Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Soi cổ phiếu “tân binh” ngành phân phối điện tử
Chí Tín - 28/06/2013 13:12
 
Đã lâu, thị trường chứng khoán không có thêm gương mặt mới nào. Vì thế, sự xuất hiện của “tân binh” PSD đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.
TIN LIÊN QUAN

Theo kế hoạch, cổ phiếu PSD của Công ty cổ phần Dịch vụ phân phối tổng hợp Dầu khí (PSD) chính thức chào sàn ngày 28/6. Dự kiến, PSD sẽ niêm yết 14.222.700 cổ phiếu.

PSD đang phân phối điện thoại Samsung. Ảnh: Đức Thanh

PSD là đơn vị thành viên của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (Petrosetco) – đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

PSD được thành lập từ năm 2007, với nhiệm vụ trọng yếu là nhà phân phối điện thoại di động Nokia. Hiện nay, PSD đã chuyển sang phân phối điện thoại Samsung và nhiều nhãn hàng công nghệ khác.

Các nhãn hàng công nghệ đang được PSD phân phối tại thị trường Việt Nam gồm: điện thoại di động Samsung; các thương hiệu máy tính HP, Dell, Acer, eMachines, Fujitsu và Lenovo; các thương hiệu linh kiện Kingston, AMD, Asus, Huawei, Sandisk, Elixir, Adata, Genius, Samsung, 3M và ZyXEL.

Số lượng đại lý của PSD đã tăng từ con số 288 khi mới thành lập (năm 2007) lên hơn 1.600 hiện nay, thông qua 11 chi nhánh trên toàn quốc.

Tổng tài sản của PSD tại thời điểm 31/12/2012 là hơn 1.828 tỷ đồng, trong đó tuyệt đại đa số là tài sản ngắn hạn (tài sản ngắn hạn chiếm hơn 1.820 tỷ đồng, trong khi tài sản dài hạn của Công ty chỉ chưa đầy 8 tỷ đồng).

Đến cuối quý I/2013, tổng tài sản của Công ty đã tăng lên chút ít, đạt gần 1.900 tỷ đồng. Tổng tài sản của PSD tăng lên chủ yếu do hàng tồn kho tại thời điểm cuối quý I/2013 đã tăng khá mạnh so với thời điểm cuối 2012 (từ hơn 617 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2012, lên hơn 785 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý I/2013).

Cuối năm 2012, vốn điều lệ của PSD là 120 tỷ đồng, trong khi nguồn vốn chủ sở hữu là hơn 147 tỷ đồng. Trong quý I/2013, Công ty đã tăng vốn điều lệ lên hơn 142 tỷ đồng thông qua phát hành thêm cổ phần cho cán bộ, công nhân viên. Động thái này cộng với khoản lợi nhuận chưa phân phối được giữ lại đã giúp vốn chủ sở hữu tăng lên mức gần 234 tỷ đồng.

Năm 2012, Công ty đạt lợi nhuận sau thuế hơn 101 tỷ đồng. Với kết quả lợi nhuận này, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu đạt tới 8.424 đồng.

Trong quý I/2013, PSD vẫn duy trì được mức lợi nhuận khá tốt, với con số lợi nhuận sau thuế đạt hơn 31 tỷ đồng. Theo đó, mặc dù vốn điều lệ trong quý I/2013 đã tăng từ 120 tỷ đồng lên trên 142 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trong quý I vẫn đạt trên 2.000 đồng/cổ phiếu.

Nợ của PSD chủ yếu là nợ ngắn hạn, với số dư nợ ngắn hạn tại thời điểm cuối năm 2012 và cuối quý I/2013 xấp xỉ nhau, ở mức hơn 1.660 tỷ đồng. Trong đó, số tiền PSD vay ngắn hạn tại các ngân hàng thương mại chiếm hơn 870 tỷ đồng. Cụ thể, vay của Vietcombank gần 92 tỷ đồng, vay của Indovina Vietnam hơn 215 tỷ đồng, vay của HSBC Vietnam hơn 250 tỷ đồng, vay của ANZ Vietnam hơn 292 tỷ đồng và hơn 20 tỷ đồng vay của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng.

Về tình hình kinh doanh của PSD, đây là một công ty chuyên phân phối các sản phẩm công nghệ, nên sử dụng khá nhiều ngoại tệ, đặc biệt là USD và euro. Do vậy, doanh nghiệp này chịu ảnh hưởng khá lớn về các rủi ro liên quan đến tỷ giá.

Từ giữa năm 2012, PSD đã chuyển từ phân phối điện thoại Nokia sang điện thoại Samsung. Hiện nay, Samsung đã có nhà máy ở Việt Nam và giao dịch giữa Samsung và PSD đã chuyển sang dùng nội tệ nhiều, nên đã giảm nhẹ rủi ro tỷ giá. Tuy nhiên, rủi ro tỷ giá vẫn hiện hữu, bởi Samsung vẫn nhập khẩu và phân phối nhiều loại linh kiện điện tử khác.

Xét về mức độ ảnh hưởng của doanh nghiệp trên thị trường, PSD hiện đứng ở vị trí thứ 115 trong tổng số 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam theo VNR 500.

Hiện tại, cổ phiếu PSD chủ yếu được nắm giữ bởi cổ đông trong nước (cổ đông nước ngoài chỉ nắm 3,8% cổ phần công ty này). Trong số các cổ đông trong nước, riêng Petrosetco nắm giữ tới 79,87% cổ phần.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư