Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Tăng khung thuế suất không đồng nghĩa với tăng thuế
Mạnh Bôn - 15/02/2017 09:35
 
Nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2017, thì kể từ ngày 1/1/2018, thuế khung thuế suất thuế bảo vệ môi trường (BVMT) 7/8 nhóm hàng hóa sẽ tăng rất mạnh, ngoại trừ dầu hỏa vẫn giữ nguyên khung thuế suất 300-2.000 đồng/lít. Đề xuất điều chỉnh khung thuế BVMT của Bộ Tài chính đã khiến nhiều người lo ngại sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước giảm xuống do chi phí đầu vào cho xăng dầu tăng.
TIN LIÊN QUAN

Tuy nhiên, cũng không nên quá lo lắng về việc thuế BVMT sẽ tăng đột biến và tăng ngay lập tức, dù Quốc hội thông qua khung thuế suất đối với xăng từ 3.000-8.000 đồng/lít; mazut từ 900-4.000 đồng/lít, diesel từ 1.500-4.000 đồng/lít. Việc tăng thuế BVMT bao nhiêu, đối với mặt hàng nào, vào thời điểm nào sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tùy thuộc vào điều kiện sản xuất, kinh doanh, sức chịu đựng của nền kinh tế.

.
.

Điều này đã được thực tế minh chứng. Mặc dù Luật thuế BVMT có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2012 quy định khung thuế suất đối với mặt hàng xăng từ 1.000 -  4.000 đồng/lít, mazut, dầu nhờn từ 300-2.000 đồng/lít, diesel từ 500-2.000 đồng/lít, nhưng phải đến tận ngày 1/1/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới tăng thuế BVMT đối với mặt hàng xăng lên 3.000 đồng/lít, diesel lên 1.500 đồng/lít và mazut, dầu nhờn lên 900 đồng/lít, tức là vẫn còn khoảng cách khá xa so với mức trần của khung thuế suất thuế BVMT.

Trong đợt tăng thuế BVMT năm 2015 theo Nghị quyết 888a/2015/UBTVQH13, với mức tăng tới 3 lần, khi đó rất nhiều người lo ngại cho sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước. Nhưng trên thực tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh không hề bị tác động tiêu cực, bởi tổng số thuế BVMT tăng lên cũng chỉ tương đương mức thuế suất thuế nhập khẩu phải cắt giảm theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia, ký kết; tổng số tiền thuế các loại (BVMT, nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng) mà mỗi lít xăng dầu phải “cõng” không thay đổi nhiều, cho dù thuế BVMT tăng gấp 3 lần.

Mục tiêu chính của việc tăng khung thuế BVMT lần này cũng nhằm “cơ cấu” lại nguồn thu từ nguồn nhiên liệu hóa thạch khi tiếp tục thực hiện các FTA.Thực hiện lộ trình cắt giảm thuế theo các FTA giữa các nước ASEAN (ATIGA), ASEAN với Trung Quốc (ACAFTA), ASEAN với Hàn Quốc (AKAFTA), thuế nhập khẩu xăng dầu bị cắt giảm rất mạnh và đưa về 0% vào thời gian tới. Vì vậy, tăng khung thuế suất thuế BVMT không đồng nghĩa tăng mức đóng góp vào ngân sách nhà nước đối với mặt hàng chiến lược này, mà chỉ là “giải pháp kỹ thuật” cơ cấu lại các khoản thu đối với nhiên liệu hóa thạch trong bối cảnh thuế nhập khẩu giảm, thuế giá trị gia tăng không thể tăng được, thuế tiêu thụ đặc biệt (hiện tại là 10%) cũng chưa thể điều chỉnh ngay.

Quan điểm cho rằng, tăng khung thuế BVMT tạo cơ sở pháp lý cho Bộ Tài chính “tận thu” cũng không thuyết phục. Bởi tổng số thu thuế BVMT chỉ chiếm 1,5% - 4,1% thu ngân sách nhà nước hằng năm, nên tăng thuế BVMT không giải quyết được căn cơ bài toán cân đối ngân sách. Thậm chí còn phản tác dụng, vì nếu tăng thuế BVMT quá mức, không tính đến sức chịu đựng của nền kinh tế, thì giá xăng dầu tăng mạnh sẽ khiến đầu vào của nền kinh tế tăng, lợi nhuận của doanh nghiệp giảm thì thu ngân sách cũng giảm theo do số thu tăng nhờ tăng thuế không đủ bù đắp cho hụt thu do chi phí sản xuất tăng; doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động tăng vì thua lỗ.

Do đó, cho dù Quốc hội có chấp thuận nâng khung thuế BVMT, Bộ Tài chính chắc chắn phải tính toán tất cả tác động tới hoạt động sản xuất - kinh doanh, sức cạnh tranh của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối ngân sách nhà nước…, mới đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng thuế bao nhiêu, tăng thuế với mặt hàng nào. Vì thế, không nên quá lo lắng vì tăng khung thuế suất không đồng nghĩa với tăng thuế.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư