Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
“Sức bật” xuất khẩu của bánh kẹo Việt Nam
Thế Hải - 23/03/2017 09:22
 
Tăng trưởng xuất khẩu duy trì ở mức 2 con số và sự tăng tốc trong đầu tư mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp cho thấy, ngành bánh kẹo có triển vọng mang về giá trị xuất khẩu tốt cho Việt Nam trong những năm tới.

Bánh kẹo Việt có mặt tại nhiều thị trường thế giới

Tăng trưởng xuất khẩu của ngành bánh kẹo trong năm 2016 duy trì ở mức 15%, với tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm bánh kẹo, ngũ cốc lên tới 532 triệu USD.

Bộ Công thương cho biết, so với mức 463 triệu USD giá trị xuất khẩu của năm 2015 và nhìn vào tốc độ mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp trong ngành, cho thấy đây là ngành hàng có triển vọng xuất khẩu cao.

.
Sản phẩm bánh kẹo ngoại nhập ngày càng gia tăng về chủng loại và số lượng, đặc biệt là phân khúc cao cấp

Theo kết quả nghiên cứu của Công ty Khảo sát thị trường quốc tế Business Monitor International (BMI), doanh thu ngành bánh kẹo Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, dự báo đến năm 2018 sẽ đạt khoảng 40.000 tỷ đồng.

Năm 2016, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Campuchia nằm trong danh sách ba quốc gia nhập khẩu bánh kẹo lớn nhất từ Việt Nam. Tiếp đó, các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc cũng nhập khẩu bánh kẹo từ Việt Nam tăng với khối lượng đáng kể.

Công ty cồ phần Bibica cho rằng, xuất khẩu bánh kẹo vẫn đang tăng trưởng 2 chữ số ở một số thị trường quan trọng. Trong năm 2017 và một vài năm tới, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu bánh kẹo lớn của Việt Nam, với mức tăng trưởng trên 40%. Cơ sở để khẳng định là bởi mức tiêu thụ bánh kẹo tại đây mới dừng ở 0,7 kg/ người/năm, so với mức 3kg/ người/năm của thế giới.

Nắm bắt các xu hướng trên của thị trường và mong muốn xúc tiến các cơ hội kinh doanh hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam với những doanh nghiệp quốc tế giàu kinh nghiệm và tiềm lực vốn, Hiệp hội Các nhà sản xuất bánh kẹo Đức và Ban tổ chức Triển lãm thương mại dành cho Ngành sản xuất bánh mỳ, bánh kẹo và thức ăn nhẹ (IBA 2018) đã coi doanh nghiệp Việt Nam là đối tác đáng kể.

Ông Nguyễn Trung Chính, Đại diện Công ty GHM (CHLB Đức) tại Việt Nam, đơn vị tổ chức Triển lãm thương mại cho ngành sản xuất bánh kẹo, bánh mỳ và thức ăn nhẹ cho rằng, ngành bánh kẹo Việt Nam thực sự có sức hút với các doanh nghiệp nước ngoài.

“Ngay đầu tháng 4/2017, Tổng giám đốc Công ty GHM Dieter Dohr sẽ đến Việt Nam để gặp gỡ các doanh nghiệp trong ngành bánh kẹo, kết nối với các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu tại Đức”, ông Chính cho biết.

Cạnh tranh với bánh kẹo nhập khẩu ngay trên sân nhà

Không chỉ triển vọng lớn về xuất khẩu, theo nhận định của Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng, tiềm năng tiêu thụ bánh kẹo tại thị trường trong nước còn rất rộng lớn. Vì hiện nay, lượng bánh kẹo nhập khẩu cũng tăng lên hàng năm.

Bánh kẹo trong nước tích cực đầu tư mở rộng sản xuất

Công ty cổ phần Bibica đang triển khai 277 tỷ đồng đầu tư một dây chuyền bánh cupcake và chuyển thiết bị Nhà máy Bibica Hà Nội sang nhà máy mới tại Hưng Yên. Thực hiện Dự án sản xuất kẹo mềm Hifat trị giá 74,7 tỷ đồng, cùng Dự án bánh Round cake 15,4 tỷ đồng, đầu tư mở rộng sản phẩm mới trên dây chuyền Pie.

Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Hà đang thực hiện đầu tư xây mới Nhà máy bánh kẹo Hải Hà tại Bắc Ninh, với công suất thiết kể sản xuất cả sản phẩm bánh và kẹo là 61,58 tấn/ngày.

Sản phẩm bánh kẹo ngoại nhập ngày càng gia tăng về chủng loại và số lượng, đặc biệt là phân khúc cao cấp. Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, bánh kẹo nhập khẩu hiện chiếm 30% thị phần trên thị trường bánh kẹo nội địa. Riêng năm 2016, nhập khẩu bánh kẹo của Việt Nam đạt trên 250 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ.

Đại diện Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng nhận định: “Nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước được dự báo đạt quy mô 40.000 tỷ đồng vào năm 2018. Với dân số đông, trẻ và mức tiêu thụ bánh kẹo trên đầu người chỉ mới hơn 2kg/người/năm (thấp hơn mức tiêu thụ trung bình của thế giới), cùng với 65% dân số sinh sống tại khu vực nông thôn có mức tiêu thụ bánh kẹo còn rất khiêm tốn, sẽ là dư địa đầy hấp dẫn tại thị trường nội địa”.

Đại diện của Mondelez Kinh Đô cho biết, sự lấn sân của bánh kẹo nhập ngoại tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt hơn trên thị trường bánh kẹo trong nước.

“Có thể nói, chính sự cạnh tranh với bánh kẹo nhập khẩu ngay trên sân nhà sẽ là động lực để các nhà sản xuất không ngừng đầu tư công nghệ sản xuất mới, nghiên cứu ra các dòng sản phẩm đa dạng, chất lượng… phục vụ các phân khúc đa dạng của người tiêu dùng trong nước và quốc tế”, vị này phân tích.

Hàng Nhật Bản tràn vào hệ thống siêu thị Fivimart
Ngày 20/12, Công ty Cổ phần Nhất Nam chủ sở hữu Hệ thống siêu thị Fivimart cho biết, bắt đầu từ hôm nay Fivimart sẽ có khu vực trưng bày hàng Nhật...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư