Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
“Thách cưới” cao, Hapro vẫn được nhà đầu tư săn đón
Kỳ Thành - 23/03/2017 08:44
 
Công ty mẹ - Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) còn nhiều việc cần phải làm khi cổ phần hóa và trước khi IPO, nhưng chắc hẳn đây sẽ là một trong những đợt cổ phần hóa được chờ đón trong năm nay.

“Thách cưới” cao

Việc cổ phần hóa Hapro trở nên gần hơn khi mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1558/QĐ-UBND phê duyệt tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược khi thực hiện cổ phần hóa Hapro.

Theo đó, nhà đầu tư chiến lược phải có năng lực tài chính đáp ứng một số tiêu chí như: có vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính (được kiểm toán bởi một công ty kiểm toán độc lập) thời điểm gần nhất trên 2.000 tỷ đồng, không có nợ xấu, có chỉ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu không quá 3 lần theo báo cáo tài chính được kiểm toán năm 2015, có lợi nhuận ròng sau thuế dương trong 2 năm (2014-2015) và trên báo cáo tài chính gần nhất năm 2016.

.
.

Ngoài ra, cổ đông chiến lược được chọn phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, ưu tiên đối với lĩnh vực kinh doanh về xuất nhập khẩu, phát triển thị trường nội địa, có hệ thống thương mại bán lẻ hoặc đang sở hữu doanh nghiệp khác kinh doanh xuất nhập khẩu, phát triển thị trường nội địa, có hệ thống thương mại bán lẻ phù hợp ngành nghề kinh doanh của Hapro.

Mặc dù chưa có công bố chính thức, nhưng giới chuyên gia cho rằng, Nhà nước vẫn sẽ nắm giữ trên 51% cổ phần tại Hapro sau cổ phần hóa.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 của Hapro, nếu doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2014 lần lượt là 5.978,73 tỷ đồng và 293,97 tỷ đồng, thì đến năm 2015, con số này là 4.661,47 tỷ đồng và 27,6 tỷ đồng. Mặc dù báo cáo tài chính này thể hiện Hapro đã tăng vốn góp của chủ sở hữu từ mức 667,7 tỷ đồng (năm 2014) lên 1.808,21 tỷ đồng vào cuối năm 2015, nhưng có thể thấy, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của Hapro đều giảm mạnh.

Tuy chưa công bố báo cáo cho cả năm 2016, nhưng tại Hội nghị đối ngoại 2017 của Hapro, ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Hapro cho hay, Hapro đạt tổng doanh thu 5.923 tỷ đồng trong năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 164,5 triệu USD.

Nhiều ‘mỏ vàng’ chờ khai thác

Điểm khiến giới đầu tư săn đón Hapro trong việc cổ phần hóa sắp tới chính là những lợi thế thương mại từ đất tại những vị trí đắc địa và các thương hiệu tên tuổi như Kem Thủy Tạ, Vang Thăng Long, gốm Chu Đậu (với quyền sở hữu Chợ gốm Bát Tràng), Nhà máy Sản xuất Xúc xích Việt Đức…

Trong năm 2016, Hapro đã thoái vốn nhà nước ở nhiều công ty con và công ty liên kết, nhưng vẫn nắm cổ phần chi phối tại những đơn vị có quỹ đất và mặt bằng thương mại lớn. Có thể kể đến Công ty TNHH một thành viên Thương mại Dịch vụ Tràng Thi đang quản lý tới 42 khu đất tại Hà Nội, trong đó phần lớn là đất thuê trả tiền hàng năm. Dù công ty này đã được cổ phần hóa và bán 20% vốn cho cổ đông chiến lược là Nguyễn Kim, nhưng Hapro vẫn đang nắm cổ phần chi phối với 53,33% cổ phần.

Ngoài ra, Hapro còn có 40 siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart, 44 cửa hàng, điểm kinh doanh thực phẩm an toàn Haprofood… tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phía Bắc, Tổ hợp thương mại văn phòng 15 tầng tại 11B - Cát Linh, Dự án trung tâm thương mại, văn phòng cao 9 tầng tại số 5 - Lê Duẩn…

Tuy địa điểm của Hapro nằm rải rác tại Hà Nội với diện tích nhỏ, nhưng lại ở những con phố đầy tiềm năng tại các quận trung tâm như Tràng Thi, Ngô Thì Nhậm, Lê Thái Tổ, Hàng Trống, Phạm Ngọc Thạch… Nếu so với những mô hình cửa hàng tiện ích của Vinmart+, Circle K, Shop&Go… hay của các đối thủ sắp mở các chuỗi cửa hàng tiện ích khác như 7 Eleven, Bách hóa Xanh, thì diện tích các cửa hàng hiện có của Hapro khá lý tưởng.

Hapro mất hút trên thị trường bán lẻ: Thợ săn có thành con mồi?
Tổng tài sản không hề nhỏ, biển hiệu nhận dạng của Hapro nhan nhản trên các con phố của Thủ đô, vậy mà sau hơn một thập kỷ tồn tại, dù trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư