Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
"Săn" doanh nghiệp trả cổ tức cao
 
Tháng 4 là giai đoạn cao điểm của mùa đại hội. Bên cạnh phương án, kế hoạch, mục tiêu kinh doanh cả năm 2017 và những hé lộ về kết quả quý I thì thông tin về cách phân phối lợi nhuận, chia cổ tức, nhất là cổ tức của các doanh nghiệp (DN) trả khủng, luôn được nhà đầu tư đặc biệt chú trọng, tìm cơ hội hưởng lợi kép từ diễn biến này.
 Nhà đầu tư kỳ vọng CTD sẽ tiếp tục trả cổ tức cao khi kết quả kinh doanh năm 2016 tích cực
Nhà đầu tư kỳ vọng CTD sẽ tiếp tục trả cổ tức cao khi kết quả kinh doanh năm 2016 tích cực

Tháng 4, săn cổ tức “khủng”

Tháng 4 là thời điểm nở rộ mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) của các doanh nghiệp. Trong các thông tin được thị trường đón nhận, thông tin về cổ tức luôn được nhà đầu tư chờ đợi nhất cùng với mục tiêu, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp năm 2017.

Sở dĩ cổ tức được quan tâm bởi đây là lợi ích thiết thân của những người sở hữu cổ phiếu của doanh nghiệp, đồng thời chính sách cổ tức của doanh nghiệp cũng thể hiện tiềm lực tài chính và “tấm lòng” người lãnh đạo sẵn sàng chia sẻ với cổ đông đến đâu.

Tuần qua, cổ đông của CTCP Dược Hậu Giang (DHG) không khỏi vui mừng khi doanh nghiệp này công bố dự kiến trả cổ tức năm 2016 với tỷ lệ 35% bằng tiền mặt. Mức trả này cao hơn 5% so với kế hoạch đã được thông qua trước đó. Cùng với đó, DHG dự kiến phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 50%.

Những nội dung này sẽ được đem ra lấy ý kiến cổ đông tại Đại hội và nếu được thông qua, đây sẽ là mức cổ tức, cổ phiếu thưởng cao nhất mà cổ đông DHG sẽ được nhận từ khi niêm yết. Đón nhận thông tin trên, cổ phiếu DHG được săn mua khá rầm rộ trong tuần khiến giá tăng mạnh, hơn 10% và  thiết lập mức đỉnh cao nhất từ trước đến nay.

Tại CTCP Xây dựng Coteccons (CTD), ngày ĐHCĐ dự kiến là 13/4 tới. Dù doanh nghiệp chưa công bố các tài liệu về phương án phân phối lợi nhuận 2016, nhưng các nhà đầu tư đang kỳ vọng, CTD sẽ tiếp tục trả cổ tức cao khi doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2016 lần lượt đạt 20.783 tỷ đồng và 1.422 tỷ đồng, tăng 62% và 94% so với 2015, cao nhất từ trước đến nay.

Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) trên 18.500 đồng. CTD hiện đang giao dịch ở mức P/E 11 lần, khá thấp so với các doanh nghiệp xây dựng khác trong ngành và đây cũng là doanh nghiệp có lịch sử thường xuyên duy trì chính sách trả cổ tức cao.

Săn tin cổ tức, mua trước đón đầu không phải là chiến thuật mới mẻ, nhưng nó luôn làm nóng sàn trước mỗi mùa đại hội. Đến sàn những ngày này, câu hỏi thường trực của nhà đầu tư với môi giới là cổ phiếu định mua có cổ tức cao không? doanh nghiệp chia bằng tiền hay cổ phiếu?... Cùng với đó là không ít tin đồn doanh nghiệp X, doanh nghiệp Y sẽ chia “khủng” cổ tức, góp phần làm thị giá nhiều mã dậy sóng.

Sức hấp dẫn của cổ tức đến với cả những nhà đầu tư lướt sóng và nhà đầu tư cơ bản, dù tại thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, khoản cổ tức được nhận được chiết khấu vào giá cổ phiếu trên sàn. Những doanh nghiệp có chính sách cổ tức tốt cho thấy khả năng kinh doanh hiệu quả và khả năng quản trị, nhất là quản trị dòng tiền tốt, mới sẵn sàng chia tiền cho cổ đông.

Mức cổ tức khủng nhất trên sàn đang thuộc về một số doanh nghiệp ngành hàng không.

Tại CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng (MAS), doanh nghiệp này vừa tạm ứng cổ tức đợt 2 năm 2016 với tỷ lệ 40%. Dù chưa tổ chức ĐHCĐ 2017, trong đó có việc thông qua phương án phân phối lợi nhuận, nhưng MAS đã tạm ứng cổ tức 2 lần với tỷ lệ lên đến 80%, tức 8.000 đồng/CP.

Tại CTCP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (NCT), Ban lãnh đạo Công ty dự kiến chia cổ tức năm 2016 với tổng tỷ lệ 106%. Cả MAS và NCT đều là những doanh nghiệp thuộc nhóm có EPS cao nhất sàn niêm yết hiện nay.

Cụ thể, tính theo số liệu cuối năm 2016, EPS của NCT đạt trên 10.300 đồng/CP, MAS đạt trên 14.800 đồng/CP và điều thú vị là các mã này hiện chỉ giao dịch ở mức P/E khoảng 7-9 lần, thấp hơn nhiều so với trung bình thị trường (khoảng 16 lần).

Những điểm nhấn đáng chú ý khi săn cổ phiếu cổ tức cao

Theo quan điểm của nhiều nhà đầu tư, chiến thuật săn cổ phiếu có cổ tức tốt dựa trên lập luận không chỉ hưởng cổ tức mà còn hưởng ảnh hưởng của thông tin tích cực này đến giá cổ phiếu.

Những thông tin từ doanh nghiệp, từ việc công bố mức cổ tức cao dự kiến đưa ra xin ý kiến ĐHCĐ, đến việc chốt mức cổ tức sẽ chia, chốt ngày không hưởng quyền…, sẽ tạo thành những thông tin có tính “gối đầu”, nâng đỡ giá cổ phiếu, có khi kéo dài đến nửa năm.

Thông thường, doanh nghiệp có lợi nhuận tốt sẽ là ứng viên đầu tiên được lựa chọn để các nhà đầu tư bắt đầu một chu trình đầu tư bám theo câu chuyện “săn” cổ tức khủng từ doanh nghiệp.

Cổ phiếu của những doanh nghiệp có nhóm cổ đông lớn chi phối, đã hình thành lịch sử chi trả cổ tức đều đặn hàng năm, cũng là đối tượng được chú ý trong giai đoạn rầm rộ ĐHCĐ này. Chẳng hạn nhóm doanh nghiệp có sự tham gia của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam như SRC, PAC, DRC, CSM, hay nhóm doanh nghiệp mà Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nắm lượng lớn cổ phần như VNM, BMP, DHG, DMC, TRA…

Nhà đầu tư cũng nên quan tâm đến nhóm doanh nghiệp chưa có dự án triển khai đầu tư lớn mới, nên thường chia phần lớn lợi nhuận thu được như SZL, NCT, MAS... Đây cũng là nhóm những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, do vậy tạo sự an toàn nếu diễn biến thị trường bất ngờ chuyển hướng xấu.

Săn tin cổ tức đã quan trọng, nhưng nắm bắt được thời điểm doanh nghiệp sẽ chi trả để có thể vào - ra đúng lúc cũng quan trọng không kém. Nếu như trước mùa đại hội, thị trường đồn đoán, tìm kiếm doanh nghiệp nào trả cổ tức cao thì sau khi đại hội kết thúc, câu hỏi khi nào cổ tức sẽ được chi trả lại trở thành ưu tiên, nhất là với nhà đầu tư quay vòng vốn nhanh.

Những doanh nghiệp mà việc chi trả cổ tức có xu hướng lặp đi lặp lại tại một khung thời gian, chẳng hạn CTCP tập đoàn FPT (FPT) chia đầu tháng 5, CTCP nhựa Bình Minh (BMP) chia giữa tháng 5… thường được nhà đầu tư quan tâm, chủ động mua đón chờ tin chốt cổ tức. Nếu thuận lợi, nhà đầu tư vừa đuợc hưởng cổ tức, vừa được hưởng chênh lệch giá do tác động của tích cực của tin cổ tức tạo nên.

Tuy nhiên, với nhà đầu tư dài hạn, cách chọn lựa đầu tư có sự khác biệt khi cổ tức chỉ là một yếu tố quan trọng, đánh giá mức hấp dẫn của cổ phiếu, năng lực của doanh nghiệp. Thậm chí, có quan điểm cho rằng, chia cổ tức khủng không hẳn đã tốt nếu xét về dài hạn. Nhà đầu tư có thể vỡ mộng khi chỉ chăm chú nhìn vào cổ tức mà quên đi “triển vọng” của doanh nghiệp.

Các mã MAS, DHG, CTD và NCT… có thể xem là những ví dụ điển hình của những món cổ tức khủng, nhưng thực tế cho thấy, trong khi thị giá MAS, CTD và DHG liên tục tăng trưởng, thiết lập các đỉnh mới thì thị giá của NCT lại giảm gần 40% trong hơn một năm trở lại đây.

Nguyên nhân bởi năm 2016, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này đã giảm gần 14% so với năm 2015, xuất phát từ thực tế cạnh tranh ngày càng gay gắt do sự ra đời của Công ty TNHH MTV Nhà ga Hàng hóa ALS (ALSC) và CTCP Dịch vụ hàng hóa hàng không Việt Nam (ACSV). Với lợi thế mặt bằng, 2 công ty mới đã thu hút được một số hãng hàng không từng sử dụng dịch vụ của NCT chuyển qua, trong khi NCT chưa có chiến lược đầu tư mới thu hút khách hàng trở lại.

Với nhiều quỹ đầu tư dài hạn, việc cân bằng giữa trả cổ tức để đảm bảo quyền lợi cổ đông và tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp mới là yếu tố quan trọng nhất. Họ thích các cổ phiếu tăng trưởng đều qua các năm cả về tổng tài sản - doanh thu - lợi nhuận - mà vẫn duy trì được cơ cấu vốn ổn định và cổ tức cao như VNM, BMP, HPG, FPT… hơn là những doanh nghiệp chia cổ tức đột biến hay đem chia hết lợi nhuận thu được trong năm. Các doanh nghiệp “chia xổi” dễ thiếu đi động lực tăng trưởng, áp lực cạnh tranh của thị trường có thể khiến doanh nghiệp bão hòa hoặc suy thoái.

Thực tế cho thấy, săn doanh nghiệp trả cổ tức “khủng” luôn là chiến lược tốt nếu có xu hướng đầu tư ngắn hạn. Với nhà đầu tư dài hạn, bên cạnh cổ tức, còn cần nhìn kỹ hơn vào các chỉ số tài chính, kinh doanh khác của doanh nghiệp, bởi lợi ích của nhà đầu tư dài hạn gắn liền với sự vững tiến của doanh nghiệp, chứ không chỉ là những giá trị nhận được tức thời.

Chủ tịch Hòa Phát lý giải việc cổ đông "không được chia cổ tức còn phải bỏ tiền mua thêm cổ phiếu"
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 của Tập đoàn Hòa Phát (HPG), câu chuyện phát hành thêm cổ phiếu để có tiền làm Dự án Khu liên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư