Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Sơn Hà tung nước cờ táo bạo
Chí Tín - 07/10/2015 08:46
 
Đại hội đồng cổ đông bất thường Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà (mã SHI, sàn HOSE) vừa thông qua kế hoạch huy động 200 tỷ đồng để đầu tư 3 nhà máy mới. Động thái này cho thấy đại gia thép không gỉ đang tung nước cờ đầy táo bạo nhằm hiện thực hóa những tham vọng mới.
Mục tiêu đến cuối năm 2016, Sơn Hà sẽ đứng đầu về thị phần tại tất cả các mặt hàng chủ lực 	ảnh: đ.t
Mục tiêu đến cuối năm 2016, Sơn Hà sẽ đứng đầu về thị phần tại tất cả các mặt hàng chủ lực. Ảnh: Đ.T

Việc huy động 200 tỷ đồng sẽ được Sơn Hà thực hiện thông qua phát hành trái phiếu kèm chứng quyền. Theo đó, mỗi trái phiếu phát hành kèm một chứng quyền và tổng số chứng quyền có khả năng chuyển đổi thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành thêm. Các chứng quyền sẽ được coi là chứng khoán hoàn toàn độc lập với các trái phiếu ngay sau khi phát hành.

Dự kiến, số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu sẽ được Sơn Hà sử dụng đầu tư 2 nhà máy trong nước và một nhà máy ở nước ngoài, gồm: 140 tỷ đồng dành cho xây dựng nhà máy phía Bắc, 40 tỷ đồng xây dựng nhà máy ở Nghệ An và 20 tỷ đồng góp vốn xây dựng nhà máy ở Myanmar.

Trong các nhà máy sắp xây dựng, số tiền đầu tư 140 tỷ đồng xây nhà máy phía Bắc chủ yếu phục vụ việc di dời và nâng cấp nhà máy hiện tại của Sơn Hà. Lý do là, cơ sở sản xuất hiện tại đã quá tải, không thể đáp ứng kế hoạch sản xuất - kinh doanh của Công ty trong thời gian tới.

Với nhà máy tại Nghệ An, Sơn Hà đặt kỳ vọng, đây sẽ là cơ sở sản xuất chủ lực cho kế hoạch mở rộng thị trường tiêu thụ tại khu vực Bắc Trung Bộ, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình.

Riêng với nhà máy tại Myanmar, kỳ vọng chính mà Sơn Hà đang nhắm là đón đầu cơ hội khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức hình thành từ cuối năm 2015. Trong khi đó, Myanmar là một thị trường có tính chất khá giống Việt Nam trong giai đoạn trước đây. Các sản phẩm tương tự những dòng sản phẩm mà Sơn Hà đã có chỗ đứng tại thị trường Việt Nam cũng có thể có cơ hội tại thị trường Myanmar.

Trong kế hoạch đầu tư được đưa ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên hồi đầu năm 2015, Sơn Hà từng có ý định rót tới 110 tỷ đồng xây dựng nhà máy tại Myanmar, nhưng kế hoạch này được thay đổi với khoản đầu tư khá khiêm tốn là 20 tỷ đồng. Lý do của thay đổi này là HĐQT Sơn Hà đã cân nhắc lại kế hoạch đầu tư và đề xuất phương án phân kỳ đầu tư thành nhiều giai đoạn nhằm giảm thiểu rủi ro.

Cùng với kế hoạch xây dựng đồng thời 3 nhà máy mới, đại diện Sơn Hà cũng không giấu giếm những mục tiêu đầy tham vọng trong thời gian tới. Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Sơn Hà cho biết, mục tiêu đến cuối năm 2016, Sơn Hà sẽ đứng đầu về thị phần tại tất cả các mặt hàng chủ lực mà Sơn Hà đang kinh doanh. Dự kiến, khi cả 3 nhà máy đi vào hoạt động, trong 5 năm tới, doanh thu ước tính của Sơn Hà sẽ đạt khoảng 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận ước đạt 5% so với doanh thu.

Trong khi đó, chiến lược của Sơn Hà cũng đã hình thành khá rõ ràng khi các hoạt động trọng tâm của công ty này hướng trở lại ngành nghề cốt lõi là các mặt hàng thép không gỉ. Hiện tại, các doanh nghiệp ngành thép không gỉ, trong đó có Sơn Hà, có lợi thế khá lớn về nguồn nguyên liệu. Năm 2014, sản lượng toàn cầu của thép không gỉ ở mức cao chưa từng có là 41 triệu tấn, tăng 7,6% so với mức 37,3 triệu tấn năm 2013. Dự báo năm 2015 sản lượng tiếp tục tăng khoảng 4,9%, lên 43 triệu tấn.

Trong chiến lược thị trường, Sơn Hà đang có xu hướng mở rộng đối tượng khách hàng từ bình dân đến cao cấp, thay vì chỉ tập trung vào đối tượng khách hàng trung lưu như trước kia. Trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2016, công ty này sẽ tung ra thị trường 4 sản phẩm chính với các tính năng và đối tượng tiêu dùng khác nhau.

Nấc thang mới của Sơn Hà
Sự thành công của thương hiệu Sơn Hà khi lần đầu tiên góp mặt trong Top 10 thương hiệu tiêu biểu nhất của Giải thưởng Sao Vàng đất Việt năm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư