Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Sở hữu đa thương hiệu - Không chỉ là phép cộng
Thanh Huyền - 21/04/2018 08:24
 
Sở hữu đa thương hiệu là chiến lược đã giúp nhiều tên tuổi lớn làm nên thành công. Nhưng tận dụng chuỗi địa điểm để bán chung sản phẩm của các thương hiệu khác nhau có phải là cách làm hay?

Vài năm trở lại đây, thương hiệu thời trang Zara đã tạo ra cơn sốt trong giới trẻ trên toàn thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Đối với giới kinh doanh, câu chuyện thành công của Zara và vị tỷ phú người Tây Ban Nha Amancio Ortega, nhà sáng lập, kiêm Chủ tịch Inditex - tập đoàn sở hữu thương hiệu Zara, cũng là nguồn cảm hứng tạo động lực cho không ít doanh nhân.

doanh nhân Nguyễn Văn Mết ngồi ở vị trí CEO.
Doanh nhân Nguyễn Văn Mết ngồi ở vị trí CEO.

Từ một cửa hàng mang tên Zara đầu tiên mở cửa vào năm 1975, khoảng 10 năm sau đó, ông Amancio Ortega đã thành lập Tập đoàn Inditex với tham vọng sáng lập thêm nhiều thương hiệu khác. Giờ đây, cùng với Zara, các thương hiệu thời trang khác thuộc Inditex, như Massimo Dutti, Zara Home, Kiddy’s Class, Tempe, Stradivarious, Pull and Bear và Bershka, đều là các thương hiệu đình đám và đều được Inditex xây dựng chiến lược phát triển riêng

Theo đó, mỗi cửa hàng thời trang chỉ trưng bày những sản phẩm riêng của từng thương hiệu, đi kèm với phong cách thiết kế sản phẩm và cách bài trí khác nhau.

Việc phát triển đa thương hiệu cũng được các thương hiệu thời trang Việt Nam học hỏi và gặt hái thành công. Nếu An Phước đã sớm sản xuất và phân phối sản phẩm thời trang thương hiệu cao cấp Pierre Cardin, thì Việt Tiến cũng có Sanciaro dành cho giới doanh nhân thành đạt.

Có thể thấy, chiến lược đa thương hiệu khá hiệu quả trong lĩnh vực thời trang, nhưng đối với ngành F&B (thực phẩm và đồ uống) thì sao? Câu chuyện của một doanh nghiệp gia đình sau đây là một bài toán không dễ trả lời.

Doanh nghiệp này sản xuất và kinh doanh cà phê đã 20 năm, sở hữu thương hiệu Cao Nguyên Cafe nổi tiếng  và một chuỗi cửa hàng có vị trí đắc địa bậc nhất với nhiều dòng sản phầm đa dạng như cà phê xay, cà phê bột, cà phê đóng gói, pha sẵn...

Trên đà phát triển, Cao Nguyên Cafe đã chớp thời cơ mua lại một thương hiệu ẩm thực nổi tiếng khác cũng có chuỗi cửa hàng đắc địa nhất nhì trên cả nước mang tên Phở Kinh Kỳ. Đó là một thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) đình đám của 2 thương hiệu nổi tiếng với 2 chuỗi cửa hàng “vàng”.

Mặc dù thương vụ diễn ra tốt đẹp, các cổ đông cùng Hội đồng Quản trị (HĐQT) hết sức hài lòng, nhưng đã có mâu thuẫn phát sinh giữa CEO và các thành viên HĐQT khi bàn chiến lược khai thác thương hiệu và chuỗi cửa hàng Phở Kinh kỳ.

Các thành viên HĐQT muốn trộn lẫn các chuỗi cửa hàng có vị trí đắc địa của Phở Kinh Kỳ và Cao Nguyên để mở rộng kinh doanh bằng cách đưa đồng bộ các sản phẩm Cao Nguyên Cafe vào bán trong chuỗi Phở Kinh Kỳ.

Tuy nhiên, CEO kiên quyết phản đối ý tưởng này và cho rằng, cần phải giữ nguyên và phát triển hai hệ thống độc lập, bởi mua thêm thương hiệu là để phát triển hơn nữa, thậm chí sau này có thể bán đi với giá trị cao hơn. “Nếu gộp lại với nhau sẽ làm lẫn lộn ý niệm thương hiệu. Kinh nghiệm nhiều vụ M&A đã cho thấy, nếu sở hữu hai hệ thống riêng biệt thì không sao, nhưng cứ gộp vào là sẽ thất bại”, CEO lập luận.

Trong khi đó, các thành viên HĐQT vẫn một mực cho rằng, với vốn đầu tư bỏ ra khá lớn, không lý gì mà không cộng lực cả vị trí và thương hiệu thông qua việc tích hợp hai thương hiệu vào với nhau. “Mua xong mà để đó, không tận dụng chuỗi địa điểm đắt giá của thương hiệu Phở Kinh Kỳ là quá lãng phí. Việc Công ty đồng ý mua thương hiệu Phở Kinh Kỳ cũng một phần là do cùng trong ngành ẩm thực với thương hiệu vốn có”.

CEO đã phải “xuống nước” khi đưa ra gợi ý, có thể mang cà phê pha sẵn vào chuỗi cửa hàng phở để làm đồ uống phục vụ khách hàng sau khi ăn, nhưng ý kiến này vẫn không thuyết phục hoàn toàn được các thành viên HĐQT.

Cuộc tranh luận “bất phân thắng bại” bởi những lý lẽ của mỗi bên đưa ra đều thuyết phục. Để xử lý tình huống này, ông Nguyễn Văn Mết, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại và phân phối thực phẩm MET (MET Foods) sẽ là người chơi ngồi ở vị trí CEO trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công với chủ đề “Doanh nghiệp gia đình - Bài toán đa thương hiệu”. CEO Nguyễn Văn Mết cũng là nhân vật xuất hiện trong chuyên mục Gương mặt doanh nhân kỳ này của Báo Đầu tư.n

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của Novaland, PwC Việt Nam, Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam (VEFC).

Chương trình CEO - Chìa khóa thành công được phát sóng vào lúc 10h sáng Chủ nhật (22/4) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (23/4) trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.

Quý doanh nghiệp, doanh nhân có thể xem thông tin chi tiết về chương trình tại fanpage: www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme. Các chương trình lên sóng đều được phát online trên kênh CEOTVNEXT của Youtube.
Nguyễn Thùy Linh Cát, CEO Công ty Thời trang Nguyên Sa: “Lớp áo” mới của phụ nữ hiện đại
Sau gần 4 năm, cái tên Nguyễn Thùy Linh Cát dường như “mất tích” trong cộng đồng khởi nghiệp, dù chuỗi cửa hàng thời trang nam của Công ty Thời...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư