Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Startup KagazkePhool - Đưa kỷ niệm của bạn vào hồi ký
 
“Nếu một nhà văn yêu bạn, bạn sẽ trở thành bất tử” (Mik Everette). Nhưng đấy chỉ là chuyện trước kia. Giờ đây, nếu bạn muốn mình trở thành nhân vật chính trong những trang truyện, qua lăng kính của một cây viết đầy đam mê, bạn không cần phải trở thành “người trong mộng” của một nhà văn nào cả. Một start-up có tên KagazkePhool là nơi sẽ giúp bạn “bất tử” bằng việc kể lại câu chuyện của chính bạn, miêu tả hết vẻ đẹp của bạn một cách chân thực, khiêm nhường mà đầy tinh tế.

Ý tưởng độc đáo này là của chàng trai 22 tuổi Namit Maheshwari ở Thủ đô Delhi (Ấn Độ). Namit kể lại, vào khoảng thời gian trước sinh nhật lần thứ 70 của bà nội anh, Namit đã nghĩ rất nhiều về việc phải làm một thứ gì đó thật đặc biệt cho bà. Cuối cùng anh nảy ra ý tưởng làm một cuốn sách mà trong đó chứa tất cả những thư từ của người thân, bạn bè từng gửi đến cho bà. Mọi người trong buổi tiệc sinh nhật hôm đó đều đã rớt nước mắt xúc động khi nhớ về những kỷ niệm được kể lại trong cuốn sách.

Vào cuối buổi, bà nội của Namit đã hôn lên trán anh, ôm anh trên sân khấu và nói rằng những lá thư trong cuốn sách đã tặng cho bà những điều mà ai cũng mong muốn có được trong cuộc đời họ: sự tôn trọng và thấu hiểu. Đêm đó, Namit đã lên ý tưởng sáng tạo KagazkePhool - một công ty chuyên viết những câu chuyện cuộc đời của mọi người, những điều đặc biệt và chỉ của riêng họ.

“Thông qua KagazkePhool, chúng tôi mong muốn làm sống lại sự thôi thúc trong lòng mỗi người để viết ra câu chuyện của họ, giải thích rõ ràng những giai thoại của họ trong từng chương, hồi tưởng lại chút khoảnh khắc đáng nhớ trong đời họ bằng cách viết thành một cuốn sách, chứ không phải chỉ là tóm tắt những trải nghiệm cuộc đời chỉ qua một vài cụm từ, một vài dòng status hay 140 ký tự”, người sáng lập, kiêm CEO của KagazkePhool nói.

Namit đặt tên cho ý tưởng của mình là “KagazkePhool - đưa kỷ niệm của bạn vào hồi ký”. KagazkePhool viết lại câu chuyện mà mọi người muốn chia sẻ, có thể là một câu chuyện về cha mẹ, bạn bè hoặc tình yêu. Những câu chuyện này không nhất thiết phải kéo dài cả nửa thế kỷ. Nó có thể chỉ là chuyện trong một giai đoạn đáng nhớ trong đời, trong một năm hoặc một thập kỷ.

“Khoảng cách thế hệ là một vấn đề phổ biến đối với giới trẻ ngày nay. Những đứa trẻ không thể hiểu được cha mẹ của chúng. Tôi tin chắc rằng, những cuốn tiểu sử gia đình sẽ mang đến một cách nhìn mới”, Namit Maheshwari nói.

Công ty được thành lập vào năm 2013, tại thời điểm Namit vẫn còn là sinh viên đại học. Anh đã tập hợp được một đội ngũ ban đầu gồm các cây bút trẻ, biên tập viên, nhà thiết kế theo một cách đơn giản nhất mà cũng hiệu quả nhất - đến các trường khác nhau ở Đại học Delhi và đưa lên tấm áp phích “Bạn luôn muốn trở thành một nhà văn? Đây là cơ hội để bạn viết một cuốn tiểu thuyết của riêng mình!”

Đội ngũ của Namit yêu cầu khách hàng của mình kể về những kỷ niệm, trải nghiệm đáng nhớ mà họ muốn đưa vào trong cuốn sách, sau đó giúp họ xâu chuỗi những sự kiện đó với nhau để tạo thành một câu chuyện xuyên suốt, thể hiện được những quãng đời quan trọng của họ. Nhóm biên tập sẽ tường thuật lại câu chuyện sao cho phù hợp với phong cách của người kể nhất.

Sau khi biên tập duyệt bản thảo, khách hàng sẽ được xem mẫu, đưa ra nhận xét để hai bên cùng chỉnh sửa một lần nữa trước khi cuốn sách chính thức được in ra. “Chúng tôi rất chú trọng tới việc kể lại sự thật thay vì lãng mạn hóa hay phóng đại các câu chuyện”, Namit giải thích và cho biết, cuốn sách cuối cùng sẽ được trao tới tay khách hàng trong một chiếc hộp gỗ xinh đẹp in nổi tên công ty.

Đội ngũ của Namit đã bứt phá ngay từ khi bắt đầu và thành công ngoài mong đợi chỉ sau 7 tháng đầu tiên vận hành. Cho đến nay, KagazkePhool đã tự xuất bản gần 60 cuốn sách, trong đó có cả những đơn đặt hàng từ nước ngoài. Doanh số ban đầu khá chậm, song họ có thể hoàn tất 8 đến 10 ấn phẩm trong một tháng, gấp 3 lần hiệu suất ở thời điểm bắt đầu. “Sau khi xây dựng được một cơ sở vững mạnh ở Delhi, giờ đây chúng tôi muốn mở rộng hoạt động đến các thành phố khác nữa ở Ấn Độ”, Namit cho biết.

Khởi nghiệp có đẹp như mơ?
Để phác thảo chân dung một người trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, người ta thường hình dung những gì?
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư