Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Sẽ không còn quy hoạch “trên mây”
Hà Nguyễn - 27/02/2017 08:00
 
Với việc xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, tất cả các quy hoạch sẽ được… đặt trên thực địa, nên không còn chuyện quy hoạch trên mây. Điều này sẽ đảm bảo việc sử dụng không gian lãnh thổ và nguồn lực quốc gia hiệu quả nhất.
TIN LIÊN QUAN

Tất cả quy hoạch sẽ đặt trên… mặt đất

Một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo Luật Quy hoạch và cũng đã một lần nữa được các chuyên gia thống nhất quan điểm tại hội thảo do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức giữa tuần này tại Hà Nội là cần xây dựng một quy hoạch tổng thể quốc gia. Tuy nhiên, xây dựng quy hoạch tổng thế thế nào, tích hợp các quy hoạch vào một quy hoạch tổng thể quốc gia ra sao lại là điều khiến các chuyên gia băn khoăn nhiều nhất.

“Một trong những yếu tố quan trọng nhất cần được tích hợp vào quy hoạch tổng thể là quy hoạch sử dụng đất. Nếu tách quy hoạch sử dụng đất ra khỏi quy hoạch tích hợp sẽ gây xung đột về quy hoạch, gây lãng phí ngân sách và làm phức tạp quá trình triển khai”, GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bày tỏ quan điểm.

Quy hoạch đô thị khu vực Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội). Ảnh: Đ.T
Quy hoạch đô thị khu vực Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội). Ảnh: Đ.T

Phân tích rõ hơn, GS-TSKH Đặng Hùng Võ cho biết, mặc dù Luật Đất đai 2003 đã quy định, quy hoạch sử dụng đất phải được xây dựng đồng thời với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, nhưng thực tế triển khai lại quá khó. Lý do là, mỗi quy hoạch do một bộ chịu trách nhiệm và không bộ nào để ý đến công việc của bộ kia, dẫn tới tình trạng “cục bộ” trong nhu cầu sử dụng đất của các bộ, ngành, mà không tính đến nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.

“Quốc hội đã từng tranh luận ‘nảy lửa’ xem giữ mấy triệu héc-ta đất lúa là phù hợp, trong khi điều quan trọng hơn là diện tích đất lúa đó nằm ở đâu, đặt ở chỗ nào”, GS-TSKH Đặng Hùng Võ nói và cho rằng, điều này chứng tỏ phương pháp luận về quy hoạch sử dụng đất của Việt Nam còn quá lạc hậu, chưa quy hoạch phân vùng và vẫn đang sử dụng quy hoạch theo tổng diện tích đất. Trong khi đó, quy hoạch kiểu này chỉ mang tính hình thức, gây tốn kém và không có hiệu quả thực.

“Sự thực, đây cũng là thứ quy hoạch ‘trên mây’, không gắn với mặt đất”, GS-TSKH Đặng Hùng Võ thừa nhận.

Được - mất gì khi ban hành Luật Quy hoạch?
“Cái mất là những bất cập, tồn tại, yếu kém của hệ thống quy hoạch lỗi thời hiện nay đang vận hành, đang tạo ra những đồ án quy hoạch cọc cạch. Trong khi đó, cái được là cơ hội để chúng ta cải cách công tác quy hoạch cũ còn vương vấn bởi nền kinh tế quan liêu, bao cấp để chuyển sang thể chế quy hoạch tiên tiến, phù hợp với nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”.
- PGS-TS-KTS Trần Trọng Hanh

Vì quy hoạch trên mây, quy hoạch theo diện tích đất, theo kiểu dành bao nhiêu diện tích đất cho lúa, bao nhiêu cho giao thông, bao nhiêu cho thủy lợi…, nhưng lại không đặt quy hoạch đó trên đất thực, nên cuối cùng, đất giao thông chồng lấn đất trồng lúa, đất cho thủy lợi lấn đất cho phát triển du lịch.

“Quy hoạch như vậy là không khoa học, không có giá trị trên thực tế”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cũng thừa nhận.

Đặt tính thống nhất, đồng bộ lên hàng đầu

Một trong những nội dung quan trọng nhất của Dự thảo Luật Quy hoạch, đang được đưa ra lấy ý kiến của công luận, là xây dựng một quy hoạch tổng thể quốc gia theo mô hình tích hợp. “Xây dựng quy hoạch tổng thể, tất cả các bộ, ngành phải ngồi với nhau, thậm chí phải mất 2 năm để thảo luận, tranh biện xem nên ‘chia’ mảnh đất đấy cho ngành nào là phù hợp để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội quốc gia. Như vậy, đất đai có quy hoạch rõ ràng, bản đồ cụ thể. Trước kia, chúng ta quản quy hoạch trên giấy, thì nay quản lý trên đất, nhằm tránh tình trạng được giao thông thì hỏng lúa, được thủy lợi thì mất du lịch…”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói.

“Kéo tất cả các quy hoạch xuống mặt đất là hợp lý, bởi thực chất bài toán quy hoạch trong cơ chế thị trường chính là chia sẻ việc sử dụng không gian lãnh thổ một cách hiệu quả, mà bản chất việc sử dụng hợp lý không gian lãnh thổ là tìm phương án sử dụng đất hợp lý nhất dựa trên hiện trạng và tiềm năng”, GS-TSKH Đặng Hùng Võ nói.

Dự thảo Luật Quy hoạch
Luật Quy hoạch đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV và dự kiến thông qua vào Kỳ họp thứ 3, tổ chức vào tháng 5/2017.
Ở dự thảo báo cáo tiếp thu, chỉnh lý giải trình Dự án Luật Quy hoạch vừa được gửi lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã được tiếp thu và bố cục lại gồm 6 chương và 69 điều.
Dự thảo mới nhất đã bổ sung một số điểm, khoản quy định về quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch.

Trong quá trình thảo luận về Dự thảo Luật Quy hoạch, không ít quan điểm của các bộ lo rằng sẽ bị “mất việc”. Liên quan vấn đề này, GS-TSKH Đặng Hùng Võ cho biết, công việc chuẩn bị dữ liệu, đưa ra phương án sử dụng không gian lãnh thổ vẫn do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông cũng khẳng định, việc thực thi Luật Quy hoạch sẽ “không lấy đi nhiệm vụ chức năng của ai và không ảnh hưởng gì đến hoạt động bình thường của các bộ, ngành”.

“Luật sẽ đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh, môi trường… Xây dựng Dự thảo, chúng tôi đặt tính thống nhất trong quản lý nhà nước và hiệu quả sử dụng nguồn lực của quốc gia lên hàng đầu. Thực hiện Luật Quy hoạch, chúng ta cũng sẽ thực hiện được tinh thần của Luật Đất đai, đó là việc sử dụng đất sẽ đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh.

Trong khi đó, dựa trên kinh nghiệm quốc tế về quy hoạch sử dụng đất và hướng dẫn về quy hoạch sử dụng đất của Tổ chức Nông - Lương Liên hợp quốc (FAO), GS-TSKH Đặng Hùng Võ một lần nữa khẳng định, việc quy hoạch sử dụng đất của Việt Nam phải được tích hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia.

“Dự thảo Luật Quy hoạch cần có quy định cụ thể hơn về quá trình thực hiện tích hợp các loại quy hoạch, trong đó có quy hoạch sử dụng đất vào phương án quy hoạch tích hợp thống nhất. Việc kết nối quy hoạch tích hợp là một công việc mới, nên do một ủy ban liên bộ thực hiện hoặc do hai bộ kết hợp đưa kịch bản phát triển lên từng khu vực đất đai cụ thể”, GS-TSKH Đặng Hùng Võ khuyến nghị.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư