Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Síp: Nguy cơ khủng hoảng ngân hàng vẫn hiện hữu
- 27/03/2013 14:22
 
Chính phủ Síp ngày 26/3 khẳng định cần những nỗ lực "phi thường" để đưa hệ thống ngân hàng hoạt động trở lại vào đúng thời điểm cam kết (28/3).
TIN LIÊN QUAN

Trong bối cảnh làn sóng biểu tình gia tăng do lo ngại gói cứu trợ quốc tế trị giá 10 tỷ euro dành cho Cộng hòa Síp chưa thể chấm dứt được khủng hoảng cũng như cứu hệ thống tài chính nước này thoát khỏi nguy cơ sụp đổ.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Síp, ông Panicos Demetriades, việc trì hoãn mở cửa hệ thống ngân hàng là nhằm hoàn tất các biện pháp kiểm soát vốn và tái cơ cấu các định chế tài chính. Tuy nhiên, ông cho rằng Chính phủ cần phải nỗ lực hết sức để thực hiện cam kết mở cửa trở lại các ngân hàng vào đúng ngày 28/3, vì mỗi ngày hệ thống ngân hàng đóng cửa là mỗi ngày người dân mất lòng tin vào chính phủ, đặc biệt sau 11 ngày ngân hàng ngừng hoạt động, nhiều gia đình và doanh nghiệp Síp đã rơi vào tình trạng khốn đốn do thiếu tiền mặt.

Trước đó, hàng trăm nhân viên ngân hàng cùng hàng nghìn sinh viên đã tuần hành tới Dinh tổng thống và tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Nicosia, phản đối gói cứu trợ mà "bộ ba" chủ nợ (gồm Liên minh châu Âu - EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dành cho đảo quốc bị tê liệt tài chính này.

Những người biểu tình cho rằng thỏa thuận cứu trợ trên sẽ không thể chấm dứt được những khó khăn đối với người dân, vốn đang sống trong nỗi lo mất việc làm với tương lai kinh tế ảm đảm do chính sách khắc khổ.

Những quan ngại xung quanh khả năng hệ thống ngân hàng có thể hoạt động trở lại đúng thời điểm cam kết hay không càng gia tăng khi Chủ tịch Ngân hàng Síp, hiện nắm giữ 1/3 lượng tiền gửi ở quốc đảo này, bất ngờ xin từ chức do lo ngại về tác động của gói cứu trợ ngân hàng.

Mặc dù ban giám đốc ngân hàng số một này bác bỏ đơn từ chức, song theo nguồn tin nội bộ, một quan chức hành chính đã được chỉ định để giám sát kế hoạch cơ cấu hệ thống tài chính theo điều kiện của các chủ nợ.

Người dân Síp cho rằng thỏa thuận cứu trợ trị giá 10 tỷ euro giúp nước này ngăn chặn tình trạng vỡ nợ, song những người gửi số tiền lớn tại hai ngân hàng lớn nhất của Síp sẽ mất phần lớn khoản tiết kiệm của mình.

Trong khi đó, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch ngày 26/3 tuyên bố hãng này đã đặt Síp vào diện theo dõi hạ bậc tín nhiệm, do cho rằng kế hoạch cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ tác động xấu đến nền kinh tế và khu vực tài chính công, bất chấp gói cứu trợ vừa đạt được với các định chế nước ngoài.

Hiện Fitch vẫn đặt mức xếp hạng tín nhiệm của Síp là B, chỉ trên nguy cơ vỡ nợ hai bậc, tuy nhiên, Fitch cho rằng dù gói cứu trợ 10 tỷ euro giúp Síp thoát khỏi khả năng vỡ nợ, song không có gì đảm bảo rằng Ngân hàng Síp lớn nhất nước này sẽ được cơ cấu một cách hoàn hảo, và Ngân hàng Nhân dân (Laiki) lớn thứ hai sẽ không bị đóng cửa.

Các nhà phân tích lo ngại rằng việc cơ cấu hệ thống ngân hàng theo qui mô nhỏ dần và "sự tháo chạy" của các khoản tiền gửi từ người Nga, hiện đang có tổng giá trị tài sản ở Síp ước tính lên đến 20 tỷ euro, sẽ càng đẩy hệ thống tài chính vốn chồng chất khó khăn của nước này vào tình trạng nguy hiểm.

Fitch cho biết sẽ đưa ra quyết định cụ thể khi gói cứu trợ dành cho Síp xuất hiện những yếu tố rõ ràng hơn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư