Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
SCB xin chủ trương bán trên 50% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài
Thùy Vinh - 27/04/2015 09:05
 
Chiều 26/4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tiến hành ĐHCĐ thường niên năm 2014. Các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh trong năm tài chính 2015 đã được HĐQT trình cổ đông thông qua. SCB cũng có kế hoạch trình NHNN xin chủ trương bán trên 50% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

Kế hoạch tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu giai đoạn 2012 -2014, hoàn tất việc tăng vốn điều lệ lên 14.295 tỷ đồng sau khi được NHNN chấp thuận trong quý I/2015.

Hiện cổ đông nước ngoài đã nắm giữ khoảng 15% vốn điều lệ của SCB, song HĐQT nhà băng này cho biết, Ngân hàng sẽ tiếp tục lên kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 16.000 tỷ đồng trong năm 2016 để nâng cao năng lực tài chính.


Bản thân SCB đã có kế hoạch trình NHNN xin chủ trương bán trên 50% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. HĐQT SCB cho biết, vì đang trong giai đoạn tái cấu trúc, do đó, việc thu hút được nguồn lực từ các cổ đông chiến lược nước ngoài là rất cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề này phải chờ ý kiến từ Chính phủ và NHNN. Nhưng đây cũng được xem là giải pháp hiệu quả, giúp cho quá trình tái cấu trúc ngành đúng hướng và hiệu quả nên SCB cũng mong muốn được bán với tỷ lệ cao. 

Báo cáo tại ĐHCĐ, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết, SCB vừa được NHNN chấp thuận tăng vốn thêm 2.000 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên trên 14.000 tỷ đồng. SCB tiếp tục tăng vốn điều lệ để đáp ứng các yêu cầu về an toàn vốn, phù hợp với tốc độ tăng trưởng và mở rộng hoạt động kinh doanh. Mục tiêu đến hết năm 2016, vốn điều lệ của SCB đạt 16.000 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2014, SCB đạt 119 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; ROA 0,04%; ROE 0,69%; Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 0,5%. Vốn điều lệ đạt 12.295 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ trương của SCB là chưa chia cổ tức trong giai đoạn ngân hàng đang tái cơ cấu. Nhiều cổ đông SCB tỏ ra bức xúc về vấn đề này, vì cho rằng, lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến cuối năm 2014 là 457.212 tỷ đồng. Tuy nhiên, HĐQT SCB cho rằng, do Ngân hàng đang giai đoạn tái cơ cấu nên phải tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc, xử lý nợ xấu và tăng cao năng lực tài chính. Mặt khác, nếu chia cổ tức trong giai đoạn hiện nay cũng rất thấp nên HĐQT SCB chưa muốn chia.

Về việc bán nợ cho VAMC, lãnh đạo SCB cho hay, đến cuối 2014, tổng nợ xấu SCB đã bán cho VAMC là 11.400 tỷ đồng, đưa nợ xấu giảm chỉ còn 0,5% vào cuối năm. SCB sẽ tiếp tục xử lý nợ xấu để tình hình tài chính tốt hơn. Nhưng đi cùng với xử lý quyết liệt thì phải trích lập dự phòng cho trái phiếu này, mỗi năm phải trích lập dự phòng 20%. Để giảm áp lực tài chính, trong 10 năm thì trích lập hết, sau này nếu xử lý hết được các khoản nợ xấu đó thì được hoàn nhập khoản dự phòng vào lợi nhuận sẽ là khối tài sản lớn cho Ngân hàng sau này.

Năm qua, SCB trích lập dự phòng rủi ro 1.255 tỷ đồng. Trong năm qua, SCB đã xử lý và thu hồi nợ được khoảng 2.000 tỷ đồng thông qua thu nợ, bán tài sản… Kế hoạch của Ngân hàng trong năm nay sẽ xử lý nợ xấu thu hồi nợ khoảng 1.500 tỷ đồng, nhưng mục tiêu kỳ vọng là khoảng 2.500 tỷ đồng và chúng tôi sẽ cố gắng đạt được con số này trong năm 2015. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế SCB đưa ra cho năm 2015 là 131 tỷ đồng, nợ xấu kiểm soát dưới 3%. Đồng thời, SCB đánh giá khách quan và chủ quan thì thời gian này chưa phù hợp niêm yết, nên đã xin NHNN chưa niêm yết trong thời gian SCB tái cơ cấu.

Ngoài ra, trong năm nay SCB đẩy mạnh bán chéo sản phẩm bảo hiểm – ngân hàng. SCB đã đẩy mạnh việc này bằng cách mua lại quyền chi phối tại Công ty Bảo hiểm Bảo Long với tỷ lệ sở hữu hơn 58,73% cổ phần, cũng như ký hợp tác chiến lược với Generali…Đồng thời, SCB phát triển tín dụng tập trung cho vay ngắn, dài hạn như: tài trợ vốn lưu động, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng đối với cá nhân. SCB từng bước điều chỉnh cơ cấu tài sản, để nâng cao tính thanh khoản, tăng cường mở rộng thị phần tăng trưởng dư nợ tín dụng. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng SCB năm nay khoảng 18%, được lãnh đạo SCB đánh giá là "phù hợp", vì tín dụng năm 2015 có khả năng cải thiện tốt khi nhu cầu vốn doanh nghiệp trở lại.

VAMC mua hàng nghìn tỷ nợ xấu của SCB, SouthernBank
Sáng nay, 11/10, tại TP.HCM, Công ty quản lý Tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã ký hợp đồng mua 1.000 tỷ đồng nợ xấu của Ngân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư