Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Sẽ bãi bỏ hàng loạt quy hoạch ngành, sản phẩm
Nguyên Đức - 12/07/2015 17:21
 
Khi Luật Quy hoạch được thông qua, hàng loạt quy hoạch ngành, sản phẩm cụ thể sẽ bị bãi bỏ, để chuyển sang quản lý bằng các điều kiện, tiêu chuẩn một cách công khai, minh bạch. Đây là một đổi mới quan trọng trong công tác lập quy hoạch.

Từ những con số giật mình về quy hoạch

Thông tin được ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố không khỏi khiến dư luận giật mình.

Đó là, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tới năm 2013, cả nước có 8.955 dự án quy hoạch thuộc mọi lĩnh vực ở cấp Trung ương lẫn địa phương, với kinh phí lập hơn 6.720 tỷ đồng. Dự kiến tới năm 2020, cả nước sẽ có 19.285 quy hoạch được lập, với tổng kinh phí gần 8.000 tỷ đồng.

 

“Quy hoạch được lập quá nhiều nhưng chất lượng thấp, quy hoạch không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi nên gây lãng phí nguồn lực của đất nước”, ông Các thừa nhận và cho biết, dù công tác quy hoạch thời gian qua đã có những đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, song cũng ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém.

Không chỉ là nhiều, chất lượng thấp, mà theo ông Các, việc quy hoạch thiếu gắn kết, không thống nhất và còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn cũng làm giảm hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch.

Chưa kể, quy hoạch cũng chưa thể hiện được vị trí, vai trò là công cụ của Nhà nước để điều hành phát triển kinh tế - xã hội...

Thêm vào đó, việc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch được ban hành quá nhiều (riêng quy định về quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm đã có 60/70 luật, pháp lệnh -PV), nhưng lại không thống nhất, theo ông Các, cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc lập quy hoạch tràn lan gây lãng phí nguồn lực, khó khăn trong chỉ đạo điều hành và cản trở việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân.

Đó là những lý do chính khiến đòi hỏi phải đổi mới toàn diện công tác lập quy hoạch. Cũng chính vì vậy, việc sớm ban hành Luật Quy hoạch càng trở nên bức thiết.

Thông tin từ ông Các, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo Dự thảo Luật, với quan điểm nhất quán là thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật của Việt Nam liên quan đến hoạt động quy hoạch.

Thêm vào đó, hệ thống quy hoạch phải tuân thủ nguyên tắc từ cao xuống thấp, từ tổng thể đến chi tiết; quy hoạch địa phương phải tuân thủ quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng; quy hoạch chi tiết phải dựa trên quy hoạch tổng thể.

Nguyên tắc thứ ba, quy hoạch phải thực sự là công cụ quản lý điều hành phát triển kinh tế - xã hội, giữ vai trò định hướng, dẫn dắt sự phát triển; đảm bảo tính công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư, cũng như việc sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực của đất nước.

Dựa trên các định hướng này, một trong những điểm nhấn của Luật Quy hoạch là thống nhất và rút gọn các văn bản pháp luật, pháp lệnh từ con số 70 hiện nay xuống còn hai dự luật.

Đó là Luật Quy hoạch, điều chỉnh các quy hoạch tổng thể từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh, và Luật Quy hoạch đô thị, nông thôn, điều chỉnh các quy hoạch chi tiết từ cấp huyện đến cấp xã. Từ đó, tạo lập, sắp xếp lại hệ thống quy hoạch một cách trật tự, gọn gàng, thống nhất và hữu hiệu…

Đến những đổi mới quan trọng

Thứ trưởng Đặng Huy Đông, khi trao đổi với báo giới tại cuộc họp báo đã khẳng định, Luật Quy hoạch, với các điều khoản cụ thể sẽ góp phần quan trọng để quy hoạch thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, gắn với cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh.

“Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất - kinh doanh, chúng tôi đề xuất bãi bỏ tất cả các quy hoạch ngành, sản phẩm cụ thể. Điều này là phi thị trường, bởi sản xuất cái gì, bao nhiêu là do thị trường quyết định chứ không phải là các bản quy hoạch khô cứng”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói.

Dự kiến, theo quy định của Luật Quy hoạch, sẽ chỉ còn 21 loại quy hoạch ở cấp trung ương, vùng và tỉnh. Các ngành, lĩnh vực được tích hợp trong quy hoạch tổng thể các cấp, chỉ một số ngành hạ tầng thiết yếu, một số ngành sử dụng tài nguyên, thiên nhiên khan hiếm, không có khả năng tái tạo và được phân bổ không gian trên lãnh thổ cả nước mới tổ chức lập riêng quy hoạch ngành theo từng thời kỳ phát triển của đất nước.

Việc làm quy hoạch theo kiểu tích hợp này sẽ tránh được chuyện quy hoạch đá quy hoạch, chồng chéo lẫn nhau, gây lãng phí, kém hiệu quả.

Ngoài ra, còn bổ sung quy hoạch không gian biển. Hội đồng Quy hoạch Quốc gia sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng các quy hoạch quốc gia, quy hoạch không gian biển, quy hoạch vùng. Hội đồng này sẽ giúp Chính phủ xử lý và giải quyết các vấn đề xung đột lợi ích, xung đột mang tính liên ngành, xung đột giữa các địa phương, từ đó phá bỏ tình trạng phát triển tự phát, không đồng bộ, kém hiệu quả do bị chi phối bởi nhóm lợi ích, tình trạng cục bộ ngành và tính cát cứ địa phương.

Dự kiến, Dự thảo Luật Quy hoạch sẽ được báo cáo Chính phủ trong tháng 7 này và trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10, thông qua tại Kỳ họp thứ 11.

Tổ chức thi tuyển phương án quy hoạch - kiến trúc Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia
Từ tháng 7 - 8/2015, Tập đoàn Vingroup tổ chức mời các đơn vị tư vấn, thiết kế trong nước và quốc tế tham gia cuộc thi “Tuyển chọn phương án...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư