Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Sông Đà 10 đi lên từ công trình thủy điện
Sơn Thắng - 01/09/2015 09:05
 
Đi lên từ các công trình thủy điện, Công ty cổ phần Sông Đà 10 đang từng bước khẳng định tên tuổi trong lĩnh vực xây dựng công trình ngầm trong nước.

Dấu ấn từ các công trình thủy điện

Tiền thân của Sông Đà 10 đã gắn liền với thủy điện và cả các công trình ngầm, với tên gọi là Công trường Khoan phun xi măng trực thuộc Công ty Xây dựng thủy điện Thác Bà. Đầu năm 1979, Công trường Đường hầm và khoan phun xi măng được thành lập trực thuộc Công ty Xây dựng thủy điện Sông Đà và đến ngày 5/9/1979 được đổi thành Xí nghiệp Xây dựng đường hầm.

Bước ngoặt quan trọng của đơn vị chính là thời điểm năm 1981, Xí nghiệp Xây dựng đường hầm được chuyển đổi thành Công ty Xây dựng công trình ngầm, thuộc Tổng công ty Xây dựng thủy điện Sông Đà. Đến năm 2002, Công ty được đổi tên thành Công ty Xây dựng Sông Đà 10 và sau đó được chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Với bề dày kinh nghiệm cùng sự hỗ trợ tích cực của chủ đầu tư, Sông Đà 10 đã hoàn thành tuyến hầm Cổ Mã vượt tiến độ gần 4 tháng
Với bề dày kinh nghiệm cùng sự hỗ trợ tích cực của chủ đầu tư, Sông Đà 10 đã hoàn thành tuyến hầm Cổ Mã vượt tiến độ gần 4 tháng

 

Trong quá trình hoạt động, Sông Đà 10 đã tham gia thi công xây dựng các hạng mục công trình ngầm, khoan nổ mặt bằng và hố móng công trình, khoan phun gia cố và xử lý nền móng... tại các công trình xây dựng lớn, như Nhà máy Thủy điện Hòa Bình công suất 1.920 MW, Nhà máy Thủy điện Yaly công suất 720 MW, Nhà máy Thủy điện Sông Hinh công suất 66 MW, Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân chiều dài 6,7 km, đường Hồ Chí Minh và nhiều công trình khác.

Trong giai đoạn phát triển, Công ty đã có những bước đột phá to lớn về công nghệ và kỹ thuật khi tiến hành đầu tư đồng bộ hàng loạt máy móc, thiết bị thi công hiện đại, được chế tạo bởi các hãng nổi tiếng của các nước G7, như Atlas Copco, Volvo - Thụy Điển; TamRock - Phần Lan, Caterpillar - Mỹ. Đặc biệt, trong quá trình thi công Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, Công ty đã áp dụng thành công công nghệ đào hầm theo phương pháp NATM của Áo lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam.

Trong những năm gần đây, Sông Đà 10 vượt qua mọi khó khăn nhờ sự quyết đoán và linh hoạt của bộ máy lãnh đạo. Công ty đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ như: đảm bảo hoàn thành các hạng mục thi công các công trình thủy điện Sơn La, Nậm Chiến, An Khê (Gia Lai), Xêkamản 3 (Lào) Sử Pán (Lào Cai), Đắc Min (Quảng Nam), Đồng Nai 4, Đắc Rinh (Quảng Nam). Các công trình đều đảm bảo chất lượng và hoàn thành vượt mức tiến độ, bàn giao kịp thời cho chủ đầu tư đưa vào sử dụng.

Các chỉ tiêu kinh tế của Công ty hàng năm đều được hoàn thành, luôn giữ vững tốc độ tăng trưởng và phát triển bền vững. Doanh thu hàng năm được nâng lên rõ rệt và mức lợi nhuận năm sau đều cao hơn năm trước. Thu nhập của người lao động trong Công ty hàng năm đều được nâng lên, uy tín và thương hiệu trên thị trường chứng khoán luôn được giữ vững.

Sông Đà 10 là đơn vị luôn đi đầu trong công tác đổi mới công nghệ và ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ mới đi vào quá trình sản xuất. Công ty đã làm chủ được các công nghệ thi công xây dựng công trình ngầm tiên tiến trên thế giới. Điều đó đưa Sông Đà 10 trở thành đơn vị hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực thi công xây dựng công trình thủy điện của đất nước, chiếm 65% thị phần trong lĩnh vực này…

Đỉnh cao là các dự án hầm đường bộ

Với kinh nghiệm khi thi công hầm đường bộ Hải Vân với các chuyên gia Nhật Bản kết hợp với việc thi công nhiều tuyến đường hầm dẫn nước của các dự án thủy điện trên khắp cả nước, Sông Đà 10 được giao trọng trách là một trong những nhà thầu chính thi công Hầm đường bộ Đèo Cả - dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia tại miền Trung.

Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả là một trong những công trình hầm phức tạp, đòi hỏi đơn vị thi công, ngoài chuyên môn, kỹ thuật cao, còn phải có kinh nghiệm trong thi công hầm. Sông Đà 10 với bề dày kinh nghiệm thi công hầm Hải Vân cùng với các chuyên gia Nhật Bản đã được Bộ Giao thông - Vận tải cùng chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả giao trọng trách thi công tuyến hầm Cổ Mã dài 500 m và 1/2 tuyến hầm phía Nam hầm Đèo Cả dài hơn 2,5 km.

Với kinh nghiệm cùng sự hỗ trợ tích cực của chủ đầu tư, Sông Đà 10 đã hoàn thành tuyến hầm Cổ Mã vượt tiến độ gần 4 tháng. Tuyến hầm Đèo Cả đạt tiến độ khả quan, bình quân mỗi ngày đạt gần 1,5 m khoan hầm. Chuẩn mực này chỉ có đơn vị thi công quốc tế mới làm được. Chính điều này đã mang lại thành công ngoài mong đợi đối với tiến độ Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả, góp phần giúp chủ đầu tư khánh thành giai đoạn I của Dự án trong cuối tháng 9 tới.

Gần đây nhất, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, khi đến thăm Dự án, đã dành những lời tốt đẹp nhất dành cho cán bộ, kỹ sư công trình. Phó thủ tướng nhấn mạnh, điều mà Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả mang lại cho đất nước chính là đào tạo được một thế hệ kỹ sư trẻ chuyên về các dự án hầm cho đất nước và bây giờ Việt Nam có thể làm được những việc mà trước đây phải thuê nước ngoài.

Lời của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải là sự đúc kết về đóng góp lớn nhất mà Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả mang lại cho thế hệ kỹ sư Việt Nam, giúp Việt Nam tự tin hơn khi đảm nhận những công trình lớn, mà trước đây khi mới lập kế hoạch, người ta nghĩ chỉ có nhà đầu tư quốc tế mới đảm nhận được.

Ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả nhìn nhận, các nhà thầu trong nước, trong đó có Sông Đà 10, nhờ vào bề dày kinh nghiệm, đã tiếp thu kỹ thuật thi công, cũng như cách vận hành rất nhanh từ các đơn vị tư vấn quốc tế. Bên cạnh đó, tính cách ham học hỏi và ý chí kiên cường của người Việt Nam là yếu tố quan trọng giúp Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả vượt qua những khó khăn và tiến về phía trước.

Ông Trần Văn Tấn, Tổng giám đốc Sông Đà 10 tự tin rằng, sau khi Dự án Hầm Đèo Cả hoàn thành và tiếp đến là các dự án hầm khác như hầm Cù Mông hay Hải Vân 2, nếu được chủ đầu tư tin tưởng giao trọng trách, Sông Đà 10 sẽ hoàn thành một cách tốt nhất dự án theo đúng sự mong đợi của Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải.

“Các công trình hầm có độ khó cao đòi hỏi Sông Đà 10 không ngừng học hỏi, cập nhật khoa học - công nghệ tiên tiến nhất để đưa vào thi công đạt chất lượng cao”, ông Tấn nói và khẳng định, sau những dự án này, Sông Đà 10 tự tin bước ra thương trường quốc tế và có thể đảm nhận những dự án có độ phức tạp hơn nhiều.

Đầu tư thủy điện: Giải bài toán “được và mất”
Đầu tư thủy điện đã và đang là đề tài được đem ra mổ xẻ, với nhiều ý kiến trái chiều, chung quy vẫn là bài toán cân đối lợi ích và thiệt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư