Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Sáng tạo trong quản lý sáng tạo
Bảo Duy - 03/07/2017 08:53
 
Đang có một… trạm đọc (dự án start-up mới) chưa rõ sẽ được xếp vào đâu trong mã ngành kinh doanh hiện nay. Dự án start-up này đành chờ cơ quan quản lý nhà nước… nghiên cứu thêm.
.
Để có được giấy phép kinh doanh vận tải, doanh nghiệp phải có phương án kinh doanh theo quy định của Bộ Giao thông - Vận tải và phương án này phải được... phê duyệt

Kết quả ban đầu từ cuộc khảo sát “Niềm tin doanh nhân CEO CI” do Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) tiến hành cho thấy, đã có những lo ngại về rào cản khiến nhà đầu tư đành bỏ lỡ cơ hội kinh doanh: đó là khó khăn khi xin giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực gọi xe.

Thực tế cũng cho thấy, cuộc tranh luận giữa Uber, Grab và cơ quan quản lý nhà nước hiện chưa có hồi kết khi 5 hình thức vận tải hành khách bằng ô tô theo quy định của pháp luật không có chỗ cho cả Uber lẫn Grab cho dù dịch vụ này đang rất được lòng người tiêu dùng.

Câu hỏi đặt ra là, còn bao nhiêu sản phẩm, dịch vụ lần đầu tiên xuất hiện hoặc sắp xuất hiện sẽ phải chờ cơ quan quản lý nghiên cứu trước khi cho phép, dù luật pháp không cấm?            

Như vậy, rất có thể, Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang lan tỏa khắp thế giới sẽ bị giới hạn ở phạm vi, mức độ nào đó khi tới Việt Nam bởi những hàng rào quy định hiện hữu, bởi hàng rào về điều kiện kinh doanh.

Nhưng không chỉ có vậy.

Thử nhìn vào điều kiện kinh doanh chung tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP (về kinh doanh và điều kiện kinh doanh bằng vận tải bằng xe ô tô), để có được giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp phải có phương án kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của Bộ Giao thông - Vận tải và phương án này phải được duyệt.

Hay như điều kiện kinh doanh khí gas (theo Nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí) buộc doanh nghiệp phải tuân thủ hệ thống phân phối được quy định sẵn với các tầng, nấc cụ thể.

Điều kiện kinh doanh đại lý tàu biển, lai dắt tàu biển cũng yêu cầu doanh nghiệp phải có người phụ trách về pháp chế, khai thác kinh doanh… Có nghĩa, cơ quan quản lý nhà nước đã nghĩ hộ, lo hộ doanh nghiệp cả phương án, cách thức kinh doanh lẫn tổ chức bộ máy nhân sự. Doanh nghiệp không cần, thậm chí là không được sáng tạo thêm nếu không muốn bị thổi còi, thậm chí bị cấm như Bộ Giao thông - Vận tải vừa ra văn bản không cho áp dụng dịch vụ đi chung xe hợp đồng với Uber, Grab.

Trong môi trường với tư duy quản lý kinh doanh như vậy, những doanh nghiệp thụ động ngồi trong vòng kim cô lại có nhiều cơ hội kinh doanh hơn các doanh nghiệp có sáng kiến, sáng tạo để nâng cao hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí, thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng, tận dụng cơ hội kinh doanh mới từ nền kinh tế chia sẻ trên thế giới.

Rất mừng là đang có những nghiên cứu, rà soát về hệ thống điều kiện kinh doanh được tiến hành để xem xét, đề xuất gỡ bỏ. Gần đây nhất, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã đề nghị bỏ 16 ngành nghề ra khỏi Danh mục Ngành nghề kinh doanh có điều kiện; đề xuất 10 ngành nghề cần phải xem xét lại các quy định về điều kiện kinh doanh. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đang chuẩn bị đưa ra đề xuất tương tự vào quý tới. VPSF, thậm chí còn tính tới một nghiên cứu riêng về ngành nghề kinh doanh cho start-up để giảm bớt những rào cản hiện nay.

Nhưng những động thái trên chưa đủ để thúc đẩy sức sáng tạo của người dân, doanh nghiệp. Điểm chốt cần tháo gỡ là phải sớm loại bỏ tư duy lo hộ, nghĩ hộ về quản lý nhà nước với doanh nghiệp, với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Kết nối cơ hội hợp tác trong hệ sinh thái khởi nghiệp
Ngày 19/6 tới đây, Chương trình VSV Investor BootCamp sẽ khai mạc tại Tầng 5, toà nhà President Place, 93 Nguyễn Du, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư