Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Suy nghĩ về đề xuất cách viết tiếng Việt mới: "Tiếng ta còn, nước ta còn"
TS. Trần Thị Vân Anh - 12/12/2017 10:18
 
Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đang nói nhiều về đề xuất cách viết tiếng Việt mới của PGS.TS Bùi Hiền. Từ góc nhìn của một người nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa, tác giả có một vài phân vân như sau.

Ý tưởng đề xuất sử dụng cách viết Tiếng Việt mới liệu có phù hợp so với quy luật phát sinh, phát triển của ngôn ngữ?

Tiếng Việt hiện nay được ghi bằng bộ chữ cái La-tinh (Latin), là thứ chữ ghi âm vị, bắt nguồn từ bộ chữ cái mà người La Mã cổ đại sử dụng. Đó là bộ chữ cái thông dụng nhất trên thế giới xét về phạm vi, địa bàn và số ngôn ngữ sử dụng.

Hệ thống chữ cái ghi âm vị Tiếng Việt bao gồm có 47. Trong đó có 27 chữ ghi âm vị phụ âm và 20 chữ ghi âm vị nguyên âm. Cụ thể như hai bảng dưới đây:

Âm vị phụ âm

Bảng 1: Chữ viết ghi âm vị phụ âm      (Nguồn: Trung tâm Từ điển học)

Âm vị nguyên âm

Bảng 2: Chữ viết ghi âm vị nguyên âm      (Nguồn: Trung tâm Từ điển học)

Bộ chữ cái ghi âm tiếng Việt trên đây hay ở chỗ đó không phải là chữ viết của một phương ngữ, mà là chữ viết của toàn dân Việt Nam. Đó cũng là bộ chữ hoàn toàn chỉ dựa vào ngữ âm Việt Nam đương đại. Đặc biệt, việc xuất hiện các chữ viết ghi lại phụ âm có âm nặng uốn lưỡi như s, tr, r; xuất hiện những chữ viết ghi cùng một âm tiết (c và k, g và gh, ng và ngh, d và gi) hay việc xuất hiện thêm thêm dấu phụ từ bộ chữ Latin bao gồm dấu chữ (ví dụ như: ă, â, đ, ê, ô, ơ, ư) và dấu thanh ( ví dụ như : à, ả, ã, á, ạ...)... là xuất phát từ thực tiễn rất sinh động của tiếng Việt. Việc chúng ta phải thêm dấu phụ, thêm các chữ ghi lại âm nặng uốn lưỡi (s, r, tr) và dùng con chữ ghép (như: ng, nh, ch, tr) để ghi tất cả các âm thanh của tiếng Việt là do thực tế lượng ngữ âm kèm thanh điệu trong Tiếng Việt quá phong phú, vượt xa khả năng biểu thị của các chữ cái Latin cơ bản.

Chữ viết Tiếng Việt hiện tại ra đời, phát sinh và phát triển là xuất phát từ thực tiễn hoạt động ngôn ngữ của cộng đồng người Việt chứ không phải từ trên trời rơi xuống, cũng không phải là sự áp đặt của một hệ thống thuần túy ngôn ngữ cứng nhắc. Thế nhưng, GS, TS. Bùi Hiền đã đề xuất nhất thể hóa cái hiện thực sinh động đó với một hệ thống có tính chuẩn mực cứng nhắc qua việc đồng nhất cách viết những âm nặng uốn lưỡi với những âm nhẹ không uốn lưỡi thành một chữ viết (cả x và s đều viết thành s; cả tr và ch  đều viết thành c; cả r, gi, d đều viết thành z). GS còn đề xuất triệt tiêu tất cả những con chữ ghép, những con chữ phát sinh từ thực tiễn phát âm của người Việt  và thay chúng bằng những con chữ đơn trong hệ thống chữ cái Latin (ph thành f; th thành w; ng /ngh thành q; gh thành g; nh thành n’), đồng thời triệt tiêu con chữ đ mà thay bằng d. Sự thay đổi đó không phản ánh được hết được mặt hoạt động của ngữ âm Tiếng Việt.

Theo Ferdinand De Saussure, “một hiện tượng ngôn ngữ thường xuyên thể hiện ở hai mặt tương ứng với nhau, và mặt này có giá trị được cũng chỉ là nhờ ở mặt kia” (Giáo trình Ngôn ngữ học đại cương, NXB Khoa học xã hội, HN 1973, tr 29). Nó  “bao giờ cũng bao hàm đồng thời một hệ thống đã được xác lập và một sự biến hóa”  (Giáo trình Ngôn ngữ học đại cương, NXB Khoa học xã hội, HN 1973, tr 29). Một cách dễ hiểu hơn, “hệ thống đã được xác lập” chính là địa bàn của ngôn ngữ được lấy làm chuẩn cho tất cả các biểu hiện khác của hoạt động ngôn ngữ. “Hệ thống đã được xác lập” đó chính là mặt tĩnh của ngôn ngữ.

Còn “một sự biến hóa” chính là mặt động, là sự hoạt động của ngôn ngữ, “nó vừa là một sản phẩm xã hội của năng lực ngôn ngữ, vừa là một hợp thể gồm những quy ước tất yếu được tập thể xã hội chấp nhận, để cho phép các cá nhân vận dụng năng lực này” (Giáo trình Ngôn ngữ học đại cương, NXB Khoa học xã hội, HN 1973, tr 30). Ý tưởng đề xuất sử dụng cách viết Tiếng Việt mới của GS, TS. Bùi Hiền vô hình chung đã phần nào triệt tiêu tính hai mặt của một hiện tượng ngôn ngữ. Và khi không còn tính hai mặt giống như thế lưỡng đao đó nữa thì Tiếng Việt sẽ chỉ là thứ quy tắc xơ cứng mà thôi nếu như không nói là một thứ ngôn ngữ chết.

Ý tưởng đề xuất sử dụng cách viết Tiếng Việt mới liệu có phù hợp so với quy luật phát triển của văn hóa?

Ngôn ngữ là công cụ của tư duy, của giao tiếp. Đối với bất kì nền văn hóa nào, ngôn ngữ cũng vừa đóng vai trò là một thành tố, một thành tựu văn hóa tinh thần vô giá; vừa đóng vai trò là phương tiện quan trọng để lưu giữ, bảo tồn và chuyên chở những giá trị, những thành tựu của chính nền văn hóa ấy. Một quốc gia dân tộc độc lập tự chủ và phát triển phải là một quốc gia dân tộc có một nền văn hóa độc lập với đậm đà bản sắc riêng, phải là một quốc gia dân tộc có tiếng nói và chữ viết với những đặc trưng riêng không dễ bị pha trộn, bị lai tạp, bị đồng hóa.

Chẳng thế mà nhà văn Pháp An-phông-xơ Đô-đê trong một tác phẩm của mình đã từng khẳng định: "Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa chốn lao tù...". Hay như cụ Phạm Quỳnh ở ta cũng không phải ngẫu nhiên mà đưa ra nhận xét sau đây về kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn" (Đó là một nhận xét đúng đắn bởi Truyện Kiều chính là tinh hoa của ngôn ngữ Việt nói riêng, của văn hóa Việt nói chung).

.
.

Tiếng Việt là một ngôn ngữ giàu và đẹp bởi âm điệu du dương trầm bổng giàu chất nhạc; bởi hệ thống thanh điệu, hệ thống chữ viết, hệ thống từ vựng... đa dạng phong phú, luôn có sự bổ sung theo thời gian. Điều đó đã được nhiều thế hệ người Việt Nam ghi nhận. Ngay cả bạn bè nước ngoài cũng thừa nhận như thế: "Tiếng Việt như là một thứ tiếng đẹp và rất rành mạch trong lối nói, rất uyển chuyển trong câu kéo, rất ngon lành trong những câu tục ngữ" (Đây là lời của một giáo sĩ nước ngoài - dẫn theo Đặng Thai Mai trong bài Tiếng Việt, một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc trích Tuyển tập Đặng Thai Mai, tập II, NXB Văn học, Hà Nội, 1984). Tiếng Việt còn là một trong những ngôn ngữ có tính biểu cảm cao.

Đặc tính này là sản phẩm, là kết quả tất yếu của dấu ấn văn hóa nông nghiệp Phương Đông. Nếu như người Phương Tây, do ảnh hưởng của lối tư duy, nhận thức thiên về khách quan, lí tính nên khi giao tiếp, lời nói của họ cũng thường khách quan, trung tính, họ quan tâm nhiều hơn đến việc nói trúng, nói đúng, nói đủ... thì người Việt Nam do tâm lí trọng tình, do lối tư duy thiên về chủ quan cảm tính nên lời ăn tiếng nói ngoài việc chứa đựng thông tin còn đong đầy biết bao tình cảm, cảm xúc. Những chữ cái ghi âm Tiếng Việt mà chúng ta đang sử dụng hiện nay không chỉ phản ánh đúng cách phát âm đầy nhạc tính, phản ánh được cả những giai điệu của tâm hồn qua cách phát âm mà còn đẹp cả về hình thức con chữ. Vẻ đẹp cả âm lẫn chữ ấy được Lưu Quang Vũ thể hiện rất rõ trong hai câu của bài thơ “Tiếng Việt”:                 

                               “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa/  Óng tre ngà và mềm mại như tơ”.

Dù chỉ là hai câu thơ nhưng tác giả Lưu Quang Vũ đã đúc kết sâu sắc về đặc trưng Tiếng Việt với tất cả bản sắc dân tộc: vừa khỏe khoắn lại mềm mại, dịu dàng, mát mẻ; vừa cứng cỏi lại óng ả, tinh tế, bay bổng... Cả lời nói và hệ thống chữ viết ghi âm lời nói đều đạt tới tính thẩm mĩ cao.

Sự  thay đổi theo hướng giản tiện hóa như ý tưởng của PGS, TS. Bùi Hiền một phần sẽ làm vỡ mất vẻ đẹp cả mặt tiếng và mặt chữ đó. Nhìn những chữ viết đã được chuyển tự  theo ý tưởng của PGS, ta lại hình dung ra những nét chữ nham nhở đến tức mắt của các cô cậu học trò một dạo:

mA(.t z0`j vA^~n xa"g / xO^g vA^~n cka?y  / pO^’ va~N -dY na`m / Me. vA^~n ck0a tyE^n` .../ => vA^~n pA?j sO^"g   (mặt trời vẫn sáng/ sông vẫn chảy/ bố vẫn đi làm/ mẹ vẫn cho tiền..../ => vẫn phải sống)

Không chỉ phá vỡ vẻ đẹp của ngôn ngữ Tiếng Việt, ý tưởng chuyển tự nếu trở thành hiện thực sẽ phá vỡ cả những giá trị văn hóa dân tộc mà ngôn ngữ lưu giữ, chuyên chở bởi một khi ngôn ngữ bị phá vỡ thì văn hóa sao có thể trở thành một dòng chảy liên tục từ quá khứ đến hiện tại và tương lai?

Lời kết

Để có được chữ viết như ngày nay, thứ chữ viết được xem là Quốc ngữ, lịch sử ngôn ngữ Việt Nam nói riêng, lịch sử văn hóa, lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung đã phải trải qua biết bao biến động, thăng trầm bởi những cuộc chiến tranh xâm lược của các nước đế quốc Á, Âu. Ở mỗi cuộc "va đập" với văn hóa ngoại xâm, người Việt Nam luôn phải "gồng mình" lên đấu tranh một cách quyết liệt và bất khuất với âm mưu đồng hóa thâm độc của kẻ thù để giữ vững bản sắc và hồn cốt văn hóa dân tộc, giữ vững tiếng nói và chữ viết riêng của mình.

Như một kết quả tất yếu, chữ Nôm rồi sau đó là chữ Quốc ngữ ra đời đã khẳng định bản lĩnh và sức mạnh dân tộc Việt Nam, khẳng định mạch ngầm trong trẻo của văn hóa Việt vẫn chảy mãi không bao giờ đứt đoạn. Quá trình sáng tạo, gìn giữ và phát huy tiếng nói và chữ viết dân tộc để có được tiếng nói chữ viết như ngày nay là một quá trình lâu dài và gian khổ. Phải mất hàng nghìn năm mới có được.

Cho nên, khi thay đổi chữ viết, dù là sự thay đổi nhỏ nhất, chúng ta phải thận trọng, phải nắm được quy luật vận động và phát triển của ngôn ngữ, của văn hóa. Cải tiến chữ viết mà không đúng quy luật phát triển của ngôn ngữ, mà không đúng quy luật phát triển của văn hóa thì rất có thể sẽ đưa cả xã hội trở về điểm xuất phát ban đầu bởi nếu ví xã hội, đất nước, dân tộc như một ngôi nhà thì ngôn ngữ, văn hóa chính là nền móng của ngôi nhà đó.

Phó thủ tướng: Chính phủ không chủ trương đổi mới chữ viết
Ông Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ tôn trọng sự khác biệt và sáng tạo của mỗi cá nhân, tuy nhiên không có chủ trương đổi mới chữ viết.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư