Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới 9 tháng tăng 19% so với cùng kỳ
Kỳ Thành - 05/10/2016 08:36
 
Tăng trưởng kinh tế tiếp tục đà phục hồi và phát triển, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký tăng mạnh là một trong các thông tin nổi bật trong Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2016 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố.

1. Tăng trưởng kinh tế tiếp tục đà phục hồi và phát triển

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, việc triển khai đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư công, khắc phục hậu quả của thiên tai,... tăng trưởng GDP Quý III đã đạt tốc độ khá là 6,4%, cao hơn Quý I tăng 5,48% và Quý II tăng 5,78%. Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP ước tăng 5,93%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm trước (6,63%), nhưng đã cải thiện nhiều hon so với 6 tháng đầu năm (5,52%).

Tăng trưởng khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản từ mức sụt giảm (-) 0,18% trong 6 tháng đầu năm đã tăng trưởng trở lại 0,65% (cùng kỳ tăng 2,08%). Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,5% (cùng kỳ tăng 9,72%), trong đó đáng chú ý là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành xây dựng đều đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, lần lượt là 11,2% và 9,1% (cùng kỳ tăng lần lượt là 10,1% và 9%). Khu vực dịch vụ tăng 6,66%, cao hơn cùng kỳ (tăng 6,1%).

2. Về phát triển các ngành, lĩnh vực

Nhờ những nỗ lực của toàn ngành và các địa phương trong việc đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp đã có chuyển biến tích cực trong Quý III. Tính chung 9 tháng, giá trị sản xuất ước tăng 0,7%, trong đó nông nghiệp tăng 0,1%, lâm nghiệp tăng 6,3%, thuỷ sản tăng 1,9%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,4%, thấp hơn mức tăng 9,9% cùng kỳ, chủ yếu do ngành khai khoáng giảm mạnh (9 tháng giảm (-) 4,1%). Tuy nhiên, các ngành công nghiệp khác vẫn phát triển tốt, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng đạt 10,4%, cao hơn cùng kỳ năm trước, tiếp tục là trụ đỡ quan trọng trong nền kinh tế.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm tăng 9,5%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,7%. Tổng lượng khách quốc tế 9 tháng ước đạt 7,27 triệu lượt khách, tăng 25,7% (cùng kỳ giảm 5,6%). 

3. Lạm phát 9 tháng đầu năm được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,54% so với tháng trước, tăng 3,14% so với tháng 12/2015 và tăng 3,34% so với cùng kỳ. CPI bình quân 9 tháng tăng 2,07% so với cùng kỳ.

4. Về xuất nhập khẩu: Trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 128,2 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ; nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 10,2%. Tổng kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt 125,4 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ yếu tố giá (giá nhập khẩu bình quân giảm 7,13%), tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu 9 tháng vẫn đạt khá, tăng 9,1% so với cùng kỳ. Trong 9 tháng đầu năm, cả nước xuất siêu 2,165 tỷ USD, chiếm 2,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.

5. Thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng diễn biến tích cực. Đến ngày 20/9/2016, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 10,46% so với cuối năm 2015. Thanh khoản của hệ thống được đảm bảo. Mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ổn định, một số tổ chức tín dụng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại hối nhà nước tăng. Thị trường vàng diễn biến ổn định và tự điều tiết tốt.

6. Về thu chi ngân sách nhà nước: Trong 9 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 70,8% dự toán (cùng kỳ đạt 74,9%); tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 68,4% dự toán.

7. Về đầu tư phát triển: Tổng vốn đầu tư xã hội 9 tháng ước đạt 33,1% GDP và tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực hơn so với trước thời điểm ban hành Nghị quyết 60 của Chính phủ, 9 tháng đầu năm giải ngân đạt 56,6% kế hoạch, tăng 20% so với 7 tháng đầu năm 2016. Vốn FDI tiếp tục tăng trưởng tích cực; tổng vốn đăng ký trong 9 tháng đầu năm ước đạt 16,43 tỷ USD, thực hiện ước đạt 11,02 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giải ngân 9 tháng đạt khoảng 2,685 tỷ USD, bằng 81,4% cùng kỳ.

8. Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Trong 9 tháng đầu năm, có 81.451 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 19,2% so với cùng kỳ. Trung bình mỗi tháng có 9.050 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (cùng kỳ năm trước là 7.594 doanh nghiệp). Tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết với số vốn đăng ký hơn 629.000 tỷ đồng, số vốn đăng ký đã tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

9. Về lao động, việc làm và an sinh xã hội: Ước thực hiện 9 tháng đầu năm cả nước tạo việc làm cho khoảng 1,195 triệu lao động, trong đó: tạo việc làm trong nước cho 1,107 triệu lao động, đạt 73,8% kế hoạch; đưa 88.049 lao động đi làm việc tại nước ngoài, đạt 88% kế hoạch.

Lĩnh vực an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được quan tâm. Các chính sách giảm nghèo tiếp tục được triển khai. Ngày 29/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1880/QĐ-TTg quy định định mức bổi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển.

Tăng trưởng GDP quý IV khả quan hơn
Trước những diễn biến khá thuận lợi của quý III, đặc biệt là số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng mạnh,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư