Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Startup Momo được rót thêm 28 triệu USD: Đổi thế trận ví điện tử
Công Sang - 16/06/2016 13:10
 
"Standard Chartered Private Equity (SCPE) và Ngân hàng Đầu tư toàn cầu Goldman Sachs vừa chính thức công bố khoản đầu tư 28 triệu USD vào ví điện tử MoMo do M_Service, thuộc Thiên Việt Securities, sở hữu. Khoản đầu tư trên nhằm tham vọng phổ cập các dịch vụ thanh toán phi tiền mặt, dịch vụ tài chính ngân hàng bán lẻ trên di động đến 80% người dân.

Định hình phân khúc dịch vụ

Năm 2007, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu cấp phép thí điểm dịch vụ thanh toán trung gian, khái niệm mới “ví điện tử” bắt đầu thịnh hành. Thời điểm đó chỉ có 9 đơn vị được cấp phép thí điểm gồm Mobivi, Payoo, VNPay, VinaPay, Smartlink, M_Service, VNPT EPay, Ngân Lượng và ECPay.

Đến cuối năm 2015, Ngân hàng Nhà nước mới chính thức cấp phép dịch vụ trung gian thanh toán cho các doanh nghiệp. Tính đến thời điểm này, đã có 16 đơn vị được cấp phép chính thức như BanknetVN, VNPay, Payoo, ECPay, Vimo, 123Pay, Momo… Mỗi đơn vị được phép cung cấp một hoặc nhiều dịch vụ trong thị trường trung gian thanh toán. Và cũng từ thời điểm này, thị trường bắt đầu sôi động hơn. Sau nhiều năm thí điểm dịch vụ, đến nay, các phân khúc đã định hình khá rõ ràng, mỗi đơn vị trung gian thanh toán đã dần định hướng nhóm đối tượng khách hàng cụ thể của họ với các đặc trưng và lợi thế riêng.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính trên nền tảng công nghệ (fintech) được dự báo sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính trên nền tảng công nghệ (fintech) được dự báo sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Như BanknetVN (tên mới là NAPAS) là đơn vị duy nhất được cấp phép cung cấp dịch vụ chuyển mạch và bù trừ điện tử. VNPay tập trung nhiều vào các dịch vụ ngân hàng. Payoo tập trung vào các dịch vụ thanh toán hóa đơn như điện, nước, điện thoại, truyền hình, Internet, thẻ tín dụng, bảo hiểm và mở rộng đa kênh, trong đó có các hệ thống bán lẻ… Mobivi với dịch vụ iCare cho phép khách hàng mua hàng trả góp; ECPay lại chọn hướng tập trung phát triển dịch vụ thanh toán hóa đơn tiền điện. MoMo với dịch vụ chuyển tiền và thanh toán trên di động nhằm tập trung cho các đối tượng khách hàng ở vùng nông thôn. Trong khi các ví như 123Pay, VTCPay, Baokim… nhắm đến phục vụ cho các sàn thương mại điện tử, kinh doanh nội dung số hoặc cộng đồng sử dụng dịch vụ game vốn là thế mạnh của từng công ty.

Sự đa dạng của nhà cung cấp, nền tảng hạ tầng, cơ sở pháp lý ngày càng hoàn thiện và người sử dụng cũng đã khá quen thuộc với các dịch vụ thanh toán điện tử đã đưa quy mô giao dịch trên thị trường hiện đã lớn hơn nhiều lần so với giai đoạn mới ra đời.

Thế trận “ví điện tử”

Các nhà kinh doanh dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng vì lĩnh vực thanh toán trung gian đang được hậu thuẫn của nhiều dịch vụ trực tuyến đang tăng trưởng nhanh tại Việt Nam. Điển hình là thương mại điện tử năm 2015 vượt doanh thu 4 tỷ USD và dự kiến đạt 10 tỷ USD năm 2020.

Theo thống kê của StoxPlus, tổng quy mô thị trường thanh toán hóa đơn đã vượt con số 6 tỷ USD hàng năm, hay quy mô thị trường cho vay tài chính tiêu dùng năm 2015 đã vượt 15 tỷ USD… Thị trường bán lẻ hiện đại tăng tốc là sự thuận lợi lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán.

Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch điều hành Momo cho biết, tổng giá trị giao dịch qua Momo đạt 150 triệu USD trong năm 2015, trong đó đến 40% là thanh toán cước viễn thông và nạp card điện thoại. Trong khi công bố của Ngân Lượng đạt tổng giá trị giao dịch 130 triệu USD, 123Pay xấp xỉ 50 triệu USD, VTCPay 90 triệu USD… trong năm 2015.

Tuy nhiên, lượng giao dịch “khủng” nhất  là Payoo. Ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng giám đốc VietUnion Payoo cho biết, tổng giá trị giao dịch qua hệ thống này đã vượt mức 1 tỷ USD/năm nhờ tập trung vào các dịch vụ thanh toán hóa đơn thiết yếu hàng tháng của các hộ gia đình trên cả nước. Dựa trên báo cáo tổng kết công tác thu hộ hàng năm của Tổng công ty Điện lực TP.HCM, riêng giao dịch tiền điện qua Payoo năm 2015 tăng đến 89% so với năm 2014.

Payoo là một trong những đơn vị đầu tiên nhận giấy phép thí điểm của NHNN và giấy phép chính thức từ tháng 11/2015 để cung cấp 4 dịch vụ chính gồm: dịch vụ ví điện tử; dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ; cổng thanh toán điện tử và dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử. Năm 2011, tập đoàn NTT Data (Nhật Bản) công bố đầu tư để nắm 40% cổ phần tại VietUnion (đơn vị sở hữu Payoo), thời điểm đó có vốn điều lệ 150 tỷ đồng.

Startup công nghệ: Lỗ nhiều định giá càng cao
Đối với nhiều công ty khởi nghiệp, quá trình lỗ có thể kéo dài cả chục năm. Đôi khi càng lỗ nhiều lại càng được định giá cao.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư