Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
SCIC nhận hơn 1.000 tỷ đồng lãi gửi ngân hàng mỗi năm
Bạch Dương (Vnexpress) - 01/04/2016 16:04
 
Lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư & Kinh doanh vốn Nhà nước cho rằng trong bối cảnh kinh tế có nhiều rủi ro, việc lựa chọn các kênh đầu tư an toàn, hiệu quả trước khi tìm được dự án tốt để bỏ vốn là giải pháp tối ưu.

Theo số liệu của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), trong năm 2015, lãi tiền gửi ngân hàngdoanh nghiệp nhận được là 1.025 tỷ đồng. Sau 2 tháng đầu năm 2016, con số này là 226 tỷ và SCIC đặt kế hoạch thu về 1.050 tỷ đồng từ nguồn này trong năm nay.

Trao đổi với PV, Chủ tịch SCIC - ông Nguyễn Đức Chi cho biết ngoài nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp, hiện SCIC còn có quỹ đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng. Trong số này, tổng công ty chọn một số kênh an toàn như đầu tư trái phiếu Chính phủ, gửi tiền ngân hàng. Năm 2015, SCIC có đầu tư 1.865 tỷ đồng cổ phiếu của MBBank, 450 tỷ trái phiếu Techcombank.

"Tiền gửi ngân hàng thực chất là tiền nhàn rỗi trong thời gian chưa có phương án đầu tư mới. Chúng tôi sẽ chọn một số nhà băng có mức lãi suất tốt nhất. Đây cũng là nguồn tài chính dự phòng để khi có dự án tốt có thể triển khai ngay. Tuy vậy, việc tính toán phương pháp đầu tư hiệu quả, đầu tư vào cái gì luôn khó khăn nhất", ông Chi nói.

Ngoài lãi tiền gửi ngân hàng, trong năm 2015, SCIC cũng ghi nhận doanh thu từ cổ tức đạt 5.062 tỷ đồng, từ bán vốn đạt 4.491 tỷ đồng, góp phần đưa tổng doanh thu tăng 45% so với cùng kỳ, đạt 10.595 tỷ đồng. Ông Chi cho biết, theo quy định mới, tiền bán vốn sẽ được nộp lại vào ngân sách và SCIC chỉ được giữ lại một phần nhỏ để tiếp tục đầu tư, đảm bảo sự tăng trưởng của doanh nghiệp.

 Một số chỉ tiêu SCIC đạt năm 2015 và kế hoạch 2016. Đơn vi: tỷ đồng
Một số chỉ tiêu SCIC đạt năm 2015 và kế hoạch 2016. Đơn vi: tỷ đồng

Lãnh đạo SCIC cho biết Tổng công ty cho biết đang xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó điều chỉnh danh mục doanh nghiệp thoái vốn và nắm giữ lâu dài. Về việc Chính phủ đã cho phép thoái hết vốn tại Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, FPT Telecom, Bảo hiểm Bảo Minh... ông Nguyễn Đức Chi cho biết SCIC vẫn xem xét trên cơ sở đảm bảo lợi ích Nhà nước là trên hết.

"Chúng tôi sẽ cân nhắc giữa việc giữ lại và bán. Nếu bán thì phải có kênh đầu tư mới hiệu quả hơn. Việc kinh doanh mà đặt trong bối cảnh chỉ đạo hành chính thì rất khó. Hãy để dòng vốn vận hành theo quy luật thị trường thì tốt hơn", Chủ tịch SCIC nói.

Chia sẻ với quan điểm này, Phó tổng giám đốc Lê Song Lai cho rằng sứ mệnh của công ty là làm cho phần vốn của Nhà nước gia tăng, song trên thực tế không phải lúc nào cũng như mong đợi. "Nhiều người cứ nói cổ phần hoá hết đi, cho tư nhân vào làm, tư nhân không làm được thì Nhà nước mới làm. Tuy nhiên trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, cần nhớ rằng dự án nào tư nhân không làm tức là hiệu quả không cao", ông Lai nói và cho biết.

Về câu chuyện sử dụng vốn của SCIC, ông Lai cho rằng đầu tư dự án, xây dựng các doanh nghiệp mới thì ai cũng muốn nhưng thực tế tổng công ty không phải lúc nào cũng đủ nguồn lực, chuyên môn để làm tốt tất cả công việc khác nhau. Trong bối cảnh để tiền trong túi còn rủi ro thì việc nghiên cứu chiến lược đầu tư mới làm sao để hiệu quả, rủi ro thấp nhất luôn là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp.

Năm 2016, SCIC đặt mục tiêu doanh thu 12.528 tỷ đồng, trong đó cổ tức đạt 4.228 tỷ đồng, doanh thu bán vốn 7.250 tỷ đồng. Công ty dự định dùng khoảng 8.000 tỷ đồng để đầu tư, phần lớn dùng để mua cổ phiếu trung dài hạn, trái phiếu. Tính đến 31/12/2015, danh mục quản lý của SCIC còn 197 doanh nghiệp với vốn Nhà nước theo giá trị sổ sách là 20.020 tỷ đồng, chiếm 23% vốn điều lệ và giá trị thị trường đạt khoảng 95.697 tỷ đồng.

SCIC đang bỏ vốn vào đâu

Theo báo cáo, năm 2015, hoạt động đầu tư của SCIC tăng mạnh, đạt 8.337 tỷ đồng. Hiện công ty đã có hàng loạt dự án trọng điểm, đồng thời đầu tư, mua trái phiếu Chính phủ trị giá 5.000 tỷ đồng.

SCIC tiếp tục giải ngân thêm 1.000 tỷ đồng để thực hiện giai đoạn 2 của Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco). Hiện công ty đã tái cơ cấu, tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp, đàm phán với nhà thầu Trung Quốc theo chỉ đạo của Chính phủ để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc.

Với dự án Tháp truyền hình hợp tác với Đài truyền hình Việt Nam, SCIC và các đối tác đã hoàn thiện điều lệ công ty và thoả thuận cổ đông, phương án nhân sự. Công ty Đầu tư Tháp truyền hình đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu và đang phối hợp với tư vấn Nhật Bản lập dự án đầu tư trình Thủ tướng.

Ngoài ra, SCIC đang nghiên cứu cơ hội đầu tư vào một số công trình: Nhà máy sản xuất vắc xin quy mô công nghiệp, dự án hợp tác với Bệnh viện Nhi Trung ương, xây dựng Khu hành chính tập trung của tỉnh Thái Bình, Dự án hợp tác với Abbott sản xuất thuốc, nhà máy thuốc chữa ung thư...

Với dự án được đầu tư theo chỉ định là tham gia tái cơ cấu Công ty Xi măng Hạ Long, SCIC đã có báo cáo đề nghị chuyển doanh nghiệp này về cho Tổng công ty Xi măng Việt Nam quản lý.

Tiền bán cổ phần vốn nhà nước phải nộp về SCIC
Ngày 13/11, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư