Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Sự trở lại của cơ chế xin – cho
Bảo Duy - 17/02/2017 08:53
 
Có lẽ, khả năng doanh nghiệp tư nhân phải xin phép nếu muốn tham gia kinh doanh trong những ngành nghề mà Nhà nước giữ độc quyền không phải là giả thuyết của những người quá lo xa. Trong văn bản thông tin rõ về Dự thảo Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại mới đây, Bộ Công thương cho biết đã tính tới phương án này.
.
Với dự thảo Nghị định mới nhất về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại, Bộ Công thương đang tiếp tục dọn đường để doanh nghiệp “đi xin” được làm ăn?

Cụ thể, trong trường hợp Danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại ban hành kèm Dự thảo Nghị định được thông qua, việc điều chỉnh giảm sẽ được tính tới khi có đề xuất của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, hoặc khi có đề nghị bằng văn bản thể hiện nhu cầu và khả năng tham gia của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế vào các lĩnh vực độc quyền nhà nước quy định tại danh mục này.

Vậy là, sau khi cho rằng, việc ban hành danh mục nhà nước nắm giữ độc quyền sẽ giúp hệ thống hóa và minh bạch hóa các loại hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại phù hợp với cam kết quốc tế, các chính sách và quy định hiện hành..., thì Bộ Công thương tiếp tục dọn đường để doanh nghiệp “đi xin” được làm ăn.

Cơ chế xin - cho và tư duy quản lý hành chính nhà nước tưởng như đang trở thành quá khứ trong giới hoạch định chính sách lại trở lại nguyên vẹn hình hài.

Cũng có quan điểm cho rằng, danh mục này không mới, đã nằm trong các văn bản quy định hiện hành, Bộ Công thương chỉ là cơ quan tập hợp lại và công khai theo yêu cầu của Chính phủ. Nếu không có danh sách này, 20 ngành nghề đó, thậm chí là hơn, vẫn sẽ nằm rải rác ở các luật chuyên ngành với các điều kiện chỉ dành riêng cho doanh nghiệp nhà nước. Việc tập hợp lại trong một văn bản để giám sát cũng là một hình thức quản lý nhà nước không tồi.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, vào thời điểm quyền kinh doanh của người dân đã được hiến định, nguyên tắc doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm, Nhà nước chỉ nắm độc quyền hoạt động thương mại ở những hàng hóa, dịch vụ liên quan đến an ninh - quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, thì việc ban hành một danh mục các ngành độc quyền, nếu cần, phải được suy tính cẩn trọng và theo đúng nguyên tắc trên.

Thậm chí, trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ đang dương cao ngọn cờ của Chính phủ liêm chính, hành động, giới đầu tư - kinh doanh còn kỳ vọng những kiến nghị loại bỏ những hàng hóa, dịch vụ không còn cần Nhà nước độc quyền từ Bộ Công thương. Họ kỳ vọng, Bộ Công thương đề xuất thời hạn độc quyền cho những ngành nghề mà Nhà nước cần thêm thời gian để chuẩn bị nền tảng pháp lý, năng lực quản lý cho cơ quan nhà nước trước khi thực sự mở cửa cho khu vực tư nhân tham gia, giải trình rõ lý do Nhà nước giữ độc quyền… Những dữ liệu này sẽ giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp tư nhân chuẩn bị năng lực, vật lực để tham gia thị trường ngay khi đủ điều kiện…

Nhưng mọi việc đã không theo chiều hướng lý tưởng đó. Thậm chí, trong nguyên tắc thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại, Bộ Công thương còn đưa vào ý “các thành phần kinh tế khác không có nhu cầu và khả năng tham gia”. Giới đầu tư kinh doanh và cả giới nghiên cứu bất bình, vì nguyên tắc mang nặng tư duy áp đặt hành chính nhà nước này. Với nguyên tắc này, độc quyền nhà nước đã được biến thành độc quyền doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp tư nhân muốn làm thì phải chứng minh có nhu cầu và đủ khả năng, nghĩa là phải đi xin để có quyền kinh doanh mà Hiến pháp 2013 đã xác định...  

Lúc này, môi trường kinh doanh Việt Nam đang cần một thông điệp thực sự rõ ràng để giải tỏa các mối lo…

Dự thảo danh mục 20 ngành độc quyền nhà nước có đi ngược nỗ lực cải cách, đổi mới?
Cả giới chuyên gia và doanh nghiệp đều đang đặt câu hỏi xung quanh việc dự thảo danh mục các ngành, lĩnh vực độc quyền nhà nước trong bối...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư