Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Sau thả nổi, cước roaming về đáy
Hữu Tuấn - 24/06/2017 07:26
 
Với chính sách tự chủ về giá, các nhà mạng đã bước vào cuộc đua giá cước, đẩy cước data roaming xuống rất thấp.
Cước roaming của các nhà mạng đã giảm sâu, có thị trường giảm tới 99%.
Cước roaming của các nhà mạng đã giảm sâu, có thị trường giảm tới 99%.

Đua nhau giảm giá cước roaming

Trong một diễn biến mới nhất, Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa áp dụng biểu giá mới đối với dịch vụ data roaming tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia, với mức giảm tới… 99%.

Theo đó, từ nay đến hết ngày 15/9/2017, khi sử dụng dịch vụ data roaming tại các nhà mạng của Hàn (SKT, KTF), Nhật Bản (Softbank và NTT Domoco), Australia (Telstra), khách hàng của Viettel chỉ phải trả mức cước là 22 đồng/10 KB. So với mức cước data thông thường là 2.363 đồng/10 KB (dành cho thuê bao trả trước) thì mức cước ưu đãi này đã giảm 99%.

Trước đó, từ ngày 1/1/2017, với lợi thế có hai mạng di động tại Lào và Campuchia có lượng thuê bao lớn, Viettel cho biết sẽ chính thức áp dụng mức cước chuyển vùng quốc tế giữa 3 nước Đông Dương tương đương như mức cước trong nước.

Một nhà mạng khác là VinaPhone cũng áp dụng chương trình giảm giá cước roaming đến 80%. Cụ thể, đầu tháng 5/2017, VinaPhone đã áp dụng giá cước mới cho dịch vụ data roaming tại tất cả các quốc gia chỉ còn 1 mức giá là 1.000 đồng/block 10 KB. Trước đó, VinaPhone áp dụng giá cước chia theo 5 vùng khác nhau. So với mức cũ, giá cước chuyển vùng quốc tế mới của VinaPhone đã giảm 20 - 80%.

Trong khi đó, MobiFone cũng liên tiếp đưa ra các gói cước roaming cho các khách hàng bằng việc chia ra 5 vùng với giá cước rẻ hơn rất nhiều. MobiFone đang áp dụng mức cước chuyển vùng quốc tế dao động từ 2.990 đến 4.990 đồng/10 KB dữ liệu và các gói combo riêng cho các thị trường roaming Hàn Quốc, Nhật Bản.

Vì sao có làn sóng giảm giá cước?

Việc các nhà mạng đua nhau giảm giá data roaming có 2 nguyên nhân chính.

Nguyên nhân thứ nhất là do thị trường quyết định. Cùng với việc phát triển mạng xã hội, Internet… cách thức truyền dẫn cũ bằng thoại và data hạn chế đã không còn thỏa mãn được nhu cầu của khách hàng. Ngày nay, đi du lịch, công tác, sinh sống, làm việc ở nước ngoài, khách hàng có thể gọi điện, nhắn tin, gửi ảnh bằng mạng xã hội.

Lãnh đạo VinaPhone khẳng định, với công nghệ ngày càng phát triển, hiện nay, tiện ích trên mạng xã hội khi du lịch như share, check-in, tra cứu địa điểm, thông tin… đồng thời duy trì liên lạc hay công việc trong nước là những nhu cầu đặt ra cho nhà mạng để cung cấp cho khách hàng. Vì vậy, nếu vẫn áp mức giá cũ, nhà mạng sẽ không đủ sức cạnh tranh với các đối thủ khác.

Nguyên nhân thứ hai là do chính sách thả nổi cước viễn thông. Theo đó, từ thời điểm 1/6/2017, nhà mạng được quyền chủ động về giá cước và thời gian đàm phán với các đối tác về dịch vụ chuyển vùng quốc tế cả chiều đi và chiều đến.

Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền Thông), thị trường dịch vụ roaming quốc tế đã cạnh tranh hoàn hảo, không doanh nghiệp nào khống chế giá trên thị trường, nên không cần sự can thiệp của Nhà nước. Vì vậy, nhà mạng được quyền chủ động về giá cước đối với dịch vụ này.

Ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, chính sách này sẽ khuyến khích đầu tư vào Việt Nam, khi tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng được dùng dịch vụ chuyển vùng quốc tế với giá cước phù hợp và người dân Việt Nam được dùng chuyển vùng quốc tế chiều đi tương đồng với chiều đến.

“Giá cước đàm phán trên nguyên tắc thương mại với các đối tác đảm bảo lợi ích doanh nghiệp, phù hợp với mức chi trả của người dân để kích thích tiêu dùng, đảm bảo quyền lợi quốc gia, tăng nguồn thu từ phát triển chiều đi khi tiến tới cân bằng chiều đến và chiều đi”, ông Trung nói.

Liệu còn giảm giá tiếp?

Đại diện MobiFone cho biết sẽ đàm phán với các đối tác để giảm roaming quốc tế cho thuê bao đi ra nước ngoài, đồng thời giảm cước roaming quốc tế cho các thuê bao nước ngoài đến Việt Nam.

Còn lãnh đạo VinaPhone dự báo, thời gian tới sẽ có cuộc đua về giá sau khi cho phép các nhà mạng quyền quyết định cước roaming quốc tế. Nhà mạng có thể bị sụt giảm doanh thu từ dịch vụ này khá nhiều.

Trong khi đó, lãnh đạo Viettel Telecom băn khoăn rằng, các nhà mạng cần có lộ trình giảm cước roaming. Đại diện Viettel Telecom lo ngại, việc bán phá giá có thể xảy ra đối với dịch vụ roaming quốc tế nếu các mạng đua nhau đàm phán với đối tác nước ngoài và bị các đối tác nước ngoài ép giá như đã từng xảy ra đối với dịch vụ VoIP quốc tế chiều về.

Liên quan vấn đề trên, Cục Viễn thông khẳng định rằng, Nhà nước đã “trao quyền” cho doanh nghiệp chủ động về giá cước roaming quốc tế với mục đích để làm sao hoạt động kinh doanh hiệu quả và tự chủ động về giá. Nhà nước sẽ chỉ can thiệp khi doanh nghiệp đua nhau phá giá dịch vụ.

Có thể thấy, mức giá cước roaming hiện đang thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Doanh thu thực tế của nhà mạng cũng đã giảm rất sâu, chỉ bằng 10 - 20% so với 5 - 7 năm trước. Điều này đã khiến nhiều nhà cung cấp phải rời bỏ thị trường và miếng bánh nhỏ còn lại chỉ thuộc một số ít nhà mạng. Nhưng, với mức giảm giá sâu như hiện tại, không ai có thể chắc chắn rằng, vài năm nữa sẽ còn nhà mạng nào trụ lại nổi với dịch vụ roaming.

“Từ ngày 1/6/2017, việc hợp tác kinh doanh dịch vụ chuyển vùng quốc tế với các đối tác nước ngoài sẽ do doanh nghiệp chủ động đàm phán theo nguyên tắc thỏa thuận thương mại, phù hợp với thực tế kinh doanh dịch vụ chuyển vùng quốc tế đồng thời đảm bảo lợi ích quốc gia”.

Nguồn: Thông báo của Cục Viễn thông

Viettel bỏ cước roaming 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia
Ngày 4/1, Viettel tuyên bố chính thức áp dụng mức cước chuyển vùng quốc tế (roaming) giữa 3 nước Đông Dương tương đương như mức cước trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư