Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Sau chiến tranh thương mại sẽ là chiến tranh gì?
GS-TS Trần Ngọc Thơ - 16/07/2018 09:25
 
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có dẫn đến chiến tranh tiền tệ? Có lẽ, câu hỏi đúng nên đặt ra là điều gì sẽ diễn ra kế tiếp các cuộc chiến, kể cả cuộc chiến thương mại lẫn cuộc chiến tiền tệ?

Lịch sử có lặp lại?

Nếu tương lai là lặp lại những câu chuyện của lịch sử, thì có khả năng, sau cuộc chiến thương mại sẽ là chiến tranh tiền tệ (hoặc chiến tranh tiền tệ trước rồi đến chiến tranh thương mại), cuối cùng sẽ là chiến tranh với đầy đủ nhất ý nghĩa của nó.

Lịch sử ghi nhận cuộc chiến thương mại toàn cầu nổi tiếng nhất thế kỷ XX bùng phát khi Mỹ ban hành Luật Smoot-Hawley Tariff Act (1930), đánh thuế với hơn 20.000 hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ (hầu hết là hàng hóa không do Mỹ sản xuất ra) và sau đó là sự trả đũa của các nước đối với Mỹ. Tiếp đến là một cuộc đại phá giá tiền tệ ở Anh, Pháp (1936), Mỹ (1933), trùng với khoảng thời gian xảy ra siêu lạm phát ở Đức. Cuối cùng là chiến tranh xâm lược của Đức tại Ba Lan năm 1939.

Với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, hiện có nhiều quan điểm, nhưng hầu hết khó lòng phủ nhận cuộc chiến thương mại lần này có bản chất khác các cuộc chiến thương mại trong quá khứ. Nó vượt qua khỏi cuộc chiến thương mại bình thường để thực sự trở thành cuộc tranh giành vị thế ảnh hưởng toàn cầu của hai siêu cường lớn nhất hiện nay là Mỹ và Trung Quốc. Đó là điểm khác nhau cơ bản giữa chiến tranh thương mại trong quá khứ và hiện tại. Nếu vậy, chiến tranh tiền tệ bây giờ cũng sẽ khác so với trước đây?

Manh nha chiến tranh tiền tệ thế hệ mới

Hiểu theo nghĩa truyền thống, chiến tranh tiền tệ chính là việc các quốc gia phá giá đồng tiền của mình với mong muốn giành thị phần của các nước nhằm tăng xuất khẩu. Điển hình là năm 2010, các nước than phiền việc Mỹ thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng định lượng (các gói QE) đã làm giảm đáng kể giá trị của USD. Nếu Trung Quốc giờ đây cũng thực hiện đúng như vậy, thì có khả năng, họ sẽ bị trả đũa. Vậy họ phải làm gì? Hãy chú ý, trước khi nổ ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, vào tháng 6/2018, Trung Quốc đã thông báo tăng tốc chương trình “hoán đổi nợ thành cổ phần” đầy tranh cãi trước đây.

Chương trình này nhằm làm giảm nợ xấu cho cả nền kinh tế thì ai cũng biết, nhưng tại sao lần này lại “tăng tốc” và mục đích sâu xa của nó là gì?

Bản chất của việc hoán đổi này vẫn là làm tăng cung tiền thông qua trợ cấp gián tiếp của Chính phủ cho hệ thống ngân hàngdoanh nghiệp, do đó làm giảm giá trị đồng nhân dân tệ. Như vậy, các hoạt động hoán đổi nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thành cổ phần góp vốn ở các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước, không khác gì việc Trung Quốc làm yếu đồng tiền của mình.

Liên hệ thông tin mà Bloomberg đã công bố vào tháng 4/2018, rằng đã có những rò rỉ về một bản báo cáo mật về khả năng Trung Quốc nghiên cứu kế hoạch dùng tiền tệ như là thứ vũ khí để đối phó với tình huống xấu nhất nếu các căng thẳng thương mại kéo dài, còn gọi là “vũ khí hóa nhân dân tệ”. Phải chăng, đây là cuộc chiến tiền tệ thế hệ mới được khởi xướng từ Trung Quốc? Trong bối cảnh này, họ đâu dại gì giảm lãi suất, tăng cung tiền để phá giá như đã từng làm vào năm 2015 để bị phản đòn.

Còn một hình thức tinh vi khác mà mà giới quan sát quốc tế gần đây gọi là chiến tranh vốn (capital war). Đó là việc Trung Quốc cố tìm mọi cách làm cho nhân dân tệ tràn ngập thị trường toàn cầu. Phương cách cổ điển trước đây là tăng tốc mua trái phiếu kho bạc Mỹ (trong thập niên qua, Trung Quốc đã tăng tốc gấp 2,5 lần mua trái phiếu kho bạc Mỹ). Nay có khả năng Trung Quốc sẽ sử dụng ngoại giao bẫy nợ để cho vay hoặc tiến hành các thỏa thuận thanh toán quốc tế song phương với các nước bằng nhân dân tệ.

Chiến tranh tiền tệ còn ẩn dưới một chiều sâu khác. Các cuộc chiến thương mại toàn cầu còn làm giảm đáng kể tiết kiệm của các hộ gia đình và doanh nghiệp. Điều này chẳng những làm giảm tiêu dùng, dẫn đến tăng trưởng sụt giảm, mà còn làm xói mòn cơ sở vốn của thị trường, làm cho nợ xấu hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp gia tăng.

Cảnh báo này đặc biệt đúng đối với các quốc gia mà việc cung ứng vốn cho nền kinh tế chủ yếu đến từ hoạt động ngân hàng như Việt Nam. Muốn tránh thảm họa, không sớm thì muộn, chính phủ các nước phải giải cứu ngân hàng và doanh nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau. Cuối cùng, đồng tiền các nước cũng sẽ bị mất giá một cách tự nhiên.

Cuối cùng, trên các diễn đàn thế giới gần đây, kể từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra, đã xuất hiện các dấu hiệu lo ngại về các cuộc chiến tranh trên không gian mạng như là điều tiếp theo của chiến tranh thương mại. Cũng có thể còn những hình thái chiến tranh nào đó mà chúng ta không thể không cảnh giác.

Điều nên làm lúc này là phải quan sát tất cả động thái của các nước, chuẩn bị kịch bản và giải pháp đối phó cho tất cả những gì tồi tệ nhất có thể. Muốn vậy, phải cho phép các không gian chính sách luôn thật mở rộng, phòng khi các tình huống xấu nhất xảy ra để còn “room” cho các phản ứng chính sách kịp thời. Tăng cung tiền quá mức, nợ công tăng vọt, lạm phát đứt dây neo, tỷ giá tăng mạnh sẽ hạn chế tối đa các lựa chọn chính sách mỗi khi điều tồi tệ nhất xuất hiện.

Thế kỷ XXI này khó có thể lặp lại những chuyện đã xảy ra ở thế kỷ trước. Nhưng như Mark Twain đã từng nói: “Lịch sử không lặp lại chính nó, nhưng giai điệu của nó thì có” (History doesn't repeat itself, but it often rhymes).

Phòng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Việt Nam cần phòng thủ nhiều kịch bản
“Do ở thế dễ bị tổn thương, nên Việt Nam cũng phải có kịch bản cho riêng mình trước khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra”. Chuyên gia cao...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư