Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Siết chặt địa bàn tiếp nhận lao động xuất khẩu
Hải Hà - 06/04/2017 19:37
 
Hàn Quốc vừa đưa ra yêu cầu Việt Nam phải tạm dừng tiếp nhận lao động tại những địa phương có tỷ lệ bỏ trốn cao, nếu muốntiếp tục ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc theo Chương trình EPS.

Yêu cầu khắt khe từ phía Hàn Quốc

109 quận/huyện (thuộc 12 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) có tỷ lệ cao người lao động hết hạn hợp đồng nhưng không về nước, mà cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, sẽ thuộc diện  xem xét tạm dừng tuyển chọn trong năm 2017. 

Đây là nội dung được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra trong công văn mới đây thông báo kỳ thi tiếng Hàn theo Chương trình EPS (cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc).

.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Đặng Sỹ Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, đây là yêu cầu bắt buộc và điều kiện tiên quyết phía Hàn Quốc đưa ra, nếu Việt Nam muốn tiếp tục ký  MOU.

Ông Dũng cho biết thêm, trước mắt, năm 2017 sẽ tạm dừng tuyển chọn lao động ở 58 quận/huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên. Tuy nhiên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề xuất với Hàn Quốc, vẫn sẽ tiếp nhận lao động thuộc Hà Tĩnh và Quảng Bình, 2 tỉnh bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển  năm 2016. 

Điều đáng nói, Việt Nam và Hàn Quốc vừa ký kết Bản MOU trở lại bình thường từ ngày 17/5/2016. Theo thỏa thuận của hai bên, tỷ lệ lao động bỏ trốn của năm trước sẽ là căn cứ cho việc ra chỉ tiêu tiếp nhận lao động Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc vào năm sau.

Thống kê từ Cục Quản lý Lao động ngoài nước, tính đến hết quý IV/2016, số lao động Việt Nam hết hợp đồng làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc là 16.100 lao động, chiếm 39% tổng số lao động đang làm việc tại nước này. Con số này khiến ông Dũng tỏ ra không mấy lạc quan khi nhận định về thị trường lao động Hàn Quốc năm 2018.

Những biện pháp mạnh tay

Hệ lụy từ lao động bỏ trốn không chỉ riêng Hàn Quốc, mà  thị trường trọng điểm của Việt Nam như Đài Loan cũng trong tình trạng tương tự với 12.000 lao động bỏ hợp đồng.

Nói về những biện pháp mạnh tay hơn để chấn chỉnh các thị trường, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, năm 2017, sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất, nhằm gia tăng hiệu quả giám sát.

“Công tác thanh, kiểm tra sẽ tập trung vào các doanh nghiệp có nhiều vụ việc khiếu nại, chậm trễ giải quyết khiếu nại và phát sinh của người lao động, quá trình giám sát phát hiện có dấu hiệu vi phạm về tuyển chọn, đào tạo, thu phí…”, ông Dung nói.

Bắt đầu từ năm 2017, phía Hàn Quốc cũng yêu cầu, trong kỳ thi sắp tới (từ 17/6 đến cuối tháng 9), thí sinh đăng ký nghề nào chỉ được thi nghề đó. Với ngành ngư nghiệp, chỉ tuyển lao động có kinh nghiệm ngư trường và sống ở ven biển.

“Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã giao cho Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HLD) trực tiếp ra đề, phát đề, chấm bài. Cục Quản lý Lao động ngoài nước chỉ có nhiệm vụ hỗ trợ HLD. Không tổ chức, cá nhân nào có thể tác động vào quy trình kiểm tra  của HLD”, ông Dũng nói.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đang đặt kỳ vọng vào việc thí điểm ký quỹ với người lao động đã thực hiện từ năm 2013. Theo đó, người lao động sẽ phải cân nhắc giữa việc mất 100 triệu đồng tiền ký quỹ, hay tiếp tục ở lại làm việc bất hợp pháp.

Làm gì để giữ vững thị trường xuất khẩu lao động
Trước những thông tin gây bất lợi có thể ảnh hưởng tới các thị trường xuất khẩu lao động, thông điệp được Bộ Lao động - Thương binh và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư