Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Sớm ban hành Luật Quy hoạch để chấm dứt quy hoạch treo, quy hoạch chồng chéo
Mạnh Bôn - 25/10/2017 18:11
 
Phát biểu tại Hội trường sáng nay khi Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Quy hoạch, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu không sớm ban hành Luật Quy hoạch thì sẽ không chấm dứt được tình trạng quy hoạch treo, quy hoạch chồng chéo và gặp nhiều khó khăn trong thực hiện Chiến lược Phát triển Kinh tế - xã hội thời gian tới.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, thực tế đã có những trường hợp do quy hoạch chồng lấn mà việc thu hút đầu tư gặp vướng mắc. Bà Thịnh dẫn chứng một nhà đầu tư nước ngoài được cấp giấy phép đầu tư dự án khu du lịch nghỉ dưỡng ở một tỉnh miền Trung, nhưng trước đó, khu đất này đã được quy hoạch khai thác khoáng sản và giao cho chủ đầu tư khác thực hiện.

Do không triển khai được dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, nhà đầu tư này đã khởi kiện, đòi bồi thường với lý việc khai thác khoáng sản phá hỏng khu du lịch, mất lợi nhuận tiềm năng của họ. Đây chỉ là một trong những trường hợp vướng mắc diễn ra trên thực tế thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội do sự chồng lấn quy hoạch.

Quy định pháp lý liên quan đến quy hoạch trong hệ thống pháp luật hiện nay chồng chéo, mâu thuẫn. Vì vậy, theo Đại biểu Võ Đình Tín, cần phải sớm hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về hoạt động quy hoạch, tạo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương.

“Việc ban hành Luật Quy hoạch là hết sức cần thiết. Chỉ có Luật Quy hoạch chung, thống nhất mới giải quyết được sự chồng chéo trong quy hoạch giữa các ngành, lĩnh vực như hiện nay”, ông Tín phát biểu.

Theo ông Tín, việc tích hợp các ngành, lĩnh vực vào trong quy hoạch tổng thể quốc gia theo Luật Quy hoạch tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai quy hoạch có hệ thống, đồng bộ và hiệu quả; chấm dứt tình trạng mỗi bộ, ngành, địa phương phê duyệt quá nhiều quy hoạch dẫn đến chồng lấn, không thống nhất, chồng chéo và không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện là nguyên nhân của tình trạng xung đột mang tính liên ngành.

“Thực tế cho thấy, xung đột giữa các địa phương, bộ, ngành khiến nhiều quy hoạch không thực hiện được, gây lãng phí nguồn lực của đất nước, làm giảm hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch”, ông Tín nói thêm.

“Tôi rất mong Quốc hội sớm thông qua Luật Quy hoạch để chuẩn bị cho Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030”, Đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ mong mỏi.

Không những thế, ông Cường còn đề nghị Chính phủ cần sớm có chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương các khâu chuẩn bị, rà soát và lập các quy hoạch ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch chứ không nên chờ đến khi luật có hiệu lực mới thực hiện.

“Nếu không tích cực, khẩn trương lập các quy hoạch hiện chưa có, tôi rất e ngại rằng, khi thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, các quy hoạch cũ hết hiệu lực, nhưng quy hoạch mới lại chưa được lập. Quy hoạch nếu được xây dựng kịp thời thì tự nó sẽ tạo nguồn lực phát triển, ngược lại sẽ tạo ra một sự lãng phí rất ghê gớm”, ông Cường nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân cũng đề nghị Quốc hội xem xét sớm thông qua Luật Quy hoạch. “Cử tri đang trông chờ Luật Quy hoạch và họ cũng kiến nghị Quốc hội sớm thông qua”, ông Xuân phát biểu.

“Quy trình, thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư cho nhân dân trong vùng dự án ở nhiều nơi rất khó xử lý do có sự không thống nhất giữa Luật Đất đai, Luật Xây dựng và quy hoạch của các bộ, ngành. Không chỉ chính quyền địa phương mà nhân dân rất trông chờ Quốc hội sớm thông qua Luật Quy hoạch để xử lý nhiều vấn đề bất cập, chồng chéo trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư trong vùng quy hoạch”, ông Xuân phát biểu.

Tinh thần chung thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Quy hoạch là hầu hết các đại biểu Quốc hội đồng tình với việc sớm thông qua Luật Quy hoạch.

Liên quan đến việc triển khai Luật Quy hoạch, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần phải sửa tới 49 luật, pháp lệnh, trong đó sửa ngay trong Luật Quy hoạch 21 luật, 3 luật đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và 2018. Còn lại 25 luật được sửa đổi theo hướng xây dựng một luật sửa nhiều luật hoặc xây dựng nhiều luật trong đó mỗi luật sửa một nhóm luật có liên quan với nhau.

“Tôi đồng tình quan điểm xây dựng một luật sửa 25 luật. Nếu chia nhóm thì phải xây dựng nhiều luật để sửa 25 luật này, như vậy không đảm bảo tính khả thi của chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Số luật tăng lên thì đầu mối, trình tự, thủ tục tăng lên và kéo dài thời gian, khó bảo đảm để Luật Quy hoạch có thể đi vào cuộc sống đúng quy định”, ông Bùi Văn Xuyền, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình kiến nghị.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, một trong những khó khăn khi triển khai Luật Quy hoạch còn là việc tích hợp các quy hoạch.

“Tích hợp quy hoạch ở Việt Nam là vấn đề rất mới, rất phức tạp. Muốn làm được điều này, vấn đề cốt lõi là phải áp dụng công nghệ tiên tiến và đội ngũ chuyên gia đa ngành có đủ năng lực. Chỉ có như vậy mới giải quyết được bài toán xung đột lợi ích địa phương, bộ, ngành trong quy hoạch ngành, quy hoạch vùng”, ông Xuyền nhấn mạnh.

“Đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức lập quy hoạch tổng thể quốc gia theo phương pháp tích hợp nên chắc chắn sẽ còn có vấn đề khó, thách thức trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Do vậy, cần phải đẩy mạnh các ứng dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin để làm sao phương pháp quy hoạch tích hợp được xây dựng thống nhất, công khai, minh bạch đồng thời phải đạt chất lượng tốt nhất với thời gian nhanh nhất”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ quan điểm đồng ý với ý kiến của ông Bùi Văn Xuyền.

Biết rằng lập quy hoạch tổng thể quốc gia theo phương pháp tích hợp rất phức tạp, nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thì dù khó khăn, dù phức tạp vẫn phải thực hiện bằng được.

“Kinh nghiệm quốc tế và thực tế ở nước ta đã cho thấy, không thể ngành nọ, bộ kia tách rời nhau để lập từng quy hoạch riêng mà phải có sự tích hợp lại để có sự thống nhất, tránh xung đột, tránh mâu thuẫn và phát huy được tối đa các lợi ích, lợi thế của các ngành, các địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Không còn chỗ cho tiếng nói ngược chiều, lạc lõng về Luật Quy hoạch
Sẽ không còn chỗ cho những tiếng nói ngược chiều về Dự án Luật Quy hoạch, bởi tại phiên họp thường kỳ Chính phủ mới đây, Thủ tướng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư