Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Sau nông thôn mới sẽ là đô thị sinh thái Phong Điền
Huy Tự - 17/05/2016 07:39
 
Hôm nay (17/5/), huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ sẽ tổ chức Lễ công nhận Huyện nông thôn mới Phong Điền sau 5 năm nỗ lực xây dựng. Đây là huyện nông thôn mới đầu tiên của TP. Cần Thơ. Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Sử, Phó bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền.

Thưa ông, tại sao Phong Điền lại quyết định xây dựng huyện nông thôn mới?

Trước khi thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới (NTM), đời sống của người dân  còn nhiều khó khăn, thấp so với mặt bằng chung của TP.Cần Thơ. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, sản xuất kém phát triển. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện chỉ đạt 20,5 triệu đồng. Nhưng các xã xây dựng NTM từ năm 2011đã đạt 20,4 triệu đồng/người/năm.

Hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, một số tuyến đường thường xuyên lầy lội vào mùa mưa, lũ. Một bộ phận người dân phải sử dụng nước chưa đảm bảo vệ sinh. Cơ sở vật chất trường học, trạm y tế, văn hóa còn yếu kém, thiếu trang thiết bị, nên chưa đáp ứng tốt nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

.
Ông Nguyễn Văn Sử, Phó bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền

Tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế còn thấp, tình trạng ô nhiễm môi trường tăng do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa nhanh. Tình hình an ninh, trật tự xã hội tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu của nhân dân…

Trước thực trạng trên, Phong Điền xác định xây dựng NTM là giải pháp để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa nông nghiệp - nông thôn, là điều kiện để xây dựng Phong Điền trở thành “huyện sinh thái”.

UBND huyện đã chủ động đề ra giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tổ chức lại sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Cuối năm 2010, huyện triển khai thực hiện Chương trình Xây dựng NTM trên địa bàn 6 xã. Sau 5 năm, Chương trình đạt kết quả khả quan ở các lĩnh vực, đặc biệt có chuyển biến từ nhận thức, ý thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng NTM, tạo thành phong trào có sức lan tỏa. Các đồ án quy hoạch, đề án xây dựng NTM ở các xã được triển khai đồng bộ; cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh; sản xuất phát triển vững chắc, thu nhập nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm; công tác an sinh xã hội được quan tâm… góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Trong quá trình xây dựng NTM, người dân đặc biệt quan tâm đến tính thiết thực và hiệu quả của các tiêu chí. Ở Phong Điền, tình hình này thế nào, thưa ông?

Chúng tôi xác định không chạy theo hình thức, không nôn nóng đạt các tiêu chí bằng mọi giá... Xây dựng NTM là một quá trình phát triển liên tục, có chương trình trọng tâm, trọng điểm. Mục tiêu cuối cùng phải  là nâng chất lượng cuộc sống người dân, nhất là vùng ven đô.

Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Phong Điền lần thứ X, nhiệm kỳ 2010-2015 cũng đã đưa nội dung xây dựng NTM vào trong nội dung chính của Nghị quyết Đại hội.

Chúng tôi cũng là đơn vị đầu tiên của TP.Cần Thơ thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình NTM từ đầu  năm 2010.

Đến nay, 19/19 tiêu chí NTM của 6 xã đã đạt chuẩn. Riêng tiêu chí thứ 20 là cung cấp dịch vụ công (do UBND TP. Cần Thơ ban hành), được coi là yếu tố sáng tạo của địa phương nhằm tập trung xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành bộ phận “một cửa hiện đại” tại cả 6 xã và tại UBND huyện; bổ sung trang thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa.

Năm 2014, chúng tôi đã ra mắt mô hình một cửa liên thông 3 trong 1; 2 trong 1 tại xã Nhơn Ái, từ đó nhân rộng ra các xã còn lại. Các mô hình này đang phát huy tác dụng tốt.

Trong 5 năm qua, huyện đã đầu tư và huy động doanh nghiệp, nhân dân trong và ngoài huyện xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống giao thông trên địa bàn, 90% tuyến đường giao thông từ huyện đến xã, ấp đã đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia. Tổng kinh phí xây dựng đường giao thông nông thôn là 375 tỷ đồng, trong đó, ngân sách 170,5 tỷ đồng, xã hội hóa 60,4 tỷ đồng và người dân đóng góp 144,7 tỷ đồng.

Huyện đã triển khai xây dựng các công trình thủy lợi, nạo vét các tuyến kênh được 1.500.000 m3, gia cố 220 km đê bao, xây dựng 50 cống hở, hơn 1.000 cống ngầm với kinh phí trên 248 tỷ đồng nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh. Có thể kể đến các công trình lớn như: Công trình đê bao Ô Môn - Xà No (Tân Thới - Nhơn Ái), Công trình đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái (Nhơn Ái)...

Nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững là tiêu chí rất được quan tâm. Ông có thể cho biết thêm vấn đề này?

Chúng tôi đã thực hiện  nhiều giải pháp để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện liên kết trong sản xuất.

Trên cơ sở xác định lợi thế của từng vùng, huyện đã đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp và tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh.

Giai đoạn 2011-2015, chúng tôi xác định định hướng phát triển những loại cây ăn trái phù hợp, chất lượng tốt, nhiều tiềm năng thị trường như dâu hạ châu, vú sữa, sầu riêng, nhãn ido, chanh không hạt… đưa vào cơ cấu cây trồng chủ lực của huyện cùng với lúa chất lượng cao và hoa kiểng.

Các xã đã cải tạo, trồng mới được hơn 2.150 ha cây ăn trái các loại,  hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung như vùng vú sữa Giai Xuân (300 ha), vùng dâu hạ châu Nhơn Ái  (350 ha), vùng nhãn Trường Long, Nhơn Nghĩa (150 ha/vùng), vùng hoa kiểng Tân Thới (200.000 chậu/năm), vùng lúa chất lượng cao Trường Long, Giai Xuân (300 ha)…

Bình quân thu nhập/ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện đạt trên 140 triệu đồng/năm. Trong đó, các vùng sản xuất cây ăn trái chuyên canh cho thu nhập đạt từ 150 - 350 triệu đồng/ha.

Ngoài ra, huyện còn chú trọng kết hợp phát triển các loại hình du lịch sinh thái vườn. Mỗi năm, các nhà vườn, các điểm du lịch trên địa bàn thu hút được hơn 500.000 lượt du khách, tăng thêm thu nhập từ 2-2,5 lần so với sản xuất vườn chuyên canh.

Để phát triển theo mô hình đô thị sinh thái vào năm 2020, huyện Phong Điền đang tập trung vào những giải pháp nào, thưa ông?

Kết quả 5 năm qua cho thấy, đây mới chỉ là thành quả bước đầu. Để xây dựng Phong Điền thành đô thị sinh thái đến năm 2020 theo định hướng của TP.Cần Thơ, chúng tôi phải tiếp tục rà soát, điều chỉnh một số đồ án quy hoạch xây dựng cho phù hợp với tình hình thực tế, làm cơ sở tổ chức thực hiện nâng chất các tiêu chí; xây dựng đề án nâng chất các tiêu chí NTM gắn với xây dựng huyện thành đô thị sinh thái. Đồng thời, xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, thiết chế văn hoá xã hội, giáo dục, y tế và bảo vệ môi trường

Từ nay đến năm 2020, chúng tôi sẽ giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM, làm tiền đề xây dựng đô thị sinh thái.

Trước mắt, huyện tập trung thực hiện một số nội dung cụ thể: xây dựng trường học, trung tâm văn hoá - thể thao huyện và nhà văn hoá đạt chuẩn, giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,8% (theo chuẩn mới); Hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ đường huyện, đường trục xã, liên xã, đường trục ấp, liên ấp được cứng hóa đạt 100%, đường ngõ xóm được cứng hóa đạt 90%; Xây dựng hoàn thiện hệ thống đê bao, trạm bơm điện, cống đập bảo vệ sản xuất vững chắc cho 7.500 - 8.000 ha vườn cây ăn trái gắn với xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, đảm bảo vừa phục vụ sản xuất, vừa phát triển du lịch sinh thái đang phát triển mạnh trên địa bàn.

Đặc biệt, chính quyền huyện sẽ tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ TP.Cần Thơ, sự phối hợp, hỗ trợ của các sở, ngành thành phố, phát huy nội lực, đoàn kết của cả hệ thống chính trị; tăng cường tuyên truyền tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân; thường xuyên tiếp và đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp; mời gọi tạo mọi điều kiện thuận lợi, môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp đầu tư và phát triển theo đúng quy hoạch, định hướng phát triển của huyện; đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết sản xuất, đảm bảo tốt vệ sinh, cảnh quan môi trường gắn với phát triển du lịch, dịch vụ Phong Điền trong thời gian tới.

9 tiêu chí công nhận huyện nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020
Tiêu chí huyện nông thôn mới và Quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vừa được Thủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư