Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Startup "đói" vốn: Cái khó ló cái khôn
Phương Hiền (VGPNews) - 23/09/2017 17:46
 
Một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp khởi nghiệp là tìm vốn kinh doanh. Bởi trong mắt các ngân hàng, không ít tài sản thế chấp của startup là “của lạ” kiểu “chim trời, cá nước”. Dẫu vậy, trong cái khó vẫn ló cái khôn...

Buổi tọa đàm mới nhất tại TPHCM giữa các nhà khởi nghiệp và những người cung ứng vốn cho thấy không ít người đi vay đành ngậm ngùi trước rào cản thế chấp.

Khi tài sản thế chấp là “chim trời, cá nước”

ngân hàng thương mại với hơn 20 năm kinh nghiệm cho vay nhưng cho đến nay, “lão làng” Sacombank cũng phải thừa nhận chưa từng có quy định cho vay riêng với doanh nghiệp khởi nghiệp (startups), mà vẫn ghép chung với quy chế cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Và sự vận dụng ấy đòi hỏi không ít tính linh hoạt, cũng như sự sáng tạo của nhà cho vay tùy theo từng trường hợp. Ví dụ với doanh nghiệp lớn, đã hoạt động lâu năm muốn vay vốn cần có báo cáo tài chính 3 năm liên tục – đã được kiểm toán. Còn startups tất nhiên sẽ không bị đòi hỏi những yêu cầu như vậy.

Theo ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc Sacombank, năm nào nhà băng này cũng dành ra hàng nghìn tỷ đồng cho vay SMEs (trong đó có startups). Tuy nhiên thực tế cho thấy con số tín dụng được cấp trên thực tế không được như mong đợi.

Riêng năm 2017 này, Sacombank cũng có gói cho vay 3.000 tỷ đồng dành cho SMEs, với ưu đãi lãi suất thấp hơn 2 điểm phần trăm so với những khoản vay thông thường khác. Tuy nhiên, tổng số giải ngân cho tới cuối tháng 8 này vẫn chưa tới 1.000 tỷ đồng. Nhìn một cách tổng quan hơn, khoảng 95% doanh nghiệp tại Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ thế nhưng trong số gần 100 nghìn khách hàng doanh nghiệp tại Sacombank, chỉ có hơn 83% là SMEs.

Trong số vô vàn lý do khiến doanh nghiệp không vay được vốn, có một lý do quan trọng xuất phát từ tài sản thế chấp. Vị Phó Tổng giám đốc trên cũng trần tình “ngân hàng có thể tài trợ tiền cho doanh nghiệp vay mua con giống chứ thật khó mà nhận thế chấp là gia cầm, gia súc hay tôm, cá”.

Trả lời nhà tư vấn MasterBrand (Mỹ) về việc liệu doanh nghiệp có được dùng tài sản trí tuệ đã đăng ký để thế chấp vay vốn, người đại diện ngân hàng cũng ngần ngại cho rằng “tài sản sở hữu trí tuệ trừu tượng quá, không cầm nắm sờ mó được, trong trường hợp xấu thì thanh lý vật thế chấp này sẽ rất khó”.

Ở một ngành kinh doanh “xắt ra miếng” khác là nuôi yến với giá bán hàng chục triệu đồng/kg thành phẩm, các startups cũng không khá hơn là bao khi bàn đến tài sản thế chấp với ngân hàng. Bởi một trong những tài sản đáng giá nhất là tổ yến thì “ngân hàng chưa nhận thế chấp bao giờ”, còn đàn yến cũng lại thuộc loại “chim trời, cá nước”!

“Cửa” tín chấp cũng “chật hẹp”

Từng bị quỹ đầu tư từ chối vì 500 nghìn USD là khoản đầu tư “chả bõ bèn”, bí bách vì không còn tài sản nào đủ lớn để thế chấp ngân hàng cho khoản vốn cần vay nhằm phát triển Trung tâm Triển lãm Yến sào Việt Nam, bà Đỗ Tú Quân - một trong những nhà sáng lập của Trung tâm trên - được gợi ý tìm đến “cửa” cho vay tín chấp ở ngân hàng, với lãi suất khoảng “mười mấy phần trăm”.

Thế nhưng, dự án từng đoạt giải thưởng về startup của Thụy Sĩ với bà chủ có 10 năm kinh nghiệm làm chủ một doanh nghiệp nuôi yến, chưa từng bị nợ xấu ngân hàng, dự kiến doanh thu 20 tỷ đồng và lãi 10 tỷ đồng mỗi năm cũng mới chỉ được “hứa” có thể vay tín chấp đến… 500 triệu đồng! Với một dự án có quy mô vốn 38 tỷ đồng và các nhà sáng lập đã huy động được 20 tỷ thì con số 500 triệu nghe có vẻ khá trớ trêu!

Và ngoài ra, dù không biết bao nhiêu startups có thể chịu nổi mức lãi suất “mười mấy phần trăm” kia, nhưng có lẽ con số ấy không nhiều. Bởi theo Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), mức lãi suất cho vay trung dài hạn hiện nay (khoảng 11%/năm theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước) cũng đã là quá cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp nói chung.

Thế nhưng “cái khó ló cái khôn”! Cỗ máy kinh tế thị trường với sức sáng tạo không ngừng luôn tạo ra những “sân chơi” mới để cả bên cần vốn lẫn bên có vốn sẽ gặp nhau ở đâu đó.

Tìm kênh gọi vốn mới

Bên cạnh thực tế là đa số những “nhà đầu tư thiên thần” đầu tiên của startups thường chỉ gồm gia đình và bạn bè thân thiết, ông Hoàng Đức Trung, giám đốc Quỹ DFJ của VinaCapital cũng cho hay “quỹ đầu tư luôn rộng cửa chào đón các dự án tiềm năng của doanh nghiệp khởi nghiệp”. Dù vậy, khác với ngân hàng - nơi thường rất chú ý xem xét tình hình tài chính - kinh doanh cả trong quá khứ lẫn hiện tại của startups, nhà quản lý quỹ DFJ lại cho hay “chúng tôi không hề đọc 80% kế hoạch kinh doanh của startups, chỉ cần có bản thuyết minh cụ thể về doanh nghiệp trong một vài trang”.

Và quyết định lớn nhất sẽ đến khi nhà quản lý quỹ tiếp xúc với startups. Ở đây, startups phải luôn cho quỹ đầu tư thấy những đề nghị hết sức cụ thể như: khoảng thời gian quỹ đồng hành cùng doanh nghiệp, lý do doanh nghiệp chọn quỹ, thời gian thực hiện đề án, lộ trình giải ngân vốn dựa trên KPI (hệ thống đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh), tỷ lệ cổ phần bán cho nhà đầu tư…

Và dù khẳng định “rất ít đầu tư vào những công ty chỉ có 1-2 nhân sự vì rủi ro rất cao!” nhưng nhà quản lý quỹ của VinaCapital cũng khuyến nghị nếu từng thất bại khi gọi vốn từ quỹ nào đó thì startups cũng không nên từ bỏ, thay vào đó, hãy mạnh dạn gửi lại những bản thuyết minh khác để “vá lỗi”, và rằng “vào thuở ban đầu, những tên tuổi lừng danh như Apple, Microsoft hay Facebook cũng đều như thế cả!”

Còn theo Ông Hồ Trọng Lai , đại diện Công ty tư vấn và Đầu tư Waterstone Partners (Mỹ), những startups thậm chí không có tiền để lập doanh nghiệp vẫn có thể gọi vốn với phương thức crowdfunding - tức gọi vốn từ cộng đồng. Đó có thể là bán trước sản phẩm/dịch vụ cho khách hàng để gom góp vốn đầu tư. Đổi lại, cộng đồng những người góp vốn sẽ được nhận một số quyền lợi nhất định trong dự án. Đó có thể là sản phẩm từ dự án, quyền mua sản phẩm với giá ưu đãi hoặc những quyền lợi đặc biệt khác…

Làm thế nào để có một ý tưởng startup tốt?
Ý tưởng tốt là nhằm giải quyết nỗi đau nào của xã hội, nhưng vẫn phải khả thi trong thực hiện, có khả năng tăng trưởng và dòng tiền nhanh
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư