Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Sau những bức chân dung ấn tượng
Khánh An - 27/09/2014 14:26
 
Mỗi năm có khoảng 100 doanh nhân xuất hiện trên trang Gương mặt doanh nhân của Báo Đầu tư. Có câu chuyện trôi đi, có câu chuyện nhọc nhằn ở lại, nhưng mối thâm tình giữa Báo Đầu tư và cộng đồng doanh nhân ngày càng mặn mà hơn.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Những ứng viên tỷ phú USD thứ hai của Việt Nam
Lễ Vinh danh 100 doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu
Doanh nhân Sao Đỏ: Không chỉ ước thành tỷ phú đô la
Nữ tướng nhà Tân Hiệp Phát: Tôi không được đặc cách
Kỷ nguyên của các nữ triệu phú sắp tới

Chuyện người…

Cả mấy tuần nay, Anh Hoa - phóng viên “chuyên trách” trang Gương mặt doanh nhân của Báo Đầu tư rối rắm với những email than phiền, kiện cáo. Một nhân vật của trang bỗng nhiên cảm thấy không ưng với một vài chi tiết, dù trước đó đã không ngần ngại trải lòng. Điện thoại đi, email lại vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

  Báo Đầu tư xuất hiện tại Lễ vinh danh 100 doanh nhân trẻ tiêu biểu 2014  
  Báo Đầu tư xuất hiện tại Lễ vinh danh 100 doanh nhân trẻ tiêu biểu 2014  

Đây không phải là lần đầu, những phóng viên bị gán nick name “chuyên vẽ chân dung” của Ban Đầu tư (Báo Đầu tư) nhận được phản ứng không mong muốn từ phía nhân vật, nhưng lần này, mọi việc có vẻ xấu đi khi hình như, nhân vật đã nhận thêm khá nhiều lời bình phẩm không mấy tích cực từ bên ngoài...

“Cả người viết và nhân vật nhiều khi không lường trước được phản ứng của những người liên quan về một vài chi tiết mà trước đó, chúng tôi cho là rất đắt với cá tính của nhân vật. Một số trường hợp, sự tác động là tích cực, nhưng cũng không ít lần, nhân vật của chúng tôi bị hiểu lầm bởi chính cá tính – yếu tố mà người viết và độc giả luôn kỳ vọng ở nhân vật”, Anh Hoa tâm sự.

Cũng phải nói thêm, nhân vật là một người nổi tiếng. Đã có rất nhiều bài báo về vị doanh nhân này, đến mức, bản thân ông khá thờ ơ với đề nghị của phóng viên, dù đã quen biết trước. Thậm chí, tờ Đầu tư gửi biếu ông sau khi bài viết được đăng cũng chưa được mở ra, cho đến khi những cuộc điện thoại gọi đến.

Ông này kể, nhiều người bạn, nhiều đối tác hào hứng về hình ảnh mới của vị doanh nhân. Bản thân ông cũng không nghĩ sẽ có thêm điều gì hấp dẫn về một người vốn đã... nổi tiếng. Những tưởng có nhiều câu chuyện vui để chia sẻ, nhưng một vài ý kiến lan đến tai ông với câu hỏi ngỏ của sự “bất đồng nội bộ trong doanh nghiệp khi một vài câu chuyện về nhân sự được tiết lộ”...

Rất may, vụ việc trên đang xoay chuyển theo hướng tích cực khi những người trong cuộc đang bình tĩnh ngồi lại. Sẽ có vài mất mát, hẳn thế, với một vài người sau khủng hoảng thông tin này. Nhưng có một điểm chắc chắn, nhân vật và người viết sẽ có thêm những mối thâm tình vì... có nhiều chuyện giờ mới tâm sự thật.

  Đặc san Tự hào doanh nhân Việt  

Chuyện nghề

“Mối lạ thành quen” cũng nhiều, nhưng “mối quen thành lạ” sau những "tai nạn" ngoài dự liệu cũng không phải ít. Nhất là khi người trong cuộc phải đối mặt với sức ép quá lớn từ chính nội bộ doanh nghiệp, từ những đồng nghiệp và nhiều khi cả từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.

Nhiều trường hợp, yêu cầu đánh đổi giữa chi tiết hấp dẫn và sự an toàn của nhân vật đã buộc người viết vào thế khó.

Khi xây dựng trang Gương mặt doanh nhân, số ra thứ Sáu hàng tuần, hay các đặc san tôn vinh doanh nhân như cuốn Đặc san Tự hào Doanh nhân Việt vừa phát hành nhân kỷ niệm 10 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2014), Ban Biên tập Báo Đầu tư đã lường trước những khó khăn này. Đã tổ chức nhiều cuộc trao đổi trực tiếp nghề nghiệp giữa Ban Biên tập và những phóng viên được phân giao viết chân dung về doanh nhân, nhất là những người nổi tiếng.

Tổng Biên tập Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Anh Tuấn từng chia sẻ, khó khăn lớn nhất của phóng viên viết gương mặt doanh nhân là phải vượt qua thói quen “ẩn mình” của người Việt.

23 năm trước, khi Báo Đầu tư ra số đầu tiên, việc xuất hiện cá nhân dưới hình thức trả lời phỏng vấn cũng là rất khó, chứ không nói tới việc viết về câu chuyện kinh doanh của một ai đó. Thời gian trôi qua, tác động của nền kinh tế thị trường đã làm thay đổi khá nhiều nhận thức, tư duy của người Việt Nam, trong đó, giới doanh nhân thay đổi nhiều nhất.

  Gương mặt doanh nhân, Báo Đầu tư  

Nhưng ngay vào lúc này, khi nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, nhiều doanh nhân đã thành danh, có tên trong các bảng xếp hạng doanh nhân của khu vực, thế giới, thì vẫn không nhiều doanh nhân sẵn sàng chia sẻ về mình. Công việc này càng trở nên khó khăn hơn khi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đang đối mặt với nhiều thách thức từ những khó khăn của nền kinh tế. Nhiều người thẳng thắn chia sẻ quan điểm tránh truyền thông để “yên ổn làm ăn”...

Nhưng tôn vinh doanh nhân là cần thiết và là công việc Báo Đầu tư phải làm. Đó là nhiệm vụ đã được Tổng Biên tập Nguyễn Anh Tuấn giao cho phóng viên.

“Họ xứng đáng được tôn vinh không chỉ vì những gì họ đã cống hiến, đã đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế, của đất nước, mà còn vì cộng đồng doanh nhân Việt Nam đang rất cần những bài học kinh nghiệm để tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong nền kinh tế khu vực và thế giới, để thúc đẩy tinh thần kinh doanh của người Việt Nam. Là người đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, phóng viên Báo Đầu tư phải có những cân nhắc nghiêm túc giữa nhu cầu đọc, thậm chí là sự tò mò, của độc giả về những người nổi tiếng, những người mà xã hội cho là giàu có và mong muốn ‘chỉ làm, không nói’ của doanh nhân. Nếu phóng viên không thực sự hiểu thời cuộc, hiểu được nhân vật, thì rất khó lựa chọn những câu chuyện, chi tiết phù hợp”, Tổng Biên tập Nguyễn Anh Tuấn phân tích.

Chân dung tỷ phú đầu tiên của Việt Nam, doanh nhân Phạm Nhật Vượng và rất nhiều doanh nhân nổi tiếng trong Đặc san Tự hào Doanh nhân Việt đã được xây dựng từ chỉ đạo này.

Mất hơn tháng trời, Thanh Hà, người được giao viết bài về tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam - phần việc được xác định là khó khăn nhất trong nội dung cuốn Đặc san - mới hoàn tất bài viết. Chân dung về doanh nhân “bảo ông giàu, ông chỉ mỉm cười, bảo ông đã... chết, ông cũng chỉ lặng lẽ nhấm nháp niềm hạnh phúc của riêng mình” đã được khắc họa bằng những công trình, những dự án, những tác động đến kinh tế - xã hội của những công trình, dự án đó trên khắp đất nước khiến không chỉ những người tò mò về ông, mà cả những người biết ông cũng cảm thấy hứng thú.

Vậy nhưng, không phải không có lúc người viết muốn thoái lui khi thông tin về con người “cực kỳ kín tiếng, nhưng vô cùng nổi tiếng này” nhiều, nhưng nhiễu. Việc tiếp cận ông không phải là khó, mà vô cùng khó khăn. Ngay trong những sự kiện lớn của Vingroup, Chủ tịch Vượng cũng rất kiệm lời và kiệm hình.

“Có thể, chân dung tỷ phú đầu tiên của Việt Nam sẽ hấp dẫn người đọc hơn rất nhiều nếu có thêm những câu chuyện bên lề, những thông tin cá nhân. Nhưng chúng tôi muốn chia sẻ với bạn đọc Báo Đầu tư về tính nhân văn trong các kế hoạch đầu tư, kinh doanh của doanh nhân Phạm Nhật Vượng, về sự cống hiến vì sự phát triển của đất nước mà chúng tôi cảm nhận được khi tìm hiểu về tỷ phú đầu tiên của Việt Nam này”, Thanh Hà chia sẻ.

Vĩ thanh

Ngay vào lúc này, nửa tháng sau khi Đặc san Tự hào Doanh nhân Việt được phát hành, lời cám ơn của những nhân vật trong cuốn sách về một tác phẩm “đáng đọc và cần phải đọc” vẫn tiếp tục đổ về.

Vẫn còn thư của các doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu gửi về Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề nghị có được cuốn sách về doanh nhân hay lắm của Báo Đầu tư...

Nhiều người vẫn nhắc đến sự chộn rộn quanh bàn tặng Đặc san Tự hào Doanh nhân Việt của Báo Đầu tư tại Lễ trao giải 100 Doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014. Người nói to, người nói nhỏ, người nhăn nhó, người hể hả – đủ mọi tâm trạng... chỉ vì sách hay mà ít quá.

Vẫn còn những lời trách mát mẻ của nhiều bạn đồng nghiệp vì cuốn sách mà cả kế hoạch nội dung về kỷ niệm 10 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam của họ bị đảo lộn.

Vẫn còn những trăn trở của người viết về một vài chi tiết chưa thực sự đắt giá về nhân vật của mình.

Vẫn còn những điều “giá như…” của những người tổ chức sản xuất về một ấn phẩm tôn vinh doanh nhân phải thực sự xứng đáng, xứng tầm với đóng góp của cộng đồng doanh nhân...

Nhưng có một điều chắc chắn là, sau tất cả những điều này, mối thâm tình giữa Báo Đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân – những người đồng hành trên chặng đường vì sự phồn vinh của đất nước, sẽ càng mặn mà hơn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư