Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Siêu tàu container Triple-e 18.000 TEU cập cảng Quốc tế Cái Mép
Anh Minh - 20/02/2017 15:02
 
Chuyến tàu mẹ Margrethe Maersk 18.000 Teus vừa cập Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) là tàu công-te-nơ lớn nhất từng cập cảng Việt Nam từ trước đến nay.
CMIT là cảng nước sâu duy nhất ở Việt Nam có khả năng xếp dỡ cho siêu tàu vận tải
CMIT là cảng nước sâu duy nhất ở Việt Nam có khả năng xếp dỡ cho siêu tàu vận tải

Ngày 20/2,  cảng CMIT (Cảng Quốc Tế Cái Mép) - liên doanh giữa Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Cảng Sài Gòn và APM Terminals đã tiếp nhận chuyến thử nghiệm tàu mẹ Margrethe Maersk trọng tải 194.000 tấn (DWT), tàu loại EEE của hãng tàu Maersk Line có sức chở lên đến trên 18.000 Teus. Đây là tàu chuyên tuyến dịch vụ Á-Âu do liên minh 2M khai thác.

Tàu Margrethe Maersk cập cảng là một dấu mốc quan trọng đối với CMIT và cả Việt Nam trong sứ mệnh trở thành trung tâm trung chuyển của khu vực phục vụ cho hàng hoá khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là hàng hoá xuất nhập khẩu tuyến thương mại châu Á và Bắc Âu.

Được biết, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam, cảng CMIT và hãng tàu Maersk Line cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan khác đã phối hợp chặt chẽ chưa từng có tiền lệ với nỗ lực đưa Cái Mép trở thành một trong số rất ít cảng khu vực Đông Nam Á có khả năng tiếp nhận tàu kích cỡ 18.000 Teus. Chính điều này đã mang đến cơ hội đặc biệt cho sự phát triển hơn nữa của Cái Mép.

Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) được thành lập ngày 26/01/2007 trên cơ sở liên doanh giữa Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) – doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam về vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải; Cảng Sài Gòn và APM Terminals – nhà khai thác cảng Công-ten-nơ hàng đầu thế giới của Đan Mạch. Đây là cảng công-ten-nơ nước sâu tại khu vực Cái Mép, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Với hệ thống cơ sở vật chất vận hành và khai thác cảng hiện đại, CMIT có thể cung cấp các dịch vụ chất lượng cao cho các hãng tàu và khách hàng với thời gian nhanh nhất, thông qua các tuyến vận chuyển quốc tế trực tiếp từ Việt Nam đến các thị trường lớn như Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ. Chính sách của CMIT là hoạt động kinh doanh hiệu quả, chú trọng vào vấn đề bảo vệ sức khoẻ và an toàn cho các bộ công nhân viên và cộng đồng địa phương.

Cảng CMIT là một trong 11 cảng biển của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và là cảng chủ lực tại khu vực Cái Mép – Thị Vải. Việc tiếp nhận chuyến thử nghiệm tàu mẹ Margrethe Maersk có sức chở lên đến trên 18.000 Teus đã đánh dấu sự thành công trong chiến lược tập trung phát triển các cảng trung chuyển quốc tế của Vinalines trong giai đoạn đến năm 2020, sau giai đoạn tái cơ cấu hết sức hiệu quả của doanh nghiệp.

Vinalines phấn đấu trở thành doanh nghiệp chủ đạo của nhà nước trong lĩnh vực khai thác cảng biển,vận tải biển và dịch vụ hàng hải của Việt Nam, nhà cung cấp các giải pháp tối ưu trong hoạt động logistics trên nền tảng cung ứng dịch vụ “door to door”, từng bước hình thành dịch vụ “chuỗi cung ứng toàn cầu/supply chain” với chất lượng tốt nhất.

Trước đó, vào tháng 3/2011, cảng CMIT đã lần đầu tiên tiếp nhận tàu container COLUMBA của Hãng vận tải biển CMA CGM có trọng tải 131.000 DWT, sức chở 11.388 TEU. Tháng 12/2011, tàu CMA-CGM Laperouse là một trong số ít con tàu lớn nhất thế giới lúc bấy giờ với trọng tải 157.092 tấn, dài 365,5m, rộng 51,2m, mớn nước thiết kế 15,5m, sức chở lên đến 14.000 TEU đã vào rời bến thành công.

Tháng 10/2015, tàu CSCL Star chiều dài 366m, bề rộng 51,2m, có trọng tải 156.000 tấn chở 14.074 TEU container cập cảng.

Tháng 10 và 11/2015, cảng tiếp tục đón tàu container trọng tải lên đến 160.000 tấn và 165.000 tấn. Sau những thành công này, bắt đầu từ tháng 10/2015, cảng CMIT tiếp tục được liên minh CKYHE lựa chọn để khai thác đội tàu cùng kích cỡ siêu lớn trên tuyến dịch vụ Á-Âu.

Trong năm 2016, cảng đã tiếp nhận 68 chuyến tàu có kích cỡ 150.000 tấn đến 165.000 tấn. Siêu tàu container Margrethe Maersk mà CMIT đón ngày hôm nay 20/2, đang trong hành trình chở hàng hóa từ châu Á đi châu Âu. Tàu container Margrethe Maersk sẽ lấy hàng của Việt Nam ở Cái Mép để chuyên chở thẳng đi châu Âu. Với chuyến đi thẳng như vậy, hàng hóa Việt Nam tiết kiệm được khoảng hơn 1 ngày đi đường với phí giảm khoảng 10% - 20% so với phải trung chuyển qua các nước khác.

Đầu tư 6.378 tỷ đồng nạo vét luồng Cái Mép - Thị Vải cho tàu trên 100.000 DWT
Dự án nạo vét, cải tạo tuyến luồng Cái Mép – Thị Vải cho tàu trên 100.000 DWT theo hình thức PPP nếu được thông qua sẽ hoàn thành, đưa vào khai...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư