Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Sau 3 năm tái cấu trúc, lợi nhuận của VNPT tăng bình quân 25%/năm
Hữu Tuấn - 13/06/2017 20:29
 
Với mục tiêu theo đuổi là tái cấu trúc hiệu quả, mang lại lợi nhuận tối ưu nhất, Tập đoàn VNPT đã “hái quả ngọt” ngay trong giai đoạn tái cấu trúc 2014 - 2016.
.
Trong 3 năm liền (2014 - 2016), lợi nhuận của VNPT đều tăng từ 20%/năm trở lên

Đạt lợi nhuận ấn tượng

Ba năm 2014 - 2016 là giai đoạn VNPT “mở máy” quyết liệt thực hiện tái cấu trúc theo Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 10/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn 2014 - 2015. Hàng loạt nhiệm vụ nặng nề về tổ chức sắp xếp lại bộ máy 36.000 cán bộ, nhân viên theo hướng chuyên biệt - khác biệt - hiệu quả; chuyển giao các đơn vị; áp dụng mô hình kinh doanh mới, phương pháp quản trị mới; thành lập 3 tổng công ty: Hạ tầng mạng (VNPT-Net), Dịch vụ viễn thông (VNPT-Vinaphone), Truyền thông (VNPT-Media).

Nhưng cùng với khối lượng công việc đồ sộ, phức tạp đó, VNPT vẫn phải đảm bảo sản xuất, kinh doanh ổn định, giữ thị phần, đảm bảo đời sống cho người lao động. Kết quả là, không những VNPT hoàn thành sớm việc tái cấu trúc 5 năm theo lộ trình và yêu cầu Chính phủ đã đề ra, mà hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng đạt kết quả mà nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải mơ ước.

Cụ thể, trong 3 năm (2014 - 2016), tổng doanh thu hợp nhất toàn VNPT đạt 154.876 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 4,3%/năm; tổng lợi nhuận hợp nhất của Tập đoàn đạt 10.220 tỷ đồng, tăng bình quân 25%/năm. Con số doanh thu và lợi nhuận này đã bóc tách loại trừ số liệu của MobiFone, VNPost, Học viện Công nghệ bưu chính - viễn thông, Bưu điện Trung ương, do trong giai đoạn này, các đơn vị trên đã tách khỏi Tập đoàn và đã loại trừ ảnh hưởng của Thông tư 187/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Trong đó, lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt 2.627 tỷ đồng, năm 2015 đạt 3.453 tỷ đồng và năm 2016 đạt 4.140 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2015.

Trước đó, tổng lợi nhuận hợp nhất giai đoạn 2011 - 2015 đạt 12.240 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 2,1%/năm, riêng giai đoạn 2013 - 2015 tăng trưởng bình quân 17,9%/năm.

“Như vậy, trong 3 năm liền (2014 - 2016), lợi nhuận của VNPT đều tăng từ 20%/năm trở lên, lợi nhuận của Tập đoàn đã tăng gấp đôi sau 3 năm nhờ triển khai tái cơ cấu đúng hướng”, ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT nhận xét.

Kết quả tái cấu trúc VNPT đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại buổi làm việc với VNPT về kết quả quá trình tái cấu trúc tại Tập đoàn này vào tháng 8/2016. Thủ tướng đã đánh giá cao kết quả tái cấu trúc của VNPT khi chỉ trong một khoảng thời gian không dài, Tập đoàn đã đạt được những kết quả khả quan, như công tác quản trị doanh nghiệp tốt hơn, chất lượng dịch vụ cải thiện, doanh thu, lợi nhuận và nhiều mặt khác đều tăng trưởng tốt. "Đây chính là những mục tiêu rất quan trọng của quá trình tái cấu trúc", Thủ tướng khẳng định.

Các “tân binh” thành công

Đóng góp cho kết quả sản xuất, kinh doanh ấn tượng trong quá trình tái cấu trúc VNPT chính là “sản phẩm” của công cuộc tái cấu trúc: các doanh nghiệp chủ lực, chuyên biệt, chuyên nghiệp hoạt động theo mô hình mới. Chính các công ty này đã mang lại nguồn sinh lực mới, nguồn doanh thu, lợi nhuận lớn cho VNPT.

Điển hình là VNPT VinaPhone - “chiến binh chủ lực” trên mặt trận kinh doanh các mảng cốt lõi của VNPT - năm 2016 đã đạt doanh thu 37.384 tỷ đồng, lợi nhuận 1.102 tỷ đồng. “Tân binh” Tổng ty cổ phần Công nghệ công nghiệp bưu chính - viễn thông ấn tượng với mảng sản xuất công nghiệp viễn thông xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới với doanh thu 3.218 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 274 tỷ đồng. Hay như VNPT Media năm 2016 đạt doanh thu 1.453 tỷ đồng, lợi nhuận 119 tỷ đồng…

Ở một góc độ khác, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thực hiện Quyết định số 888/QĐ-TTg, VNPT cũng đã quyết liệt thực hiện thoái vốn nhà nước tại các công ty liên kết, góp vốn khác, song vẫn đảm bảo nguyên tắc bảo toàn vốn, không thua lỗ. Tuy nhiên, sự trầm lắng của thị trường chứng khoán, tính thanh khoản thấp, thiếu nhà đầu tư quan tâm có ảnh hưởng đến việc thoái vốn của VNPT theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tính đến cuối năm 2016, VNPT đã thực hiện thoái vốn toàn bộ được 15 danh mục, với giá trị vốn đầu tư trên sổ sách đã thoái đạt xấp xỉ 31% tổng giá trị vốn đầu tư trên sổ sách phải thoái vốn (602 tỷ đồng/2.002 tỷ đồng). Tổng giá trị thu về là 1.044 tỷ đồng, bằng 174% so với giá trị vốn đầu tư trên sổ sách của VNPT.

Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT cho biết, việc thoái vốn của VNPT tại các doanh nghiệp ngoài ngành hoặc các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả gặp nhiều khó khăn, thách thức do thiếu các quy định linh hoạt trong vấn đề thoái vốn khi thị trường tài chính ảm đạm. Chẳng hạn, VNPT có 5 danh mục hoàn thành thủ tục đấu giá công khai, nhưng không thành công do không có nhà đầu tư quan tâm.

VNPT đã cơ bản hoàn thành tái cấu trúc với hiệu quả rất cao. Kết quả khả quan này sẽ là tiền đề, động lực để VNPT tiếp tục thực hiện việc thoái vốn nhà nước, song hành cùng việc cổ phần VNPT Công ty mẹ đến năm 2020.

Mùa bội thu đang về với VNPT
Hàng loạt đơn hàng từ nước ngoài đang đổ về, báo hiệu một mùa bội thu cho chiến lược mở rộng đầu tư ra thị trường nước ngoài của Tập...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư