Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thạc sỹ Thạch Lê Anh, nhà sáng lập VietNam Silicon Valley: Lửa đam mê chưa bao giờ nguội
Phương Anh - 18/02/2018 09:27
 
Bà Thạch Lê Anh, người sáng lập, Chủ nhiệm Vietnam Silicon Valley (VSV) đã cần mẫn xếp từng viên gạch, thắp lửa từng ý tưởng kinh doanh. Đến giờ, VSV đã ra mắt 52 dự án, 16 dự án đã gọi được vốn...

Ngọn lửa luôn bừng cháy

Văn phòng VSV ở số 24 Lý Thường Kiệt (Hà Nội) trong buổi sáng cuối đông dường như ấm áp hơn, khi Thạc sỹ Thạch Lê Anh, người phụ nữ nhỏ bé, dung dị với mái tóc ngắn cắt hào hứng kể câu chuyện của bà và đứa con tinh thần VSV. Nhiệt huyết của bà lan tới từng người.

Năm 2013, để thực hiện mục đích xây dựng môi trường kinh doanh và thúc đẩy mở rộng thị trường vốn, bà nghĩ đến việc hình thành VSV. Tháng 5/2013, Đề án VSV được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt. Bà kể, cảm xúc khó tả khi cầm quyết định thành lập VSV vẫn còn nguyên, vì lúc đó, không nhiều người tin rằng VSV được duyệt.

.
Bà Thạch Lê Anh, người sáng lập, Chủ nhiệm Vietnam Silicon Valley.

Khi đó, trong hình dung của bà, VSV là nền tảng để thu hút các khoản đầu tư, sẽ trở thành cầu nối với các tổ chức quốc tế có mong muốn hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam đến gần hơn với giới khởi nghiệp non trẻ. VSV sẽ từng bước hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, tạo ra những khoản vốn mồi hỗ trợ các doanh nghiệp mới thành lập.

Nhưng hành trình triển khai Đề án vất vả hơn, không khác gì một start-up. Bà và cộng sự gặp nhiều khó khăn, từ việc mời chuyên gia nước ngoài do khá tốn kém, tới việc thực sự hiểu ngọn nguồn của start-up để hỗ trợ. Cách duy nhất để VSV tồn tại, theo bà Lê Anh, là mọi người phải đi học.

Vậy là VSV trở thành cố vấn cho 9 nhóm start-up đầu tiên trong tư thế của người vừa đi học, vừa đi dạy. Bây giờ nhớ lại, bà Lê Anh vẫn cho rằng, cách đi của VSV khi đó là đột phá.

Trong 9 nhóm start-up đợt I của VSV,  Lozi sau đó đã gọi vốn được 500.000 USD từ Quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures và quỹ đầu tư từ Tập đoàn DesignOne Japan (Nhật Bản). Lozi là ứng dụng mạng xã hội về ẩm thực, đang mở rộng mô hình ra các lĩnh vực như thời trang, đồ điện tử.

Đến nay, VSV đã cho ra đời 52 dự án, trong đó 16 dự án đã gọi được vốn, 20% số vốn đầu tu vào các dự án đến từ các quỹ nước ngoài. Các dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, như mạng xã hội ẩm thực, giáo dục - Edtech, tài chính - Fintech, đồ chơi thông minh - F&B…

Ước mơ chưa dừng lại

Thành công của Lozi hay nhiều start-up khác ở VSV là những câu chuyện nhỏ trên hành trình dài hướng đến mục đích hình thành thị trường vốn cho các doanh nghiệp Việt Nam mà bà Lê Anh mơ ước. Điều này luôn “canh cánh” trong bà. Nó xuất hiện lần đầu khi bà quản lý công ty tư vấn vào những năm 2000. Khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đến tìm bà, nhưng họ đến khi không còn tiền và hầu như đều trong tình cảnh bên bờ phá sản.

Với các bạn trẻ, có thể chưa khởi nghiệp ngay thì nên tìm các công ty khởi nghiệp để làm việc, thậm chí chỉ là thực tập. Nếu bạn theo học ngành công nghệ thì hãy tìm những công ty lớn không cùng ngành mà làm việc để tìm hiểu các vấn đề về doanh nghiệp.

“Ban đầu tôi nghĩ, đa phần doanh nghiệp thua vì thiếu vốn. Nhưng tìm hiểu kỹ hơn, có trường hợp doanh nghiệp sở hữu dây chuyền hiện đại trị giá 3 - 5 triệu USD, nhưng ‘đắp chiếu’. Vấn đề là cách làm, tư duy quản trị, khả năng tiếp cận thị trường hiện đại”, bà nói.

VSV ra đời vì bà không cam tâm nhìn những ý tưởng kinh doanh tốt không thể trở thành hiện thực bởi những hạn chế của người sáng lập.

Hiện tại, bà Lê Anh bắt tay với Lê Quốc Thạch, học công nghệ thông tin, nhưng thích mở quán cafe, dù đóng cửa mấy lần. Đến VSV, Thạch mang theo mong muốn mở chuỗi bán bánh mỳ Kebab torki. Cửa hàng đầu tiên của Thạch hôm nào cũng mở từ 4 giờ sáng đến 12 giờ đêm, nhưng khách luôn than phiền vì ship muộn. Thạch muốn mở nhiều cửa hàng để đáp ứng nhu cầu, nhưng lúng túng. 

“Trường hợp của Thạch thường sẽ bị VSV từ chối. Nhưng tôi chấp nhận bạn ấy, tôi rất muốn mọi người biết họ có thể làm bất cứ thứ gì có thể nhân rộng. Sản phẩm của Thạch không phải là bánh mỳ, mà là mô hình có thể nhượng quyền được. Hiện Thạch làm việc với VSV được 1 năm và đã có 60 cửa hàng vệ tinh”, bà Lê Anh nói.

Khởi nghiệp không ngừng

Trong năm tới, bà Lê Anh cho biết, VSV sẽ tập trung vào việc chuyển giao mô hình, để có thêm nhiều VSV trong cả nước. Bà cũng muốn tiến hành các hoạt động gọi vốn để trở thành quỹ đầu tiên của người Việt gọi vốn đầu tư thành công từ nước ngoài.

Cụ thể, VSV đang làm việc với các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Khánh Hoà, Huế, Bến Tre để xây dựng một hệ sinh thái nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp ở các địa phương. Mặt khác, VSV đang thâm nhập các trường đại học, giúp các trường trở thành trường đại học khởi nghiệp và xây dựng cho trường một quỹ tín thác để trường có thể đầu tư vào các dự án khởi nghiệp tại cấp đại học...

Bà cũng đang quan tâm tới các xu thế của thế giới trong phát triển Fintech (tài chính ngân hàng) và Agritech (nông nghiệp công nghệ cao). “Tôi tin đây sẽ là 2 mảng phát triển rất nóng tại Việt Nam trong thời gian tới. VSV đang có chiến lược để thúc đẩy sự phát triển của 2 mảng này tại Việt Nam...”, thạc sỹ Thạch Lê Anh chia sẻ.

Có vẻ như người hỗ trợ khởi nghiệp vẫn chưa dừng lại trên con đường khởi nghiệp của chính mình.

VSV và Microsoft Việt Nam hợp tác hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp
Ngày 26/9 tới đây, Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Microsoft Việt Nam và Đề án Vietnam Silicon Valley (VSV) sẽ được ký kết nhằm mục đích triển khai...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư