tỷ USD, chính thức đi vào hoạt động thì cũng là lúc Samsung khởi đầu thập kỷ thứ 3 có mặt tại Việt Nam.
TIN LIÊN QUAN

“Cuộc chơi” mới sắp bắt đầu

Đang là những ngày bận rộn vô cùng của “những người Samsung” tại Dự án SEHC (Khu công nghệ cao TP.HCM - SHTP). Gấp gáp, chạy đua cùng thời gian nhưng vô cùng hồ hởi, phấn khởi bởi nhà máy SEHC đang trong giai đoạn nước rút để chuẩn bị cho việc vận hành.

Chỉ nay mai thôi, những chiếc TV thế hệ mới nhất của Samsung, sau đó là các sản phẩm điện tử gia dụng, sẽ được xuất xưởng tại SEHC, tiêu thụ nội địa và đưa đi xuất khẩu toàn cầu. “SEHC khi hoàn thiện sẽ trở thành một trong bốn nhà máy sản xuất các thiết bị điện tử gia dụng lớn nhất của Samsung trên toàn cầu”, ông Lee Sangsu, Tổng giám đốc Công ty TNHH Samsung Electronics HCMC CE Complex tự hào thông báo như vậy hôm 29/12/2015 khi Samsung nhận giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh để nâng tổng vốn đầu tư của Dự án từ 1,4 tỷ USD lên 2 tỷ USD.

.

SEHC nhận giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh để nâng vốn đầu tư lên 2 tỷ USD.

Còn ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc SamsungVina thì đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng: “Đây là một tổ hợp công nghệ cao tương tự các tổ hợp tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, chuyên cung ứng sản phẩm cho thị trường toàn cầu nên tại đây, chúng tôi sẽ sản xuất tất cả dòng sản phẩm TV cao cấp nhất, tốt nhất của mình”.

Khi SEHC đi vào hoạt động, một “cuộc chơi” mới của Samsung sẽ bắt đầu ở Việt Nam, thị trường mà hơn 6 năm qua đã được tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới biến thành cứ điểm sản xuất toàn cầu hoàn chỉnh của mình. Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ là “cứ điểm” cho sản xuất các thiết bị di động, còn từ nay, là cứ điểm cho sản xuất TV và các thiết bị điện tử gia dụng khác.

Có thể hơi quá khi nói rằng, đây sẽ là một “cuộc chơi mới” của Samsung tại thị trường Việt Nam, bởi thực tế 20 năm trước, Samsung đã xây dựng nhà máy sản xuất TV tại Việt Nam - SamsungVina ở Thủ Đức (TP.HCM).

Tuy nhiên, SamsungVina chỉ là một dự án quy mô nhỏ, với vốn đầu tư ban đầu 36,5 triệu USD, tập trung phục vụ thị trường nội địa. Lúc ấy, do quy định của pháp luật Việt Nam, Samsung phải liên doanh với Công ty cổ phần TIE để triển khai dự án này. Chỉ tới cuối tháng 7/2013, khi Samsung chi hơn 96 tỷ đồng mua lại phần vốn góp của TIE trong liên doanh thì SamsungVina mới chính thức trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

SEHC được khởi công xây dựng ngày 19/5/2015 và chuẩn bị được đưa vào vận hành
SEHC được khởi công xây dựng ngày 19/5/2015 và chuẩn bị được đưa vào vận hành.

Trước thời điểm SamsungVina thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, khi thời hạn liên doanh gần chấm dứt, dư luận đã đặt câu hỏi, rằng Samsung sẽ ra đi như Sony, hay ở lại như LG? Cũng có người lo ngại, Samsung sẽ tập trung vào thương mại thay vì đầu tư sản xuất tại Việt Nam, như các nhà sản xuất khác đã từng. Và câu trả lời hôm nay đã rõ: Samsung đã ở lại. Không những ở lại, họ còn quyết định đầu tư một khu tổ hợp quy mô lớn tại TP.HCM, nhằm hướng đến thị trường xuất khẩu cho khu vực và toàn cầu. SEHC được xác định là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng TV toàn cầu của Samsung, góp phần củng cố vị trí nhà sản xuất TV số một thế giới mà Samsung đã nắm giữ liên tiếp từ năm 2006 đến nay.

Thậm chí, chỉ hơn 1 năm sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu (tháng 9/2014), khi mà nhà máy còn chưa đi vào hoạt động, Samsung đã quyết định dốc thêm 600 triệu USD để nâng tổng vốn đầu tư lên 2 tỷ USD. Cùng với việc tăng vốn, Samsung đồng thời bổ sung nội dung thành lập phòng thí nghiệm đo kiểm trong lĩnh vực điện tử, viễn thông và bổ sung hoạt động bảo hành, sửa chữa trong phạm vi nhà máy của Dự án. Samsung cũng đã quyết định thuê thêm đất, từ 70 ha lên 93,8 ha để phục vụ cho kế hoạch mở rộng sản xuất - kinh doanh của mình.

Trong giai đoạn đầu, SEHC sẽ tập trung nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm TV cao cấp như SUHD TV, Smart TV, LED TV… Sau đó, giai đoạn 2018 - 2019 và 2019 - 2020 sẽ sản xuất các sản phẩm máy giặt, tủ lạnh, máy hút bụi và đồ điện gia dụng khác.

Theo kế hoạch, nhà đầu tư sẽ giải ngân số vốn đầu tư của toàn bộ Dự án trong thời gian 5 năm, thời hạn mà gần như Samsung đã đặt ra đối với bất cứ dự án nào mà họ đầu tư ở Việt Nam, dù là ở Thái Nguyên hay Bắc Ninh, nhưng lại luôn phá vỡ nó. Các dự án đầu tư của Samsung ở Việt Nam đều có bước đi thần tốc, nhanh và mạnh đến không ngờ.

Viết tiếp câu chuyện thành công ở Việt Nam

Trò chuyện với ông Nguyễn Văn Đạo, người “có mặt” bên Samsung ngay từ những ngày đầu, mới hiểu hết về những ngày Samsung gian nan đặt viên gạch đầu tiên ở thị trường Việt Nam. Từ những ngày giáp Tết mưa phùn gió bấc đáp chuyến bay ra Hà Nội để nhận giấy phép đầu tư vào năm 1995 đến những ngày chạy ngược chạy xuôi lo xây dựng nhà máy, để đến cuối cùng, tháng 9/1996, nhà máy sản xuất TV của Samsung ở Thủ Đức (TP.HCM) chính thức khánh thành, cùng sản phẩm đầu tiên là chiếc TV màu với màn hình CRT.

Nhưng có nhà máy, có sản phẩm đầu tiên đâu phải đã hết vất vả, gian nan. Khi ấy, thương hiệu Samsung vẫn đang ở hàng “chiếu dưới”, vì trong con mắt người tiêu dùng Việt Nam, chỉ hàng Nhật là nhất, với Sony, Panasonic… Lại phải ngược xuôi trong Nam ngoài Bắc, tới tận cùng ngõ hẽm, tới cả các vùng đất xa xôi để tiếp thị, bán hàng. Riết rồi, Samsung được biết đến nhiều hơn. Người tiêu dùng tin hơn. Và bước phát triển bắt đầu từ đó.

Không chỉ là TV CRT, cùng với bước phát triển như vũ bão của công nghệ và bước tiến thần tốc của Samsung trên thị trường toàn cầu, những chiếc TV thế hệ cũ đã được thay thế bằng các loại TV màn hình dẹt như Plasma, LCD rồi LED…

Dấu mốc lớn nhất cho sự phát triển của SamsungVina là sau 10 năm hoạt động, doanh số đã tăng lên gấp 36 lần so với năm đầu thành lập, đạt khoảng 330 triệu USD/năm, đồng thời đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 13 triệu USD/năm.

Còn nay, sau 20 năm, chẳng cần viện dẫn những con số, chỉ cần thấy TV rồi màn hình máy tính của Samsung hiện diện khắp nơi, trong công sở, trường học, trong những tòa cao ốc, trong mỗi gia đình… là đủ thấy Samsung đã thành công đến nhường nào ở Việt Nam. Và tất nhiên, cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà Samsung dốc tới 2 tỷ USD để xây một tổ hợp sản xuất TV và thiết bị điện tử gia dụng tại TP.HCM, gần với nhà máy SamsungVina cũ - đã được gia hạn hoạt động thêm ít năm để chuẩn bị cho sự ra đời của nhà máy mới. Hẳn là vì SamsungVina đã thành công và thành công ấy đủ sức thuyết phục các nhà lãnh đạo Tập đoàn tiếp tục bỏ vốn vào Việt Nam trong cả ngành hàng điện tử dân dụng, tiếp nối ngành hàng thiết bị di động đã triển khai thành công ở phía Bắc. 

Nhiều năm qua, các loại TV và màn hình máy tính do SamsungVina sản xuất đã liên tục dẫn đầu thị trường trong nước. Samsung giờ đã trở thành thương hiệu hàng điện tử được tin dùng hàng đầu Việt Nam, và được liệt vào chiếu trên, là “hàng hiệu”.

Chiếc TV Samsung SUHD JS9500 (65 inch) Samsung đã vừa chiến thắng ở hạng mục “TV xuất sắc nhất năm” của Giải thưởng Tech Awards 2015, do báo điện tử VnExpress tổ chức. Giải thưởng được trao vào những ngày giữa tháng 1/2016. JS9500 SUHD TV cũng chính là sản phẩm đã nhận được hơn 8 giải thưởng tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng thế giới 2015 (CES), diễn ra tại Mỹ vào đầu năm 2015.

Trong khi đó, hơn 6 tháng trước, Samsung tiếp tục được vinh danh là Thương hiệu Tốt nhất châu Á năm 2015, sau 3 năm liên tiếp nắm giữ danh hiệu này. Đó là kết quả từ cuộc khảo sát trực tuyến hàng năm “Top 1.000 Thương hiệu châu Á” do Campaign Asia-Pacific phối hợp với Nielsen thực hiện.

Hôm nhận Giải thưởng, bà Irene Ng, Phó chủ tịch phụ trách Tiếp thị, Samsung Electronics Đông Nam Á và châu Đại Dương hồ hởi cho biết, Samsung Electronics tự hào được bình chọn là Thương hiệu Tốt nhất châu Á trong suốt bốn năm liền. trong khi cách đây 10 năm chỉ xếp thứ 15.

“Việc thương hiệu Samsung vươn lên dẫn đầu châu Á không đến một cách tình cờ. Thấu hiểu người tiêu dùng và không ngừng đổi mới sáng tạo cho phép chúng tôi luôn đi tắt đón đầu các nhu cầu năng động của thị trường, những thay đổi công nghệ, cũng như các yêu cầu riêng của người tiêu dùng ở các nước khác nhau trong khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương”, bà Irene Ng. nói vậy.

Không nói tới các dòng smartphone đình đám thị trường, khiến Samsung vẫn vững danh là nhà sản xuất thiết bị di động hàng đầu thế giới, chỉ riêng dòng TV SUHD đã đánh dấu “bước nhảy phi thường” của Samsung trên thị trường TV toàn cầu. Với SUHD, mà chủ lực là dòng sản phẩm JS9500 SUHD, người tiêu dùng có một trải nghiệm nghe nhìn với chất lượng hình ảnh siêu việt, độ tương phản đáng kinh ngạc, độ sáng nổi bật, màu sắc đẹp và chi tiết UHD siêu nét.

Khi những sản phẩm này cũng được sản xuất tại SEHC và được cả thế giới đón nhận, chẳng gì có thể cản bước chân thành công của dự án này tại Việt Nam.

Sức mạnh song mã

Với việc SEHC vừa nâng vốn đầu tư lên 2 tỷ USD, chỉ tính riêng phần Samsung Điện tử đầu tư ở Việt Nam, con số đã lên tới 9,5 tỷ USD. Trong đó, “phần” của Samsung Bắc Ninh (SEV) là 2,5 tỷ USD, còn Samsung Thái Nguyên (SEVT) là 5 tỷ USD.

Bước chân thần tốc và những đóng góp to lớn của Samsung tại hai tổ hợp SEV và SEVT cho kinh tế - xã hội Việt Nam có lẽ là điều không cần phải bàn cãi. Năm 2015, hai tổ hợp này đã xuất khẩu 32,8 tỷ USD, đóng góp hơn 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Hơn 33% sản lượng thiết bị di động mà Samsung bán ra trên toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam và đó là lời khẳng định cho việc Việt Nam đang ngày càng trở thành một thị trường trọng điểm đầu tư của Samsung.

Cùng với tăng kim ngạch xuất khẩu, thì hai tổ hợp SEV và SEVT hiện đã giải quyết việc làm cho khoảng 110.000 lao động trực tiếp. Chưa kể, còn 1.500 kỹ sư và chuyên gia làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển phần mềm Samsung Việt Nam (SVMC) và khoảng 2.000 kỹ sư và kỹ thuật viên R&D tại hai nhà máy Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Và tất nhiên, cũng phải kể đến hàng chục ngàn nhân viên đang làm việc tại các dự án vệ tinh của Samsung tại Việt Nam. Thông tin mới nhất, Samsung Điện tử hiện có 254 doanh nghiệp cung ứng cấp 1, trong đó có 114 doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong số này có 41 doanh nghiệp thuần Việt đang tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung.

Nhờ sức hút của Samsung, hàng tỷ USD đã được các nhà đầu tư vệ tinh đổ vào Việt Nam. Nhờ các dự án này, tỷ lệ nội địa hóa của Samsung Điện tử đã đạt mức 36%. Và hiện tại, Samsung vẫn đang nỗ lực thúc đẩy việc đào tạo và nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam tiềm năng để tham gia chuỗi cung ứng của Samsung, từ đó nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế Việt Nam.

Sau những thành công của SEV và SEVT, cũng như những đóng góp cho kinh tế - xã hội Việt Nam trong giải quyết việc làm, tăng cường xuất khẩu, thu hút nhà đầu tư vệ tinh và thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực điện tử phát triển, cũng như phát triển hoạt động R&D tại Việt Nam, nhiều kỳ vọng cũng đang được đặt ra với SEHC. Rằng SEHC cũng sẽ có bước phát triển thần tốc và đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giống như hai khu tổ hợp SEV và SEVT.

Chưa đi vào hoạt động nên thật khó để định lượng những đóng góp này. Song ông Lee Sangsu cho biết, khi SEHC đi vào hoạt động ổn định, sẽ có khoảng 7.000 lao động làm việc tại đây. Và dự kiến năm 2017, doanh thu của Dự án sẽ đạt khoảng 5 tỷ USD.

Trong khi đó, nhiều thông tin cho biết, sau khi Samsung xây dựng nhà máy ở TP.HCM, nhiều nhà đầu tư vệ tinh của Samsung đã quyết định xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Chỉ trong những ngày đầu năm 2016, đã có hai dự án được SHTP cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, một của nhà đầu tư nước ngoài, một của nhà đầu tư trong nước.

Đó là dự án Xây dựng Khu nghiên cứu - ứng dụng và sản xuất công nghệ cao Phước Thành của Công ty cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên, vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng (tương đương 73 triệu USD) và Dự án Aureumaex Precision Plastics Việt Nam của Công ty United  More SDN. BHD (Malaysia), vốn đầu tư 21 triệu USD.

Nếu như Minh Nguyên chuyên sản xuất sản phẩm nhựa, kim loại để làm khuôn mẫu, thì Aureumaex sẽ sản xuất khung màn hình nhựa bóng và vỏ nhựa cho các loại TV thông minh, LCD, LED…

Trước đó, ngay tại lễ trao giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh của SEHC vào cuối tháng 12/2015, ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý SHTP cho biết, đã có 4 dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư vào SHTP để cung ứng nguyên vật liệu cho Samsung, với tổng vốn đầu tư gần 300 triệu USD. Trong đó, đáng chú ý là Dự án Sản xuất - kinh doanh linh kiện điện tử và màn hình LED của Công ty TNHH MTV Daeyoung Electronics Vina, vốn đầu tư 63 triệu USD, được cấp chứng nhận đầu tư ngay sau khi SEHC được khởi công xây dựng chỉ 2 tuần. Hay Dự án chuyên sản xuất động cơ cho các loại máy giặt, tủ lạnh, điều hòa không khí và máy hút bụi của Công ty TNHH New - Hanam, vốn đầu tư 74 triệu USD…

Nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đã “đâm đơn” để có thể trở thành nhà cung cấp cho Samsung. Thậm chí, Công ty Việt Hưng, hiện đang là nhà cung cấp các sản phẩm bao bì carton, nhựa, pallet giấy… cho SEV và SEVT, vào tháng 4/2015 cũng đã xây dựng thêm một nhà máy sản xuất bao bì ở TP.HCM, mà theo ông Hoàng Gia Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty, là để “đón đầu cơ hội” do SEHC mang lại.

Những động thái vô cùng tích cực, hứa hẹn những thành công to lớn của SEHC ở thị trường Việt Nam. Khi ấy SEV-SEVT và SEHC sẽ thành “song mã”, một chuyên sản xuất thiết bị di động - một chuyên sản xuất TV và đồ điện tử gia dụng, hai ngành hàng chiến lược của Tập đoàn Samsung Điện tử,  kéo sự phát triển đi lên của Samsung tại Việt Nam, qua đó đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của Việt Nam.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã không hề giấu giếm kỳ vọng khi cho biết, bên cạnh hiệu quả đầu tư của Dự án về khía cạnh lợi ích kinh tế, như sẽ đóng góp khoảng 20% cho kim ngạch xuất khẩu hiện nay của Thành phố, tạo điều kiện phát triển công nghiệp phụ trợ và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội, thì lãnh đạo Thành phố còn mong muốn Dự án sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Còn ông Jongho Kim, Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung, ngành hàng Điện tử gia dụng, khi tới Việt Nam để tham dự Lễ khởi công xây dựng SEHC cũng đã khẳng định, đối với Samsung, Việt Nam không chỉ là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn mà đã thực sự trở thành một ngôi nhà của Tập đoàn Samsung.

“Thông qua việc triển khai dự án SEHC, chúng tôi tiếp tục đặt niềm tin vững chắc vào tương lai phát triển cùng Việt Nam. Khi dự án đi vào hoạt động ổn định, Samsung hy vọng sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước và con người tại đây”, ông Jongho Kim nói.

Và “khi Việt Nam là nhà”

“Việt Nam không khỉ là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn mà đã thực sự trở thành một ngôi nhà của Tập đoàn Samsung”. Ông Jongho Kim đã nói thế.

Một khi đã là nhà, người ta sẽ chăm chút hơn cho ngôi nhà của mình. Bởi thế, trong suốt 20 năm hoạt động tại Việt Nam, Samsung đã triển khai nhiều hoạt động xã hội cộng đồng, mà một trong số đó là chương trình trao tặng “Thư viện thông minh”, “Trường học thông minh” cho các trường học ở Việt Nam.

Chỉ cách đây chưa lâu, mô hình “Trường học thông minh” đã được trao cho Trường trung học phổ thông Trần Phú (Hà Nội). Một “Không gian chia sẻ S.Hub” cũng đã được xây dựng ngay tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM. 

“Nhiều năm qua, Samsung luôn theo đuổi chiến lược thực hiện các chương trình trách nhiệm cộng đồng CSR là tạo ra giá trị chung cho cộng đồng, tập trung vào triển khai các hoạt động dài hạn trong lĩnh vực giáo dục, giúp phát triển xã hội bền vững, trong đó công nghệ của chúng tôi cũng đóng một vai trò không nhỏ”, ông Nguyễn Văn Đạo nói.

Bỏ qua tất cả những mỹ từ thuộc về “phát triển xã hội bền vững”, hay “trách nhiệm xã hội cộng đồng”…, chỉ nhìn những ánh mắt trẻ thơ trong veo, đầy thích thú khi đón nhận “Thư viện thông minh”, hay những gương mặt trẻ Việt Nam vô cùng háo hức với “Trường học Thông minh” hay “Không gian chia sẻ S.Hub”, chợt nhận ra một điều, Samsung đã, đang và sẽ làm được rất nhiều cho Việt Nam hôm nay và mai sau.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư