Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tâm thế mở
Hà Nguyễn - 24/11/2017 08:51
 
Hôm nay (24/11), Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV bế mạc. Đây là ngày làm việc cuối cùng, nhưng là thời điểm khởi đầu cho tư duy phát triển mới, với một “tâm thế mở” vì sự phát triển của đất nước.
TIN LIÊN QUAN

Trong ngày làm việc cuối cùng này, dự kiến Quốc hội sẽ bấm nút thông qua hàng loạt đạo luật mới, mở ra những cơ hội lớn trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đó là biểu quyết thông qua Luật Quy hoạch, Nghị quyết về cơ chế, chính sách để phát triển TP.HCM…

Có thể còn khập khiễng khi so sánh rằng, việc đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua các luật và nghị quyết này là sự khởi đầu cho tư duy phát triển mới, bởi từ khi đất nước thực hiện công cuộc Đổi mới, liên tục, liên tục trong 30 năm qua, thể chế, chính sách không ngừng được đổi mới, nhưng một điều khá rõ ràng, nếu các luật và nghị quyết được thông qua ngày hôm nay, thì cơ hội mới cho đất nước đang được mở ra.

.
.

Với Luật Quy hoạch, như nhiều đại biểu Quốc hội từng khẳng định, dự luật này như một “phát đại bác” bắn vào thành lũy cuối cùng của cơ chế kế hoạch hóa tập trung từng “đày đọa” nhau một thời.

Tư tưởng cải cách, đổi mới của Luật Quy hoạch được cho là không chỉ tạo nên một “cuộc cách mạng” trong công tác lập quy hoạch, lâu nay manh mún, chồng chéo, kém hiệu quả, thiếu tính thị trường, mà quan trọng hơn hết, sẽ góp phần tạo động lực để thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn.

Có Luật Quy hoạch, có quy hoạch tổng thể quốc gia được xây dựng theo hướng tích hợp, thì việc huy động, phân bổ và sử dụng, khai thác các nguồn lực quốc gia sẽ hiệu quả hơn, mang tính thị trường hơn. Có Luật Quy hoạch, thì sẽ tăng cường được liên kết phát triển vùng, phát huy tối đa các tiềm năng lợi thế của từng vùng, từng địa phương và từng ngành. Luật Quy hoạch cũng sẽ là công cụ quan trọng để Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, cũng như góp phần quan trọng thay đổi phương thức quản lý của Nhà nước - trước thiên về mục tiêu quản lý, nay vừa đảm bảo quản lý, vừa đảm bảo kiến tạo, phát triển, phục vụ phát triển.

Còn với các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, nếu được thông qua, sẽ tạo đòn bẩy cho sự phát triển của đầu tàu kinh tế cả nước. Nghị quyết này, dù chỉ dành cơ chế cho TP.HCM, nhưng thực tế lại vì sự phát triển chung của cả nước.

Trước đó, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Đây chính là con đường huyết mạch, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội từ Bắc vào Nam.

Tương tự, tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đa số đại biểu đều đồng tình với các nội dung đổi mới, đột phá về thể chế hành chính và chính sách vượt trội được đề xuất áp dụng tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để chủ động tạo động lực và cực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, có tính lan tỏa trong khu vực và cả nước.

Dù còn một số ý kiến tranh luận, song phương án tổ chức chính quyền các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo hướng không tổ chức HĐND, UBND, thay vào đó là thiết chế Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, cùng với giao quyền và giám sát chặt chẽ, đã được đa phần đại biểu lựa chọn. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy tư duy phát triển mới đã bắt đầu và được chấp nhận.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, tư duy làm quy hoạch kiểu cũ đã tồn tại bao năm nay. Trong quá trình xây dựng Luật Quy hoạch, đã xuất hiện không ít ý kiến phản đối bởi việc này động chạm tới lợi ích nhóm của không ít bộ, ngành, của không ít người trong xã hội. Ngay cả việc xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam từng nhận không ít lời phản đối. TP.HCM cũng chứng kiến những đánh giá khác nhau dù trông chờ cơ chế mới cho sự phát triển từ hàng chục năm nay.

Chỉ một tư duy phát triển mới, tất cả vì lợi ích quốc gia, mới chấp nhận thông qua một Luật Quy hoạch và một nghị quyết về cơ chế cho TP.HCM đầy cải cách và đổi mới như vậy. Phải có tư tưởng đổi mới thì mới chấp nhận những thử nghiệm mới về thể chế, những khác biệt về mô hình tổ chức hành chính, những vượt trội trong chính sách kinh tế - xã hội, từ đó làm nền tảng cho sự phát triển của mô hình các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Đây là mô hình thai nghén từ hơn 20 năm trước, song tới nay mới có cơ hội trở thành hiện thực.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV sẽ bế mạc trong một “tâm thế mở” - như lời của đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) và “mở để thúc đẩy sự phát triển”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư