Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
"Sát cánh" cùng Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để VNPT, MobiFone phát triển mạnh mẽ
Hữu Tuấn - 13/11/2018 10:08
 
Chiều ngày 12/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã ký biên bản chuyển giao nguyên trạng quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Tập đoàn VNPT và Tổng công ty MobiFone.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, VNPT và MobiFone là 2 doanh nghiệp lớn của ngành Thông tin và Truyền thông, hoạt động hiệu quả trong nhiều năm qua có gắn bó lịch sử với ngành Thông tin và Truyền thông.

Các doanh nghiệp lớn của đất nước về Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là thay đổi cách quản trị, tách bạch quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp. Ủy ban là đơn vị tập hợp các doanh nghiệp lớn sẽ tạo nên một sức mạnh rất lớn cho đất nước. Hai đơn vị này chuyển về Ủy ban, nhưng Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn là cơ quan quản lý về ngành và sẽ tạo môi trường pháp lý để 2 doanh nghiệp phát triển, tạo nòng cốt về hạ tầng viễn thông, hạ tầng số để thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Lễ Ký bàn giao giữa
Lễ Ký bàn giao giữa Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: ICTnews.vn

Bộ trưởng khẳng định:" Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục sát cánh cùng Ủy ban để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông phát triển mạnh mẽ trong “ngôi nhà” Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp".

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, việc chuyển VNPT và MobiFone từ Bộ Thông tin và Truyền thông về Ủy ban Quản lý vốn không làm giảm nhẹ chức năng quản lý của bộ ngành, mà ngược lại tạo thuận lợi cho các bộ ngành làm tốt hơn chức năng quản lý nhà nước của ngành phụ trách lĩnh vực. Chính phủ muốn tách bạch giữa chức năng quản lý vốn nhà nước với chức năng quản lý nhà nước.

Theo Phó thủ tướng, Chính phủ muốn Bộ Thông tin và Truyền thông làm tốt hơn chức năng nhiệm vụ của mình là xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng chiến lược quy hoạch phát triển ngành  xây dựng hệ thống dữ liệu quản lý và chức năng thanh tra kiểm tra các doanh nghiệp. Chiến lược phát triển doanh nghiệp sẽ được giao cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Như vậy, việc tách VNPT và MobiFone ra không làm giảm nhẹ trách nhiệm của Bộ Thông tin và truyền thông mà sẽ giúp Bộ làm tốt hơn chức năng quản lý nhà nước với các doanh nghiệp này.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ còn cho rằng: "Việc tổ chức Ủy ban làm chức năng quản lý vốn chủ sở hữu là chuyển từ mô hình quản lý vốn chủ sở hữu phân tán ở nhiều bộ để tập trung về một đầu mối. Đồng thời chúng ta có chức năng quản lý nữa là Ban đổi mới doanh nghiệp do 1 Phó thủ tướng làm Trưởng ban. Ban này có trách nhiệm phát triển các doanh nghiệp thuộc Ủy ban và cả các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân. VNPT và MobiFone sẽ điều chuyển nguyên trạng sang Ủy ban, nếu còn vấn đề gì vướng mắc sẽ được tiếp tục xử lý. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều năm gắn bó với các doanh nghiệp này sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, phối hợp với Ủy ban để giải quyết các vấn đề khi tái cơ cấu".

Phó thủ tướng còn cho biết, VNPT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tái cư cấu sắp xếp lại đầu năm nay và chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để có thể cổ phần hóa năm 2019. Đối với MobiFone còn vướng thương vụ AVG nên cổ phần hóa bị chậm lại. Phó thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xác nhận lại giá trị tài sản của MobiFone sau khi nhận lại số tiền của AVG và giải quyết vướng mắc khó khăn để sẵn sàng cổ phần hóa doanh nghiệp trong thời gian tới.

"Viễn thông và CNTT hết sức quan trọng trong cách mạng 4.0. VNPT và MobiFone rất quan trọng trong kinh tế số và kinh tế chia sẻ, Chính phủ điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là công nghệ tài chính. VNPT và MobiFone sẽ phải mạnh hơn nữa và đổi mới sáng tạo hơn sau khi bàn giao về Ủy ban. Các doanh nghiệp này phải được quản lý tốt hơn tránh việc thất thoát vốn và nâng cao việc quản lý vốn tài sản của nhà nước. Có như vậy mới là đích cuối cùng nhắm đến tập trung lĩnh vực quan trọng và nâng cao vốn và tài sản của nhà nước tại các doanh nghiệp này", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

19 tập đoàn, tổng công ty chuyển giao về Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gồm:

*) Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước

*)Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

*) Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).

*) Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

*) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

*) Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG).

*) Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV).

*) Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

*) Tổng công ty Viễn thông MobiFone.

*) Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam.

*) Tổng công ty Hàng không Việt Nam

*) Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

*) Tổng công ty Đường sắt Việt Nam,

*) Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam

*) Tổng công ty Cảng Hàng không

*) Tổng công ty Cà phê Việt Nam

*) Tổng công ty Lương thực miền Nam

*) Tổng công ty lương thực miền Bắc

*) Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.

Tiếp tục “kèm” 5 tổng công ty giao thông dù đã chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước
Ngay cả khi đã chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư