Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
“Sờ gáy” 3 dự án ethanol của PVN
Thanh Hương - 08/10/2014 09:40
 
Thanh tra Chính phủ vừa công bố quyết định thanh tra toàn diện 3 dự án nhiên liệu sinh học tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với thời gian làm việc là 50 ngày.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Bộ Công thương nhắc nhở PVN dùng hàng nội
Bình Phước: Xây nhà máy ethanol ngàn tỷ rồi đắp chiếu
Các "con" nhà PVN nếm trái đắng dự án ethanol

Quyết định trên đã được công bố tại PVN tuần trước với sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Công thương. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN cho hay, những dự án nhiên liệu sinh học này đa phần do các doanh nghiệp thành viên, chứ không phải do PVN trực tiếp đầu tư.

  ethanol, PVN  
  Khả quan nhất trong 3 dự án là Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất, song hiệu quả hoạt động cũng rất thấp. Ảnh: T.H  

“Đắng lòng” các dự án ethanol

Dẫu PVN không trực tiếp đầu tư các dự án này mà giao cho các đơn vị trực thuộc cùng các đối tác ngoài ngành góp vốn, thành lập 3 công ty cổ phần để đầu tư 3 dự án sản xuất ethanol nhiên liệu sinh học, nhưng số vốn của các đơn vị thành viên của PVN tại các dự án này là không nhỏ.

Trước đó, từ đầu năm 2008, PVN đã chỉ đạo các đơn vị gồm Tổng công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (Petrosetco), Công ty Chế biến và Kinh doanh sản phẩm dầu mỏ (sau sáp nhập thành Tổng công ty Dầu Việt Nam - PV Oil), Công ty Dung dịch khoan và Hóa chất Dầu khí (DMC) nghiên cứu khả năng đầu tư các dự án sản xuất nhiên liệu ethanol sinh học tại 3 vùng, miền trong cả nước.

PVN cũng đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học do Chủ tịch HĐQT PVN làm Trưởng ban và ban hành Kế hoạch, chương trình triển khai các dự án nhiên liệu sinh học của PVN đến năm 2015.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, PVN đã ban hành Nghị quyết số 4370/NQ_DKVN ngày 16/6/2009 cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu thực hiện gói thầu EPC tại các dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Dung Quất.

Ở thời điểm tháng 7/2014, theo đánh giá của PVN, Dự án Nhiên liệu sinh học Phú Thọ đang trong giai đoạn xây dựng, với tiến độ tổng thể đạt 78% và vẫn đang dừng thi công, hệ thống thiết bị, máy móc lắp đặt dở dang, đội ngũ thi công của nhà thầu đã rút và chỉ duy trì bảo vệ để bảo quản máy móc, thiết bị.

Báo cáo của PVN cho biết, Tổng thầu EPC tại dự án này là Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC) chưa có kinh nghiệm quản lý thi công dự án tương tự và gặp khó khăn về tài chính, nên đã dừng thi công. PV Oil chỉ giữ 39% vốn điều lệ, không chi phối, nên không quyết định được các vấn đề của dự án. “Việc dừng thi công trong thời gian dài ảnh hưởng tới tình trạng, chất lượng vật tư, thiết bị trên công trường, đồng thời chất lượng bảo hành trang thiết bị đã hết”, báo cáo của PVN viết.

Trong khi đó, Dự án Nhiên liệu sinh học Bình Phước dù đã được bàn giao và đưa vào vận hành thương mại từ quý II/2013, nhưng do không tiêu thụ được sản phẩm trong nước, nên Nhà máy đã dừng sản xuất.

Các cổ đông góp vốn tại dự án này là Itochu (Nhật Bản) và Công ty Licogi 16 không kỳ vọng nhiều vào tương lai của Dự án, nên đã kiên quyết rút vốn và đề nghị PVN/PV Oil mua lại phần vốn góp.

Tới nay, Dự án đã được Itochu chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho TTNE, một công ty con của Toyo Thái Lan và đơn vị này đã cho Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông (OBF) vay 750.000 USD để duy trì hoạt động từ tháng 4/2014.

Theo tính toán của PVN, việc Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước ngừng hoạt động sẽ dẫn lại khoản lỗ khoảng 270 tỷ đồng/năm, trong đó có 120 tỷ đồng lãi vay, 90 tỷ đồng khấu hao và 60 tỷ đồng chi phí duy trì nhà máy.

Khả quan hơn cả là Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất. Tại thời điểm tháng 7/2014, theo đánh giá của PVN, tuy đã hoàn thành nghiệm thu, bàn giao 35/36 hạng mục của nhà máy (trừ hạng mục xử lý nước thải), nhưng công tác khắc phục chất lượng nước thải tại phân xưởng xử lý nước thải vẫn chưa đạt yêu cầu khi chạy trên 65%. Sản lượng tiêu thụ cầm chừng, nên hiệu quả kinh doanh của nhà máy thấp.

Năm 2013, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất sản xuất được hơn 27.000 lít ethanol, nhưng chỉ tiêu thụ trong nước được khoảng 10%; còn lại xuất khẩu, với hiệu quả rất thấp. Trong 9 tháng đầu năm 2014, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất đã cung cấp cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hơn 315.714 lít ethanol biến tính đạt chất lượng để pha chế ra xăng RON 92 E5. Nhưng so với công suất 100 triệu lít ethanol/năm, thì có thể thấy, hiệu quả của nhà máy nhiên liệu sinh học này chưa được phát huy nhiều.

Thị trường không trong tầm tay

Nguyên nhân khiến các dự án nhiên liệu sinh học của PVN không phát huy hiệu quả như mong đợi có phần do sự bị động trong tiêu thụ mặt hàng này. Mặc dù có những đơn vị phân phối xăng dầu, như PV Oil, nhưng việc chỉ tiêu thụ được lượng ethanol thấp cũng cho thấy, thị phần trên thị trường xăng dầu của PVN còn rất nhỏ bé.

Dẫu vậy, vẫn có thể kỳ vọng rằng, lộ trình sử dụng xăng sinh học được phổ cập từ tháng 12/2014 tại 7 tỉnh, thành phố trong cả nước với sự vào cuộc của tất cả các đầu mối kinh doanh xăng dầu trong cả nước sẽ giúp tiêu thụ ethanol tăng mạnh.

Một yếu tố khác tác động không nhỏ tới hiệu quả của các dự án nhiên liệu sinh học là nguyên liệu đầu vào. Theo PVN, báo cáo khả thi dự báo rằng, giá nguyên liệu trung bình cả đời Dự án là khoảng 1.800 đồng/kg và giá thành sản phẩm là 10.000 đồng/lít. Tuy nhiên, năm 2012 - 2013, giá sắn lên tới 5.000 đồng/kg, trong khi giá bán ethanol chỉ đạt 13.000 đồng/lít, khiến các nhà máy phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng sản xuất, bởi chi phí nguyên liệu chiếm tới 60% giá thành ethanol. Đó là chưa kể, việc thu mua sắn cũng đang phải cạnh tranh với các ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến tinh bột.

Nguyên nhân nữa là sự yếu kém trong việc triển khai dự án từ phía chủ đầu tư và nhà thầu thi công.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, Báo cáo của PVN cũng thừa nhận, các tổng thầu EPC còn thiếu kinh nghiệm triển khai dự án loại này, không kiểm soát được chi phí, nên không thực hiện được đúng bản chất hợp đồng EPC. Trong quá trình thiết kế, chế tạo một số hạng mục thiết bị chưa tính toán đúng, đủ công suất làm kéo dài thời gian thực hiện, phải tiến hành cải hoán, nên cũng góp phần kéo dài thời gian triển khai và làm tăng tổng mức đầu tư của dự án. Ngoài ra, chủ đầu tư còn thiếu năng lực trong quản lý, giám sát và phối hợp triển khai dự án, dẫn tới chậm và phát sinh các chi phí trực tiếp, gián tiếp.

Được biết, tổng quy mô vốn đầu tư của 3 dự án nhiên liệu sinh học khi được phê duyệt chưa tới 1.500 tỷ đồng/dự án, thuộc dự án nhóm B. Tuy nhiên, hiện tại, quy mô của Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất đã tăng lên khoảng 2.000 tỷ đồng.

Với những thực tế như vậy, xem ra, Thanh tra Chính phủ sẽ có nhiều việc để làm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư