Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Sửa chữa gấp các vị trí ổ gà, hố sâu lồi lõm trên mặt cầu Thăng Long
Việt Hùng (Vietnam+) - 29/08/2016 20:21
 
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa giao Cục Quản lý đường bộ 1 sửa chữa mặt cầu Thăng Long để đảm bảo êm thuận cho phương tiện qua lại.
Hư hỏng trên nền mặt cầu Thăng Long vẫn chưa được sửa chữa triệt để. Ảnh: TTXVN
Hư hỏng trên nền mặt cầu Thăng Long vẫn chưa được sửa chữa triệt để. Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 1 cho biết, thực hiện chỉ đạo sửa chữa khẩn mặt cầu Thăng Long để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 tới đây, đơn vị đã bắt tay vào sửa chữa từ ngày 27/8, dự kiến đến hết ngày 30/8 sẽ hoàn thiện. Ước khối lượng sửa chữa lần này vào khoảng 200m2.

“Do kết cấu mặt cầu Thăng Long là bản thép, sử dụng công nghệ của Liên Xô trước đây, bên trên trải lớp bê tông nhựa chỉ 7cm, do lưu lượng xe qua lại lớn, cộng với cầu xây dựng đã lâu, công trình đã lão hóa nên việc xử lý dứt điểm, lâu dài khá phức tạp. Việc sửa chữa đảm bảo lâu dài khá phức tạp nên phương châm là hỏng đến khâu sửa chữa, khắc phục đến đấy,” ông Lâm cho hay.

Bên cạnh đó, vị Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 1 cũng chỉ ra khó khăn khi sửa chữa mặt cầu Thăng Long là vừa làm vừa phải đảm bảo giao thông cho các phương tiện qua lại. Trong khi đó, việc sửa chữa cũng chưa thể tính đến hiệu quả lâu dài, trước mắt là để phục vụ người dân lưu thông êm thuận trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh tới.

Ngoài ra, trong trường hợp khó khăn khi áp dụng các công nghệ mà Ban Quản lý dự án 3 đã áp dụng như khối lượng nhỏ không mua được vật liệu, công nghệ đã sửa… Tổng cục Đường bộ chấp thuận được phép dùng các vật liệu thích hợp như bê tông nhựa nóng hoặc các biện pháp khác để dặm vá hết các ổ gà, hố sâu lồi lõm, bổ sung sơn kẻ lại mặt đường nếu cần thiết.

Tổng cục Đường bộ cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án 3 báo cáo cụ thể các dự án đã sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Trong báo cáo phải nêu rõ giải pháp kỹ thuật, khối lượng, giá trị, thời điểm thực hiện, thời điểm kết thúc, thời điểm hết thời hạn bảo hành từng dự án.

Trước đó, cuối năm 2009, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định chi 97 tỷ đồng sửa chữa mặt cầu Thăng Long bằng công nghệ mới nhưng chỉ sau 2 tháng đã xuất hiện nứt, vỡ.

Vào tháng 5/2015, Tổng cục Đường bộ cũng đã yêu cầu Ban Quản lý dự án 3 sửa chữa, khắc phục hư hỏng, mất an toàn giao thông trên mặt cầu Thăng Long. Năm 2015, mặt cầu Thăng Long cũng đã nhiều lần được sửa chữa như khe co giãn…

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã mời các chuyên gia từ Anh, Đức, Singapore, Nhật Bản sang thử nghiệm hỗ trợ nhưng chưa thành công.

Sau đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có nhiều lần bổ sung kinh phí để sửa chữa hư hỏng cục bộ mặt cầu Thăng Long. Tuy nhiên, trải qua nhiều lần được duy tu, Bộ Giao thông Vận tải đã thừa nhận nguyên nhân là thất bại từ việc chuyển giao công nghệ sửa chữa mặt cầu.

Cầu Thăng Long được xây dựng hoàn thành vào năm 1985 gồm 2 tầng. Tầng 1 dành cho đường sắt mặt cắt ngang gồm 2 làn xe lửa khổ 1.000mm và khổ đường 1435mm. Hai bên cánh gà tầng 1 là 2 làn xe thô sơ mặt cắt ngang rộng 3,5m.

Tầng 2 dành cho các phương tiện giao thông đường bộ. Chiều dài toàn cầu đường sắt là 5,5km gồm phần dầm thép dài hơn 1,68km có 5 liên mỗi liên 3 nhịp, mỗi nhịp dài 112m, phần dầm bê tông cốt thép dài 3,82km (phía Bắc dài 1,7km, phía Nam dài hơn 2km).

Quảng Trị: 32 tỷ đồng đầu tư Cầu Xà Ợt 2 tại khu vực cặp cửa khẩu Lao Bảo - Dansavan (Lào)
UBND tỉnh Quảng Trị ngày 24/8 vừa qua đã quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: Cầu Xà Ợt 2 tại khu vực cặp cửa khẩu Lao Bảo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư