Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Tầm nhìn chiến lược trong đầu tư du lịch Phú Yên
Khôi Nguyên - 06/12/2016 22:30
 
Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Phú Yên cuối tháng 8 năm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thế mạnh quan trọng, có thể coi là mũi nhọn của Phú Yên là du lịch.
TIN LIÊN QUAN

Thủ tướng chỉ đạo, Phú Yên phải nghiên cứu phát huy tiềm năng này, để ngành kinh tế này có thể đóng góp 10% GDP chứ không chỉ 1 – 2% như hiện nay. Muốn vậy, Phú Yên phải kéo được “đại bàng” về làm tổ. Những chỉ đạo của Thủ tướng đang được lãnh đạo tỉnh Phú Yên triển khai thận trọng, vững chắc.

Tiềm năng vượt trội

Phú Yên có vị trí địa lý khá thuận lợi, có bờ biển dài 189 km, có nhiều vịnh, bãi, vũng, đầm, phá, gành mang vẻ đẹp hoang sơ, là những cảnh quan sinh thái phong phú, đa dạng là tiềm năng rất lớn cho phát triển du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái.

.
.

Với nhiều danh lam thắng cảnh, thu hút đông đảo khách du lịch như Bãi Môn – Mũi Điện, vịnh Xuân Đài, di tích Vịnh Vũng Rô – Tàu Không Số, gành Đá Đĩa, chùa Đá Trắng, đền thờ Lương Văn Chánh, di tích thắng cảnh quốc gia Đầm Ô Loan… đã đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành công nghiệp “sạch” mang màu sắc độc đáo riêng.

Thời gian qua, Phú Yên đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thu hút đầu tư các dự án du lịch tầm cỡ. Trong đó, tuyến đường ven biển từ TP. Tuy Hòa chạy dọc về phía Nam qua sân bay Tuy Hòa, nối với KCN Hòa Hiệp, nhập vào Quốc lộ 1A rồi được tách ra tuyến ven biển theo triền núi, men theo bãi cát vàng óng, bám đều theo những địa danh thắng cảnh, khiến du khách không khỏi bất ngờ nếu một lần đi trên con đường này. Chính quyền tỉnh Phú Yên tự tin một ngày nào đó, con đường vàng này sẽ khẳng định đúng giá trị, đúng chiến lược mà tỉnh đã đề ra là đánh thức tiềm năng du lịch của Phú Yên, cũng như định vị được diện mạo Tuy Hòa trong tương lai

Tuy nhiên, niềm trăn trở lớn nhất qua các thời kỳ lãnh đạo tỉnh này, ngành du lịch tỉnh vẫn đang thiếu một dự án mang tính động lực để tạo sự bứt phá, không chỉ riêng lĩnh vực du lịch, mà cho cả diện mạo TP. Tuy Hòa trong tương lai, khi lấy dịch vụ du lịch là một trong những hướng phát triển chủ đạo.

Nụ cười “Xin chào”, “Xin lỗi”, “Xin mời”, “Cảm ơn” và “Xin chào và hẹn gặp lại”!

Không chỉ tồn tại dưới dạng tiềm năng, du lịch của Phú Yên đã thực sự khởi động với những dự án lớn như: đề án khu du lịch ở phía bắc thành phố Tuy Hoà đến huyện Tuy An, xây dựng cụm du lịch sinh thái, làng du lịch xanh và một số công trình khách sạn, nhà hàng, khu dịch vụ,...

Đặc biệt, nếu chung sức đầu tư, kết hợp thực hiện các tour du lịch giữa hai tỉnh Phú́ Yên - Khánh Hoà và TP.HCM, cụm Vũng Rô - Đèo Cả - Mũi Điện với những cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, độc đáo mang dấu ấn huyền thoại, lịch sử – văn hóa, sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách muôn phương trong tương lai không xa.

Là triền của Tây Nguyên giáp biển, sức sống và sự phát triển của Phú Yên chính là mối liên kết với Tây Nguyên qua tuyến đường ĐT 645 đi Đắc Lắc, tuyến đường duy nhất nối đồng bằng với Tây Nguyên mà không vướng bất cứ một đèo dốc nào. 80 km đã hoàn thành. Cả Phú Yên và Đắc Lắc đều có ý định đề nghị Chính phủ công nhận tuyến đường này là quốc lộ. Khi đó, cùng với Quốc lộ 25 đi Gia Lai, Phú Yên sẽ là tỉnh duy nhất ở miền Trung có hai quốc lộ vươn đến Tây Nguyên - vùng kinh tế tiềm năng đang chuyển mình mạnh mẽ.

Cùng với đường bộ, ý tưởng về xây dựng tuyến đường sắt và đường ống dẫn dầu, khí đốt lên Tây Nguyên cũng đang được ấp ủ. Nếu được xây dựng, tuyến đường sắt từ Phú Yên lên Tây Nguyên men theo thung lũng sông Ba sẽ là tuyến đường sắt cấp I lên Tây Nguyên ít tốn kém nhất. Cả hai tuyến đường bộ và đường sắt sẽ là "xương sườn" của đường Hồ Chí Minh nối Quốc lộ 1A, tạo ra tuyến phát triển mới của đất nước, gắn Phú Yên với Tây Nguyên và mở cửa cho Tây Nguyên vươn ra biển.

Để chuẩn bị hành trang cho ngành "công nghiệp không khói" phát triển, Phú Yên đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh với chủ đề: “Phú Yên - Hấp dẫn và thân thiện” nhằm hình thành nét đẹp văn hóa, văn minh, lịch sự, thân thiện của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong ngành du lịch đối với du khách khi đến Phú Yên. Đó là nụ cười “Xin chào”, “Xin lỗi”, “Xin mời”, “Cảm ơn”, “Xin chào và hẹn gặp lại”!

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư