Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Tăng trưởng tiêu thụ điện bất ngờ đạt thấp
Hoàng Nam - 31/07/2017 14:40
 
Ngoại trừ đợt nắng nóng đỉnh điểm đầu tháng 6/2017 khiến sản lượng điện tiêu thụ tăng vọt, tính chung 6 tháng đầu năm 2017, sản lượng điện sản xuất và tiêu thụ có mức tăng trưởng thấp xa hơn dự kiến.

Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống lũy kế nửa đầu năm 2017 đạt 94,9 tỷ kWh, tăng 7,23% so với cùng kỳ năm 2016. Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN lũy kế 6 tháng đạt 82,9 tỷ kWh, tăng 8,47% so cùng kỳ năm trước. Ngày 2/6 có sản lượng điện tiêu thụ điện lớn nhất là 628,4 triệu kWh và công suất đỉnh đạt 30.206 MW.

Kết quả này có khoảng cách rất xa so với mức dự báo tăng trưởng được EVN lên kế hoạch và công bố hồi đầu năm cho điện sản xuất và mua ngoài cả năm 2017 là 11,4% so với năm 2016, đồng thời  sẵn sàng chuẩn bị đáp ứng cho khả năng nhu cầu điện tăng cao hơn.

.
Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng điện thương phẩm chỉ đạt mức 2,9% trong khi cùng kỳ năm 2016 đạt mức tăng trưởng 16%.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Vũ Xuân Khu, Phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho hay, ngoài đợt nắng nóng đỉnh điểm diễn ra trong tuần đầu của tháng 6, nhìn chung nền nhiệt độ trên phạm vi cả nước 6 tháng đầu năm khá ôn hòa. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho nhu cầu tiêu thụ điện tăng trưởng thấp so với dự kiến.

Tại TP.HCM, một trong những trung tâm tiêu thụ điện lớn cũng chứng khiến mức tăng trưởng điện thấp. Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng điện thương phẩm chỉ đạt mức 2,9% trong khi cùng kỳ năm 2016 đạt mức tăng trưởng 16%.

“Nguyên nhân chính khiến tăng trưởng phụ tải thấp trong năm 2017 là do thời tiết khí hậu. Tháng 4 vốn là cao điểm mùa khô ở miền Nam, nhưng năm nay có giông lốc, khiến thời tiết mát mẻ. Thời tiết này cũng khiến mức tăng trưởng phụ tải của điện dùng trong sinh hoạt thấp”, ông Thanh nói.

Hiện tổng công suất đặt của toàn hệ thống điện là 43.500 MW, trong khi phụ tải điện của ngày cao nhất (2/6/2017) mới đạt 30.206 MW và bình thường dao động ở mức 28.000 - 29.000 MW. Như vậy, hệ thống điện Việt Nam đang có mức dự phòng tương đối lớn. Đây cũng là các yếu tố khiến cho hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn, tin cậy, không có sự cố chủ quan và cung cấp đủ điện cho sự phát triển nền kinh tế của đất nước trong nửa đầu năm 2017.

 Nhận định về nửa cuối của năm 2017, ông Khu cho hay, theo số liệu tính toán cập nhật, tổng nhu cầu tiêu thụ điện trong 6 tháng cuối năm cũng được dự báo là khoảng 103 tỷ kWh, tương ứng mức tăng trưởng phụ tải cả năm đạt khoảng 9,3% so với năm 2016.

Tuy nhiên con số này cũng thấp hơn tương đối so với mức tăng trưởng phụ tải 11% của năm 2016.

Với tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 5,73%,hệ số đàn hồi (tăng trưởng tiêu thụ điện/GDP) của nửa đầu năm 2017 đã đạt 1,4. Nếu theo dự báo tiêu thụ điện của 6 tháng còn lại như trên và mục tiêu đạt được tăng trưởng GDP cho cả năm là 6,7%, thì hệ số đàn hồi của năm 2017 sẽ ở mức dưới 1,4, mức tốt nhất kể từ trước tới nay.

Câu chuyện nằm ở chỗ điều gì tạo ra hệ số đàn hồi tốt nhanh đến vậy?

GS. Trần Đình Long, một chuyên gia ngành điện nhận xét, theo báo cáo thống kê từ Quy hoạch điện VI, hệ số đàn hồi điện trong giai đoạn 2006 - 2010 của Việt Nam giao động từ 1,98 - 2,0. Đây là con số khá cao so với các nước trong khu vực và cả trên thế giới. “Ở các nước phát triển, hệ số này chỉ vào khoảng xấp xỉ bằng 1,0, thậm chí có những nước chỉ từ 0,5 - 0,8. Nhìn vào các con số này cũng thấy, rõ ràng hiệu quả sử dụng điện của nước ta chưa cao, chưa tạo ra được giá trị kinh tế cao từ mỗi kWh điện”, GS. Long nói.

Khi phê duyệt Quy hoạch Điện VIII (Quyết định 1208/QĐ-TTg tháng 7/2011), mục tiêu được đặt ra là giảm hệ số đàn hồi điện từ bình quân 2,0 ở thời điểm đó xuống còn bằng 1,5 vào năm 2015 và còn 1,0 vào năm 2020. Tuy nhiên, ngay cả năm 2016, với mức tăng trưởng phụ tải tiêu thụ điện là 11% và GDP đạt 6,21, hệ số đàn hồi cũng vẫn trên 1,77.

Các chuyên gia ngành điện cũng từng cho hay, nếu ưu tiên, khuyến khích phát triển công nghiệp nặng như, xi măng, sắt thép… mà không có chính sách đầu tư để đổi mới công nghệ phù hợp, thì mức độ tiêu thụ điện năng chung sẽ vẫn cao, hiệu quả đóng góp của các ngành này cho GDP vẫn thấp. Mà đây là những ngành tiêu thụ trên 40% điện thương phẩm, nên rất khó để có thể giảm hệ số đàn hồi điện.

Liên quan đến ý thức sử dụng điện chưa cao, dẫn đến lãng phí, GS. Long cũng cho rằng “có đóng góp không nhỏ của giá điện”. “Để giá điện vận hành theo cơ chế thị trường, để mỗi khách hàng sử dụng điện phải trả đúng giá trị của nó, thì tự thân họ sẽ thấy sự cần thiết phải sử dụng điện một cách tiết kiệm, hiệu quả hơn, từ đó, sẽ góp phần giảm hệ số đàn hồi điện”, GS. Long nhận xét.

Dẫu vậy, từ tháng 3/2015, giá bán lẻ điện bình quân vẫn đứng yên và xem ra khó có cơ hội được tăng trong năm 2017 này để không tạo ra áp lực cho các doanh nghiệp lên trong hoạt động sản xuất kinh doanh để đóng góp vào chỉ tiêu tăng trưởng GDP đề ra là 6,7%.

Tiêu thụ điện vẫn lãng phí
() Mục tiêu giảm hệ số đàn hồi điện/GDP xuống còn 1,5 vào năm 2015 xem ra đầy thách thức, bởi năm 2014 con số này vẫn là 2.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư