Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Startup Tiki có quá tham vọng khi chuyển mô hình kinh doanh?
Hồng Phúc - 14/03/2017 14:39
 
Công ty Tiki chuẩn bị chuyển từ mô hình thương mại điện tử B2C sang Marketplace. Liệu Tiki có đủ sức để cạnh tranh với các đại gia đi trước như Lazada.vn, Zalora.vn...?

Ưu việt của mô hình Marketplace

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể được chia thành 4 nhóm mô hình chính: B2B - doanh nghiệp với doanh nghiệp; C2C - khách hàng với khách hàng (như Chotot.vn, Sendo.vn, Shopee.vn); B2C - doanh nghiệp với khách hàng (như Tiki.vn, Adayroi.vn, Lotte.vn, vuivui.com); Marketplace (Lazada.vn, Zalora.vn).

Trong đó, thương mại điện tử Marketplace được ví như trung tâm thương mại, nơi cho thuê các không gian để doanh nghiệp mở gian hàng, trưng bày và bán sản phẩm. Nói cách khác, đây là một sàn giao dịch để kết nối bên bán và bên mua. Marketplace giúp công ty thương mại điện tử giảm đáng kể chi phí đầu tư kho bãi, mua hàng và quản lý tốt vốn lưu động. Hàng hóa, sau khi được đưa lên trang Marketplace, vẫn nằm tại kho và thuộc sở hữu của nhà cung cấp. Khi có đơn hàng từ khách hàng, công ty mới liên hệ nhà cung cấp để thực hiện các công đoạn đóng gói, giao hàng và thu tiền hộ nhà cung cấp.

Tốc độ và chất lượng giao hàng là yếu tố quan trọng quyết định sự thành b ại của doanh nghiệp thương mại điện tử (trong ảnh: giao hàng của Tiki). Ảnh: Lê Toàn
Tốc độ và chất lượng giao hàng là yếu tố quan trọng quyết định sự thành b ại của doanh nghiệp thương mại điện tử (trong ảnh: giao hàng của Tiki). Ảnh: Lê Toàn

Với Marketplace, công ty thương mại điện tử tận dụng được nguồn lực hiện có để xử lý đơn hàng và hoàn tất các dịch vụ hỗ trợ nhà cung cấp như vận hành, sản xuất hình ảnh, giao vận, chăm sóc khách hàng... Với việc rộng cửa mời gọi bên bán là các cá nhân tham gia, công ty thương mại điện tử liên tục đa dạng hóa nguồn hàng và chủng loại để giảm chi phí mua hàng và giá vốn hàng bán.

Dưới góc độ nhà cung cấp, mô hình Marketplace giúp họ quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm đến một lượng lớn khách hàng hiện có từ mô hình B2C, tăng vòng quay hàng tồn kho.

Khi tham gia Marketplace, bên bán được cung cấp những công cụ tùy biến cửa hàng trực tuyến của mình. Đồng thời, người bán hàng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước khách hàng về chất lượng sản phẩm do họ cung cấp. Đối với người mua, một sàn giao dịch chung đa dạng sản phẩm và cam kết đảm bảo thanh toán an toàn giúp họ an tâm hơn và thuận tiện hơn trong giao dịch.

Như vậy, về cơ bản, Marketplace là bước tiến hoàn chỉnh của mô hình B2C. Đó cũng là lý do để Tiki chọn phát triển theo hướng này.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Tiki cho biết, ngày 19/3/2017 - kỷ niệm 7 năm thành lập, Công ty sẽ chính thức ra mắt mô hình Marketplace và hướng đến việc giành thế thượng phong ở mô hình này trên thị trường.

Từ xuất phát điểm ban đầu là trang thương mại điện tử chuyên bán sách tiếng Anh trực tuyến, nhận thấy nhu cầu thị trường thay đổi, Tiki đã đa dạng hóa sản phẩm với hàng chục ngành hàng khác nhau, như thiết bị điện tử, thời trang, hàng tiêu dùng..., Đến nay, danh mục hàng hóa trên Tiki đã lên đến con số gần 300.000 sản phẩm từ 2.500 thương hiệu.

Ông Phan Tuấn Anh, Giám đốc Marketing của Tiki cho biết, Công ty khá tự tin với quyết định nâng cấp từ B2C sang thương mại điện tử Marketplace. Lý do là, Tiki đã giải được phần nào 2 bài toán của thương mại điện tử Việt Nam là niềm tin và giao hàng.

Về niềm tin, có 85% khách hàng hài lòng với chất lượng và dịch vụ của Tiki. Với 400.000 lượt khách mua hàng tại Tiki hàng tháng, tỷ lệ đổi trả hàng chỉ là 0,95%. Theo bức tranh toàn cảnh về loại hình thanh toán tại Việt Nam của DealToday, có 23% người tiêu dùng thanh toán qua thẻ và 77% thanh toán khi nhận hàng (COD). Trong khi đó, theo đại diện Tiki, tỷ lệ thanh toán qua thẻ của Tiki đã đạt 34% và phương thức COD chiếm 66%.

“Mục tiêu của chúng tôi là hướng đến việc người tiêu dùng có nhiều trải nghiệm hơn. Nhưng điều quan trọng hơn là người tiêu dùng mua được sản phẩm chất lượng tốt với giá tốt”, bà Đoàn Đỗ Ngọc Thi, quản lý truyền thông và thương hiệu của Tiki chia sẻ.

Thách thức khi chuyển từ B2C sang Marketplace

Chính từ các kết quả nêu trên, Tiki luôn nằm trong “tầm ngắm” của nhiều nhà đầu tư. Cụ thể, Tiki đã từng nhận được nhiều vốn đầu tư từ các đơn vị như Quỹ CyberAgent, Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) và mới đây nhất là VNG.

Chia sẻ về “đường đi” của những dòng vốn này, bà Đoàn Đỗ Ngọc Thi cho biết, các khoản tiền này được Tiki rót vào hạ tầng kho bãi, đội ngũ giao hàng, hệ thống thanh toán trực tuyến... để tạo nền tảng vững vàng cho tương lai phát triển bền vững của Tiki. “Alibaba kinh doanh 10 năm mới bắt đầu có lời, trong khi Tiki mới chuẩn bị bước sang năm thứ 7”, bà Ngọc Thi ví von.

Tuy vậy, Tiki vẫn nhận diện được nhiều thách thức phải đối mặt nếu muốn duy trì ưu thế và chiếm thế thượng phong trên thị trường thương mại điện tử, trong đó thách thức lớn nhất là nguồn hàng, thời gian giao hàng và xây dựng uy tín.

Ông Trần Ngọc Thái Sơn, Tổng giám đốc Tiki.vn thừa nhận, dựa trên kết quả khảo sát, chất lượng nguồn hàng và thời gian giao hàng chính là 2 điểm mà khách mua hàng trực tuyến chưa hài lòng. Hiện tại, thời gian giao hàng trung bình của Tiki trên toàn quốc là 2 - 3 ngày, nếu so với các công ty thương mại điện tử đa ngành thì thời gian giao hàng của Tiki đang ở vị trí hàng đầu, nhờ sự hợp tác tích cực của một số đối tác giao hàng như giaohangnhanh.vn, Viettel Post hay Tiki Delivery. “Mục tiêu của chúng tôi trong năm nay là rút ngắn 50% thời gian giao hàng”, ông Sơn cho biết.

Mặt khác, Tiki cũng thừa nhận, nếu siết chất lượng đầu vào của các sản phẩm trên Tiki.vn, thì hệ quả tất yếu là các chủng loại hàng hóa của Tiki sẽ kém đa dạng hơn. “Tiki đã đưa vào sử dụng 3 kho hàng với 9.750 m2 để đảm bảo mọi hàng hóa đều qua kiểm định và có nguồn gốc chính hãng. Bộ phận kinh doanh hàng hóa phải đảm bảo đầu vào là hàng chính hãng. Nguyên tắc của Tiki là hàng hóa phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được bảo hành đầy đủ. 100% sản phẩm Tiki bán ra có hóa đơn”, ông Sơn cho biết.

Thách thức nữa mà Tiki phải đối mặt là xây dựng uy tín. Để xây dựng được niềm tin trọn vẹn với khách hàng, thì không chỉ là nhiều vốn, bán rẻ, quảng cáo nhiều là chưa đủ. “Chúng tôi quan niệm rằng, toàn bộ nhân viên nhận thức rõ trách nhiệm của mình, hệ thống vận hành thông suốt, hàng hóa đa dạng và có chất lượng, giao hàng nhanh chóng trên toàn quốc với mức phí tốt nhất (hoặc miễn phí), bảo hành và hậu mãi thuận tiện là những yếu tố giúp Tiki thành công và khẳng định vị thế thương hiệu Việt trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam”, ông Sơn khẳng định.

VNG chi cả chục triệu USD mua cổ phần Tiki và FPT Online
VNG đã mua cổ phiếu Ti Ki ở mức “10 chấm” và định giá trang thương mại điện tử này ở mức 1.000 tỷ đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư