Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thách thức thoái 19.454 tỷ đồng đầu tư ngoài ngành
Mạnh Bôn - 29/07/2015 09:21
 
Quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành vào 5 lĩnh vực nhạy cảm là bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm và quỹ đầu tư đã chuyển biến, nhưng việc bán nốt 19.454 tỷ đồng đầu tư ngoài ngành trong 6 tháng cuối năm 2015 vẫn là thách thức lớn.
Tiến trình thoái vốn ngoài ngành đang được kỳ vọng sẽ kịp về đích trước cuối năm 2015
Tiến trình thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty đang được kỳ vọng sẽ kịp về đích trước cuối năm 2015

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng vốn đầu tư  vào 5 lĩnh vực nhạy cảm phải thoái theo Nghị quyết 21/2011/QH13 là 23.325 tỷ đồng. Thực hiện nghị quyết này và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các tập đoàn, tổng công ty đã quyết liệt thoái vốn, nhưng từ nay đến cuối năm vẫn còn 19.454 tỷ đồng phải tiếp tục thoái mới hoàn thành mục tiêu.

Dù hết sức khó khăn, nhưng Bộ Tài chính vẫn hy vọng hoàn thành nhiệm vụ này. Ông Trần Văn Hiền, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) tin rằng, việc thoái vốn nhiều khả năng sẽ về đích, bởi Nghị quyết 40/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 đã mở ra nhiều cơ chế cho việc thực hiện nhiệm vụ này. Trong thời gian sớm nhất, Thủ tướng Chính phủ sẽ ký Quyết định tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trong đó có vấn đề thoái vốn theo tinh thần của Nghị quyết 40/NQ-CP.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ sẽ cho phép áp dụng phương thức thoái vốn theo lô với các nguyên tắc bán đấu giá công khai, áp dụng cho các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần hoặc không nắm giữ cổ phần chi phối, không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai đối với các đợt bán đấu giá theo lô.

“Ngoài ra, trong quyết định này, Thủ tướng Chính phủ cũng cho phép cơ quan đại diện chủ sở hữu lựa chọn thuê tư vấn để xây dựng phương án thoái vốn; chi phí thoái vốn do chủ sở hữu quyết định và được trừ vào giá trị phần vốn Nhà nước đã thoái, chủ sở hữu chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình”, ông Hiền cho biết.

Cơ chế thoái vốn theo lô, theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) thực sự là bước tiến về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình thoái vốn diễn ra nhanh hơn vì sẽ có nhiều ưu tiên, ưu đãi cho nhà đầu tư gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

“Nhiều người đề nghị có cơ chế ràng buộc nhà đầu tư phải nắm giữ cổ phần trong thời gian bao lâu mới được bán, bởi bán theo lô có nhiều cơ chế ưu tiên, ưu đãi cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Tài chính là khuyến khích nhà đầu tư gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, còn việc mua bán là quyền của họ”, ông Tiến cho biết thêm.

Giải thích về việc không ràng buộc nhà đầu tư mua “cả lô” phải gắn bó với doanh nghiệp, ông Tiến cho biết, phần vốn mà Nhà nước yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty phải thoái đều nằm trong lĩnh vực Nhà nước không cần đầu tư hoặc đầu tư không chi phối và thực tế cho thấy, khu vực ngoài Nhà nước đầu tư hiệu quả hơn.

“Nhà nước đã không muốn đầu tư, muốn chuyển giao phần vốn cho thành phần kinh tế khác, nên sau khi nhà đầu tư mua lại được phần vốn này, thì việc mua đi, bán lại là quyền của họ. Nhà nước đã không muốn đầu tư thì việc gì phải ép nhà đầu tư ở lại với doanh nghiệp trong bao lâu, việc gì phải quy định trong bao lâu mới được chuyển nhượng phần vốn đã mua vào. Nhà đầu tư có tiềm lực, muốn đầu tư vào đâu, thay đổi danh mục đầu tư thế nào là quyền của họ, vì họ đầu tư theo nguyên tắc lời ăn, lỗ chịu”, ông Tiến phân tích.

Cũng có niềm tin về tiến trình thoái vốn sẽ kịp về đích trước cuối năm nay, ông Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hy vọng, nguồn lực tài chính của nhà đầu tư nước ngoài sẽ đổ mạnh vào thị trường chứng khoán, khi cơ chế nới room cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các doanh nghiệp trong nước theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/9/2015.

“Chủ trương thu hút vốn đầu tư gián tiếp được thực hiện từ 20 năm qua và đã thu hút được lượng vốn rất lớn. Ngay cả ở thời kỳ kinh tế thế giới suy thoái, dòng vốn đầu tư ra nước ngoài cả gián tiếp lẫn trực tiếp giảm mạnh và Việt Nam vẫn khống chế sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp Việt Nam (trước đây là 30%, hiện nay là 49%), thì dòng vốn đầu tư trên thị trường chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tăng hàng năm, từ mức 6 tỷ USD năm 2008 lên mức 15 tỷ USD hiện nay”.

Ông Long hy vọng, khi thực hiện nới room (trừ một số lĩnh vực thực hiện theo luật chuyên ngành và ngành nghề kinh doanh có điều kiện) theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP, chắc chắn dòng vốn gián tiếp sẽ đổ vào mạnh hơn, qua đó hỗ trợ đáng kể cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thoái vốn đầu tư ngoài ngành.n

Vinalines sẽ thoái vốn mạnh tay ở những cảng biển nào?
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) có thể tiến hành thoái vốn sâu tại một số cảng biển trọng yếu quốc gia theo một lộ trình kéo dài...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư