Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Samsung: Gia tài và gia tộc
- 08/05/2013 12:27
 
Như một sự tình cờ, khi Samsung rục rịch ra mắt "con bài chiến lược" smartphone Galaxy thế hệ thứ tư thì tập đoàn này cũng trong giai đoạn chuẩn bị chuyển giao quyền lực cho thế hệ lãnh đạo thứ ba. Nếu như smartphone Galaxy S4 hồ hởi về một tương lai sáng sủa thì chiếc ghế lãnh đạo của Chủ tịch Lee Kun Hee vẫn còn trong bóng tối, dù "ba ngôi sao" nay đã được thắp sáng bẳng cả "dải ngân hà”.
TIN LIÊN QUAN

Kể từ khi cái tên "Samsung" với ý nghĩa "ba ngôi sao" được Lee Byung Chull chọn làm tên của công ty chế biến cá khô, ông đã gửi gắm ước mơ được trở thành công ty vươn ra toàn cầu.

Ngày nay, ước mơ của ông đã trở thành hiện thực. Cái tên Samsung có mặt trong mọi lĩnh vực từ y tế, bảo hiểm, địa ốc, may mặc, đến khách sạn du lịch, và đặc biệt là điện tử đến viễn thông.

Với gần nửa triệu nhân viên, doanh thu 340 tỷ USD, tương đương với 20% GDP toàn quốc, Samsung được mệnh danh là một "vương quốc" thu nhỏ.

Trong vòng 5 năm, Samsung đã nhanh chóng trở thành cái tên lớn nhất trong thị trường điện thoại di động thế giới, chiếm 10% thị phần với thành công của mẫu smartphone Galaxy "dải ngân hà”. Chỉ riêng nhánh Samsung Electronics đem về 160 tỷ USD doanh thu cho cả Tập đoàn.

Tạo dựng nên "vương quốc" Samsung là Lee Kun Hee, năm nay đã ngoại thất thập. Mặc dù được đưa lên trang đầu của các báo vào năm 2008 vì bị kết án trốn thuế nhưng đến nay, ông vẫn giữ một lý lịch trong sạch khi được tổng thống nước này "xóa tội".

Từ khi Lee bắt đầu điều hành Samsung năm 1987, doanh số của Tập đoàn đã tăng lên đến 179 tỷ USD vào năm ngoái, trở thành công ty điện tử lớn nhất thế giới về lợi nhuận.

Gia đình họ Lee vẫn là cheabol lớn nhất trong các cheabol như LG, Huyndai hay Deawoo. Còn tên tuổi của Lee Kun Hee được coi là còn lấn át so với của tổng thống của nước này.

Thậm chí, sự kiện Lee Kun Hee trở về Seoul sau ba tháng sống ở Hawaii để tránh Đông giá, được báo chí phân tích là một tín hiệu báo trước chiến tranh Triều Tiên sẽ không xảy ra.

Ông già thất thập cổ lai hy này trong nhiều năm qua ẩn dật trong ngôi biệt thự ở khu phố sang trọng nhất Seoul nhưng vẫn quyết định mọi kế hoạch quan trọng liên quan đến tương lai của Samsung.


Chủ tịch hãng điện tử Samsung Lee Kun-Hee

Chính vì vậy, khi thông tin Samsung chuẩn bị chuyển giao quyền lực lại cho thế hệ thứ ba, dư luận đã vội vã đặt câu hỏi: Tương lai tập đoàn sẽ đi về đâu?

Câu hỏi này được báo chí Hàn Quốc khai thác và quan tâm hơn cả việc ai sẽ trở thành Tổng thống Hàn Quốc. Dư luận lo ngại vì Samsung đã từng rơi vào một cuộc chuyển giao không êm thấm khiến Tập đoàn chao đảo trong một thời gian.

Đó là vào năm 1987, khi cha đẻ của Samsung là Lee Byung Chull qua đời, hai anh em nhà họ Lee đã lao vào một cuộc chiến huynh đệ tương tàn để giành lấy chiếc ghế chủ tịch. Nội bộ gia đình Lee vẫn đầy sóng gió với vụ kiện liên quan đến khoản bồi thường 4 tỷ USD cho người anh.

Cuộc chiến giữa hai anh em một nhà của dòng họ Lee này đã khép lại vào tháng 2/2013, khi tư pháp bác đơn kiện của người anh Lee Maeng Hee. Nhưng điều đó không có nghĩa là nội bộ gia tộc họ Lee đã thực sự êm ả.

Liệu kịch bản huynh đệ tương tàn đó sẽ có tái diễn hay không? Cho đến nay, Lee Kun Hee vẫn ngự trị trên ngai vàng Samsung và quyết định mọi tương lai của tập đòan.

Người được gửi gắm hy vọng kế vị là người con độc đinh Lee Jaeyong, 44 tuổi, tốt nghiệp Harvard, năm ngoái đã được chỉ định vào chức vụ phó chủ tịch.

Nhưng Jaeyong còn phải vượt qua hai đối thủ khác là chị và cô em gái: một đang nắm trong tay toàn bộ hệ thống khách sạn và các khu giải trí, và một đang lãnh đạo chi nhánh viễn thông.

Tất nhiên trong một xã hội trọng gia trưởng như Hàn Quốc, gia sản Samsung sẽ được đặt vào tay người con trai. Nhưng có lẽ khi đẩy hai người con gái nhăm nhe chức chủ tịch, ông già Lee cũng có ý thử thách người con trai. Bởi vì tới nay, Jaeysong chưa thực sự thu về một thành công nào để cho thấy vượt trội so với chị và em gái.

Hơn nữa Jaeysong nổi tiếng là một người ăn chơi, lại vừa ly dị vợ. Đây là một hình ảnh không có lợi cho Samsung và dư luận Hàn Quốc có lý do để lo ngại cho tương lai của Tập đoàn đã đi từ "ba ngôi sao" đến "dải thiên hà” này.

Thực tế, với mô hình gia đình trị, hàng chục tập đoàn, công ty gia đình trên khắp châu Á đang khốn khổ khi diễn ra vòng chuyển giao quyền lực cho thế hệ thứ ba. Không chỉ khiến tình hình kinh doanh rối ren, nhiều gia đình tỷ phú châu Á còn phải chứng kiến cảnh huynh đệ tương tàn khi cuộc tranh giành liên quan đến những khối tài sản khổng lồ.

Chẳng hạn, nội bộ gia đình vua cờ bạc Macao Stanley Ho, nay đã 89 tuổi, liên tục lục đục trong suốt khoảng thời gian gần đây khi 17 người con và 4 bà vợ bất phân thắng bại trong phân chia gia sản.

Tại Ấn Độ, gia tộc nhà Ambani cũng gây ồn ào dư luận khi hai anh em ruột Mukesh và Anil Ambani kiện nhau ra tòa để giành đế chế kinh doanh của người bố. Ba anh em trong gia đình tỷ phú bất động sản Hồng Kông Kwok đã trở thành kẻ thù khi lao vào cuộc chiến máu và vàng không khoan nhượng.

Theo Ngân hàng Credit Suisse, khoảng 50% các công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán là công ty gia đình. Tại châu Á, các tập đoàn gia đình có tầm ảnh hưởng lớn, vì vậy vấn đề chuyển giao quyền lực không thể bị coi nhẹ.

Giáo sư Đại học Thanh Hoa Joseph Phan phân tích: "Hoạt động chuyển giao quyền lực có thể gây ra rủi ro hệ thống cho một quốc gia hay khu vực nếu cùng thời gian đó, nhiều tập đoàn gia đình cùng làm như vậy. Trường hợp này từng xảy ra tại Hồng Kông và nhiều nước mới nổi khác".

Nghiên cứu của Đại học CUHK về 250 công ty, tập đoàn gia đình cho thấy giá trị vốn hóa thị trường trung bình của nhóm công ty này giảm khoảng 60% trong khoảng thời gian 5 năm trước khi người đứng đầu chọn người kế vị.

Tập đoàn sẽ gánh chịu hậu quả xấu nếu ông chủ của nó để đến phút cuối cùng mới quyết định về việc kế vị hoặc gây bất ngờ với quyết định được ghi lại trong di chúc.

Thị giá cổ phiếu của tập đoàn không thể hồi phục lại mức cũ sau khi nhà sáng lập chính thức ra đi. Vấn đề là hầu hết các thương hiệu lớn ở châu Á như Sony, Toyota, Hyundai... đều rơi vào tình trạng thế hệ kế thừa không thể thay thế được giá trị vô hình của người sáng lập.

Con cháu của nhiều công ty gia đình trị này đều được hưởng nền học vấn lý tưởng tại Mỹ hay châu Âu, đang được lựa chọn để nắm vị trí quan trọng trong hoạt động của tập đoàn dựa trên tiêu chí kinh nghiệm, bằng cấp chứ không thuần túy theo mối quan hệ máu mủ.

Thế nhưng họ chỉ là những "hoàng tử bé” mới chạm được ngón tay vào ngai vàng đã được giữ bằng nền tảng gia trưởng tồn tại hàng trăm năm. Sự thay đổi là không dễ dàng và những câu chuyện về chiếc ghế quyền lực ở Samsung sẽ còn kéo dài.

Lam Hồng

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư