Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tăng trưởng xanh: Cây gậy và củ cà rốt
Anh Trung - 08/04/2018 19:34
 
Chuyên gia Thụy Sỹ chia sẻ, có thể thực hiện chính sách cây gậy và củ cà rốt trong tăng trưởng xanh. Theo đó, doanh nghiệp phát thải cao bị đánh thuế cao, phát thải thấp đánh thuế thấp, đồng thời miễn thuế cho doanh nghiệp áp dụng công nghệ giảm phát thải.

Kết quả còn khiêm tốn

Sự tăng trưởng kinh tế đáng ghi nhận đã đưa Việt Nam từ một quốc gia kém phát triển thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình chỉ trong vài thập kỷ và xu hướng tăng trưởng vẫn đang được giữ vững. Tuy nhiên, quá trình này cũng đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới hệ sinh thái và tạo ra những thách thức đang kể trong việc quản lý kinh tế và môi trường. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Do vậy, tăng trưởng xanh đáng là vấn đề được đặc biệt ưu tiên đối với Việt Nam.

.
Diễn đàn Cấp cao về tăng trưởng xanh giữa Việt Nam và Thụy Sỹ vừa được tổ chức thành công  tại Hà Nội

Tái khẳng định tầm quan trọng của vấn đề này, tại Diễn đàn Cấp cao về tăng trưởng xanh giữa Việt Nam và Thụy Sỹ, vừa được tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững là xu hướng phát triển tất yếu của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Với nhận thức đó, từ năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh, nhằm hỗ trợ cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam theo hướng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, qua đó, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và nâng cao mức sống của người dân.

"Đến nay, Việt Nam có 7 bộ, 39 tỉnh, thành phố đã xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh. Nhiều văn bản quy phạm pháp quy, pháp luật về hỗ trợ tăng trưởng xanh đã được ban hành và Chính phủ cũng dành nhiều ưu tiên về nguồn lực cho thúc đẩy tăng trưởng xanh. Nhận thức của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp về tăng trưởng xanh cũng đã được nâng lên", Bộ trưởng cho biết.

Tuy vậy, nhìn nhận một cách khách quan, kết quả thực hiện tăng trưởng xanh ở Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Chẳng hạn, trong lĩnh vực năng lượng, theo bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương), năng lượng tái tạo hiện mới đóng góp khoảng 6% trong bức tranh năng lượng chung cả nước, dự kiến tăng lên 9,9% năm 2020 và 21% năm 2030.

Tuy nhiên, bà Giang cũng lạc quan khi cho biết, Chiến lược Quốc gia tăng trưởng xanh của Việt Nam đặt ra một mục tiêu tham vọng là năng lượng tái tạo sẽ chiếm hơn 30% vào năm 2030. “Năm 2020, Bộ Công thương sẽ sửa đổi Quy hoạch Tổng sơ đồ điện một lần nữa. Khi đó, hy vọng chúng tôi có thể mạnh dạn đưa ra con số tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng sơ đồ điện chung cả nước”, bà Giang cho biết.

Kinh nghiệm từ Thụy Sỹ

Thụy Sỹ là quốc gia tiên phong trong việc giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính thông qua ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Trong quan hệ hợp tác phát triển với Việt Nam, Chính phủ Thụy Sỹ đã dành những ưu tiên, hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên, hỗ trợ Chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân hiện thực hóa khái niệm sản xuất sạch tại Việt Nam.

Thụy Sỹ đã áp dụng chính sách giảm thuế, thậm chí miễn thuế cho doanh nghiệp sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường từ những năm 80 của thế kỷ trước.

Chia sẻ câu chuyện của Thụy Sỹ, ông Jean-Christophe Fueg, Trưởng phòng Quan hệ quốc tế (Văn phòng Năng lượng Liên bang Thụy Sỹ) cho biết, Thụy Sỹ đã áp dụng chính sách giảm thuế, thậm chí miễn thuế cho doanh nghiệp sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường từ những năm 80 của thế kỷ trước.

“Có thể coi đó là chính sách cây gậy và củ cà rốt, thưởng - phạt phân minh. Ví dụ, đối với việc phát thải ra môi trường, chúng tôi có chính sách rất rõ, doanh nghiệp phát thải cao đánh thuế cao, doanh nghiệp phát thải thấp đánh thuế thấp, nhiều doanh nghiệp được miễn thuế nhiều năm do áp dụng công nghệ giảm phát thải. Lúc đầu có thể khó khăn, nhưng dần dần sẽ có thay đổi”, ông Jean-Christophe cho biết.

Với góc nhìn của mình về Việt Nam, vị chuyên gia này đánh giá, với tốc độ phát triển nhanh, đôi khi là quá nhanh, Việt Nam cần đặc biệt chú ý việc sử dụng những công nghệ đảm bảo không tổn hại tới môi trường.

Dẫn ví dụ tình trạng ô nhiễm ở Ấn Độ, vị chuyên gia này cho biết, không ai có thể dự báo được chỉ trong 2 - 3 năm lại thay đổi theo chiều hướng không mong đợi như vậy, với nguyên nhân chỉ vì một số chính sách về mua sắm công và thực hiện chính sách đầu tư chưa phù hợp.

Bên cạnh việc áp dụng các chính sách đúng đắn, chuyên gia này cũng đề cao sự cần thiết phải nâng cao chất lượng đào tạo và giáo dục. “Trong tương lai, với bài học của Thụy Sỹ, có thể sẽ có chuyển biến sâu sắc trong xã hội, khi nhiều nghề nghiệp mới được ra đời nhờ vào áp dụng công nghệ mới. Ngược lại, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo sẽ giúp triển khai các công nghệ mới hiệu quả hơn và nhận thức về bảo vệ môi trường cũng cao hơn”, ông Jean-Christophe khuyến nghị.

Trên cơ sở mối quan hệ về chính trị, ngoại giao và kinh tế tốt đẹp giữa Việt Nam và Thụy Sỹ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng việc hợp tác giữa hai quốc gia trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh là rất hiệu quả và có nhiều tiềm năng để phát triển.

Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh ĐBSCL cần 120.000 tỷ đồng
Nguồn lực để đảm bảo nhu cầu đầu tư công cho tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2025 toàn vùng ĐBSCL cần đến 120.000 tỷ đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư