Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Sóng M&A chờ gió cổ phần hóa
Hữu Tuấn - 06/08/2014 13:38
 
Làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) thứ hai tại Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào thành công của tiến trình cổ phần hóa hàng loạt doanh nghiệp nhà nước trong tương lai gần.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Đối tác chiến lược của Vinatex: Sẽ có yếu tố nước ngoài
Điều chuyển Phó tổng MobiFone làm Giám đốc Vinaphone
Hé mở lộ trình "lột xác" MobiFone
Công ty mẹ - Vietnam Airlines có giá trị 2,74 tỷ USD
Vietnam Airlines có giá bao nhiêu?

Theo Tạp chí Financial Times, giá trị của các thương vụ M&A trên toàn thế giới trong 6 tháng đầu năm 2014 đã tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái, chạm mốc 1.750 tỷ USD - con số cao nhất kể từ năm 2007 đến nay.

Còn tại Việt Nam, năm 2009, quy mô thị trường đạt mốc 1 tỷ USD và đến năm 2012 đạt kỷ lục mới, với mức 5 tỷ USD. Thị trường M&A Việt Nam đã tiến một bước tiến dài với sự bùng phát của làn sóng thứ nhất trong giai đoạn 2009-2012.

  Làn sóng M&A thứ hai ở Việt Nam: Sóng M&A chờ gió cổ phần hóa  
 

Trong số các đại gia tiến hành IPO cuối năm nay, Vietnam Airlines là cái tên đáng chú ý nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài

 

Giới chuyên môn nhận định, thị trường M&A Việt Nam hứa hẹn sẽ có cuộc thay đổi lớn về chất và lượng các thương vụ trong “làn sóng thứ hai” từ năm 2014 đến 2018. Trong đó, nhân tố giúp hình thành làn sóng thứ hai này sẽ đến từ các thương vụ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước lớn.

Đón chờ những thương vụ “khủng”

“Nguồn hàng” được cả thị trường M&A trong và ngoài nước mong chờ đến từ việc cổ phần hóa và bán thêm phần vốn nhà nước của hàng loạt “đại gia” là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Đó là những cái tên như Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Công ty TNHH một thành viên Thông tin di động VMS (MobiFone), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas), Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)…

Và nếu làn sóng M&A thứ hai giai đoạn 2014-2018 ước đạt 20 tỷ USD, thì chỉ riêng nhóm “đại gia” này đã mang lại cho Nhà nước ngót 5 tỷ USD.

Ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty AVM Vietnam cho rằng, nếu những thương vụ lựa chọn đối tác chiến lược của 7 tập đoàn, công ty lớn thành công, thì sẽ đem về cho Nhà nước 4,79 tỷ USD trong giai đoạn tới. Tất nhiên, để các thương vụ thành công, sẽ còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng điều này cho thấy, thị trường M&A rất tiềm năng và cơ hội từ cổ phần hóa rất lớn.

Đối với Vietnam Airlines, theo thông tin công bố, với vốn điều lệ dự kiến là 14.100 tỷ đồng cùng giá khởi điểm 22.300 đồng/cổ phần, thì giá trị tạm tính của Vietnam Airlines là 31.400 tỷ đồng, tương đương 1,49 tỷ USD. Vietnam Airlines dự kiến phát hành 20% cổ phần, tương đương 282 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược song song với kế hoạch chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng  (IPO). Để trở thành đối tác chiến lược của Vietnam Airlines, nhà đầu tư sẽ phải chi ra ít nhất là 6.300 tỷ đồng, tương đương 300 triệu USD.

MobiFone dứt áo ra đi, VNPT khó ở? MobiFone dứt áo ra đi, VNPT khó ở?

Cái tên “nóng” tiếp theo trong năm 2014 là MobiFone. Doanh nghiệp này vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định tách khỏi Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), thành lập tổng công ty và tiến hành cổ phần hóa. Nếu MobiFone (có giá trị 74.800 tỷ đồng, tương đương 3,4 tỷ USD) được phép bán 25% cho đối tác chiến lược, thì chủ sở hữu nhà nước tại MobiFone sẽ có một khoản là 18.700 tỷ đồng (850 triệu USD).

Ngoài ra, Sabeco được định giá khoảng 24.967 tỷ đồng, hứa hẹn đem về 7.490 tỷ đồng (340 triệu USD) nếu bán 30% cổ phần cho đối tác chiến lược; PV Gas, với giá trị 206.555 tỷ đồng (9,38 tỷ USD), nếu bán 20% cho đối tác chiến lược, thì sẽ thu về 41.311 tỷ đồng (1,8 tỷ USD); Vinamilk có giá trị 105.846 tỷ đồng (4,8 tỷ USD), nếu Nhà nước thoái vốn 25%, thì sẽ thu về 26.462 tỷ đồng (1,2 tỷ USD).

Cũng phải kể đến BIDV trị giá 41.000 tỷ đồng (1,8 tỷ USD), với số tiền thu được nếu bán 30% cho đối tác chiến lược là 12.300 tỷ đồng (560 triệu USD); Vinatex giá trị khoảng 5.500 tỷ đồng (250 triệu USD), với số tiền thu được nếu bán 24% cho đối tác chiến lược là 1.320 tỷ đồng (60 triệu USD).

Khảo sát của Nhóm Nghiên cứu MAF về việc doanh nghiệp nào hấp dẫn nhất đối với nhà đầu tư cho thấy, trong số các doanh nghiệp lớn đang chờ cổ phần hóa và chọn đối tác chiến lược tại Việt Nam, MobiFone, với thương hiệu, thị phần và lĩnh vực tiềm năng, đã được lựa chọn xếp vị trí số một, với 43,5%, xếp thứ hai là PV Gas và Sabeco. Danh sách không gồm Vinamilk như trong giả định nghiên cứu, nhưng nhiều nhà đầu tư cho rằng, nếu Vinamilk được đưa vào danh sách thì sẽ đứng đầu bảng.

Nhà đầu tư nước ngoài có hứng thú?

Thời gian qua, các quỹ đầu tư nước ngoài đã khá tích cực tham gia mua lại cổ phần của các doanh nghiệp. Đến nay, các doanh nghiệp như Vinamilk, Công ty cổ phần Tập đoàn FPT, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, Công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE, Công ty cổ phần Kinh Đô… đều đã hết room dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, dòng tiền ngoại có thể đang đặt kỳ vọng vào việc IPO của Vietnam Airlines, Vinatex, MobiFone... sắp tới.

Thủ tướng chính thức quyết định số phận MobiFone Thủ tướng chính thức quyết định số phận MobiFone

VinaCapital, quỹ đầu tư “kết duyên” với nhiều tập đoàn, tổng công ty tại Việt Nam, mới đây đã có các báo cáo đánh giá về cơ hội đầu tư vào cổ phần hóa sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 15/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. VinaCapital cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài chờ đón cơ hội mới từ việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bởi cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp lớn trên sàn như Vinamilk và FPT đã hết “room” cho họ.

Và trong bản danh sách mà VinaCapital thường nhắc đến khi giới thiệu về cơ hội đầu tư vào tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam, đã xuất hiện nhiều cái tên như: Vietnam Airlines, Vinatex, MobiFone, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Công ty TNHH một thành viên Lọc hoá dầu Bình Sơn, Công ty TNHH một thành viên Phân bón dầu khí Cà Mau, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam…

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành, kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư của VinaCapital cho biết, VinaCapital mong muốn đầu tư vào các doanh nghiệp cổ phần hóa chất lượng tốt, cung cấp đầy đủ thông tin và ở một mức giá chào hợp lý. VinaCapital vẫn đang đánh giá các cơ hội đầu tư và chưa thể nói trước được điều gì, nhưng chính sách đầu tư lâu dài của VinaCapital là sẽ tập trung vào những doanh nghiệp tốt thuộc những ngành nghề cốt lõi và tiềm năng, cung cấp đầy đủ thông tin và có mức giá chào bán hợp lý.

Theo ông Masakata “Sam” Yoshida, Giám đốc điều hành Recof, hầu hết các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ những ngành quan trọng và chiếm thị phần lớn trên thị trường nội địa của Việt Nam. Vì vậy, cổ phần hóa các doanh nghiệp này sẽ là cơ hội cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài bước sâu vào thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp Nhật Bản đang rất quan tâm đến các thương vụ M&A từ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Hiện các doanh nghiệp chuẩn bị cổ phần hóa đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư. MobiFone đang được các “ông lớn” viễn thông “dạm hỏi” để trở thành đối tác chiến lược như MobiFone Orange France Telecom (OFT), Orascom Telecom Holding (Ai Cập) và Etisalat (Ả Rập Saudi)… Sabeco cũng là cái tên được nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Sab Miller, Kirin Brewery Company Ltd, Asia Pacific Breweries Ltd và Asahi Breweries Limited đặc biệt quan tâm.

Vì sao Vinatex lùi thời điểm IPO? Vì sao Vinatex lùi thời điểm IPO?

Ngoài ra, Vinatex nhận được sự quan tâm, tìm hiểu và ngỏ ý muốn trở thành đối tác chiến lược của khoảng 20 doanh nghiệp hàng đầu trong ngành dệt may trên thế giới, chưa kể các quỹ đầu tư và các doanh nghiệp ngoài ngành. Vietnam Airlines và BIDV cũng được nhiều đối tác chiến lược nước ngoài dòm ngó...

Tín hiệu khả quan từ tiến trình cổ phần hóa

Cùng với sự quan tâm đặc biệt của khối ngoại đối với việc mua lại cổ phần của doanh nghiệp nhà nước, thông tin về việc tiến trình cổ phần hóa đang có những chuyển biến lạc quan là một động lực để tin tưởng rằng, thị trường M&A trong làn sóng thứ hai sẽ thực sự sôi động.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, tính đến ngày 20/6, đã có 58 doanh nghiệp được sắp xếp, trong đó cổ phần hóa 38 doanh nghiệp, giải thể 2 doanh nghiệp, sáp nhập 15 doanh nghiệp và đề nghị phá sản 3 doanh nghiệp. Đến nay, đã có 297 doanh nghiệp nhà nước thành lập ban chỉ đạo cổ phần hóa, 159 doanh nghiệp đang tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp, 67 đơn vị đã có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp, 38 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa, 31 doanh nghiệp đã IPO.

Bộ Tài chính đánh giá, tiến độ này là sự chuyển biến đáng kể so với các năm gần đây. Dự tính đến cuối năm 2014, sẽ có khoảng 200 doanh nghiệp và cuối quý III/2015, toàn bộ các doanh nghiệp sẽ được phê duyệt phương án cổ phần hóa để tiến hành IPO.

Đại gia giao thông tấp nập lên chuyến tàu cổ phần hóa Đại gia giao thông tấp nập lên chuyến tàu cổ phần hóa

Theo chuyên gia Phạm Đức Trung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, điều đáng chú ý là, trong 5 tháng đầu năm 2014, mặc dù chỉ có 17 doanh nghiệp cổ phần hóa, nhưng có tới 13 tổng công ty nhà nước (thuộc Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Xây dựng), gần bằng số tổng công ty được cổ phần hóa trước đó (không tính ngân hàng thương mại nhà nước). Trong thời gian từ nay đến cuối năm 2014, chắc chắn có thêm nhiều tổng công ty, tập đoàn kinh tế quy mô lớn thực hiện kế hoạch IPO như Vinatex, Vietnam Airlines…, với giá trị cổ phần chào bán hàng ngàn tỷ đồng.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, thị trường Việt Nam đang trong giai đoạn hồi phục, nhưng chưa thể phát triển mạnh mẽ như giai đoạn trước, nên việc tiến hành cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước có thể tạo ra nguồn cung quá lớn cho thị trường.

Tuy nhiên, trong chỉ đạo của Chính phủ, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải có lộ trình, có kế hoạch, chứ không phải làm bằng mọi giá. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cho chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các bộ trưởng, rà soát lại các đề án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thuộc khối trung ương đã được phê duyệt từ giai đoạn đầu 2011-2015, chọn ra những doanh nghiệp có đủ điều kiện để cổ phần hóa.

Có thể thấy, các điều kiện tạo ra làn sóng M&A thứ hai đã đủ và chỉ chờ “gió đông” cổ phần hóa doanh nghiệp. Và chắc chắn. trong làn sóng thứ hai, các doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ tạo ra sự sôi động cho thị trường M&A.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư