Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Sự thật việc Nguyễn Thị Thành được mời làm "Giám đốc quốc gia"
(ANTĐ) - 04/05/2017 10:04
 
Sau “scandal” thi sắc đẹp “chui”, Nguyễn Thị Thành tuyên bố giải nghệ vì không chịu nổi áp lực dư luận nhưng mới đây lại hí hửng thông báo về việc trở thành người tuyển chọn thí sinh Việt Nam tham dự một sân chơi nhan sắc quốc tế.

Đằng sau chức danh “Giám đốc quốc gia”...

.
.


 

Điều nghịch lý này hoàn toàn có thật và khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Cụ thể, Nguyễn Thị Thành bất ngờ cho biết, cô may mắn nhận được suất học bổng 3 tháng du học tại Philippines từ một tổ chức sắc đẹp, đồng thời được mời vào vị trí Giám đốc quốc gia của cuộc thi “Mister Grand International 2017” (tạm dịch là “Nam vương Hòa bình Quốc tế”).

Với mác “Giám đốc quốc gia” này, Nguyễn Thị Thành sẽ đứng ra tìm kiếm và đào tạo đại diện Việt Nam tranh tài tại sân chơi kể trên. Người đẹp Kinh Bắc khẳng định, đây là cơ hội để cô “chia sẻ kinh nghiệm bản thân với những thí sinh đại diện Việt Nam đến với các đấu trường nhan sắc quốc tế”.

Kèm theo lời thông báo này, Nguyễn Thị Thành không quên nhắc mọi người: “Nhớ like và follow fanpage của Thành” cũng như theo dõi thông tin về cuộc thi.

Tuy nhiên không khó để nhận ra giá trị chức danh mà Nguyễn Thị Thành “khoe”. Bởi theo tìm hiểu được biết, “Nam vương Hòa bình quốc tế” nghe thì có vẻ “oai” nhưng thực chất chỉ là sân chơi sắc đẹp cấp “ao làng” dành cho nam giới, lần đầu tiên được tổ chức tại Philippines. Fanpage của cuộc thi được lập ra từ cách đây mấy tháng song đến giờ cũng chỉ có hơn 2.000 lượt người yêu thích và theo dõi – một con số quá khiêm tốn cho thấy sự quan tâm hời hợt của cộng đồng mạng.

 

Về việc Nguyễn Thị Thành từng “thi chui”, bị phạt và cấm diễn trên toàn quốc nhưng vẫn đảm nhiệm vai trò người tuyển chọn, đào tạo thí sinh đại diện Việt Nam tham dự một cuộc thi sắc đẹp quốc tế, đại diện Cục NTBD cho biết không thể cấm cô đảm nhận vị trí này.

Đứng ở góc độ pháp lý, Nguyễn Thị Thành sau khi chấp hành án phạt từ cơ quan quản lý văn hóa, không ngoại trừ khả năng cô có thể trở lại hoạt động showbiz bằng cách này hay cách khác. Tuy nhiên dù ở vị trí nào, danh hiệu mà Nguyễn Thị Thành có được từ việc “thi chui” sẽ không bao giờ được pháp luật Việt Nam thừa nhận.

Điều này cũng có nghĩa, không ngoại trừ khả năng, vì còn mới và chưa được nhiều người biết tới nên đơn vị tổ chức cuộc thi trên tìm cách gây sự chú ý bằng mọi giá. Dĩ nhiên, để làm được việc này thì mời những gương mặt đang gây chú ý bằng “scandal” ở các quốc gia được xem là một chiêu PR “ngon – bổ - rẻ”.

Sở dĩ nói vậy là bởi, những gương mặt như Nguyễn Thị Thành đáp ứng được các tiêu chí như: đang được dư luận trong nước chú ý, đang cần “đánh bóng” tên tuổi, đang chưa đủ “tầm” để “hét” cát-sê cao.

Ngay như việc Nguyễn Thị Thành đứng ra tuyển chọn thí sinh nam đại diện Việt Nam đi thi quốc tế đã đủ gây tranh cãi trái chiều. Mà phàm cái gì đã gây bàn tán và tranh luận thì càng có mức độ phủ sóng thông tin rộng. Thế nên, tội gì mà không mời.

Nguyễn Thị Thành có đủ tư cách huấn luyện thí sinh Việt đi thi quốc tế?

Theo tiêu chí mà cuộc thi “Nam vương Hòa bình Quốc tế” đưa ra thì ngoài các yếu tố về hình thể, phong thái trình diễn thì thí sinh chiến thắng phải là người có thiện chí và trái tim nhân ái sẵn sàng đấu tranh vì quyền lợi của mọi người.

Tất nhiên, với vai trò người đứng ra tuyển lựa thí sinh đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi này, Nguyễn Thị Thành phải có khả năng “bậc thầy” về các kỹ năng trên lẫn kinh nghiệm chinh chiến tại các đấu trường sắc đẹp quốc tế.

.
.

Tuy nhiên tính đến thời điểm này thì kinh nghiệm của người đẹp Kinh Bắc vỏn vẹn dừng lại ở 2 sân chơi sắc đẹp trong nước (một bị loại khi đang thi, một bị tước danh hiệu sau khi thi), cộng thêm việc lần đầu tiên thi sắc đẹp quốc tế mà lại là “thi chui” tại đấu trường “Miss Eco International 2017” vừa qua.

Thế nên nhiều người không hiểu, Nguyễn Thị Thành sẽ tuyển chọn thí sinh thế nào mà truyền đạt kinh nghiệm gì cho họ khi giữ chức “Giám đốc quốc gia” tại cuộc thi “Nam vương Hòa bình Quốc tế” sắp tới.

Thậm chí nhiều người còn hài hước cho rằng, điều mà Nguyễn Thị Thành nhiều kinh nghiệm nhất để truyền đạt cho các thí sinh, có lẽ là việc bất chấp vi phạm pháp luật để "thi chui", để nổi tiếng bằng mọi giá.

.
.

Liên quan đến chức danh nghe rất “oai” này, thật ra từ trước tới nay có không ít người đẹp được phong như Nguyễn Thị Thành. Ví như Hoa hậu Thu Hoài làm “Giám đốc quốc gia” của cuộc thi “Hoa hậu Quý bà Hoàn vũ 2016”, Á hậu Hà Thu giữ chức danh trên tại cuộc thi “Hoa hậu Liên lục địa 2016”…

Thật ra trào lưu đề cử các gương mặt làm “Giám đốc quốc gia” mới rộ lên vài năm trở lại đây và theo tìm hiểu được biết, không ít người tự đề cử mình vào vị trí này. Đối với các cuộc thi mới, chưa có thương hiệu thì đây được xem là “đôi bên cùng có lợi”.

Người tự nguyện đứng ra ứng cử vào vị trí trên thì được “danh”, còn đơn vị tổ chức các cuộc thi này thì được tiếng, được quảng bá mà chẳng mất xu nào. Song, cũng bởi thế mới sinh ra chuyện “hữu danh, vô thực”.  

Nguyễn Thị Thành bị phạt 22,5 triệu vì thi 'chui' nhan sắc ở Ai Cập
Chiều 21/4, Sở Văn hóa, Thể thao TP HCM ra mức phạt người đẹp Bắc Ninh vì thi "Miss Eco Internationnal" khi chưa có giấy phép.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư