Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Thái Bình hướng tới các nhà Đầu tư
Mạnh Tùng - 26/04/2014 08:15
 
Ngày 25/4/2014, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Hội thảo xúc tiến đầu tư vào tỉnh. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Ca, ông Nguyễn Bá Cường, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch Đầu tư cùng các đại diện tổ chức Quốc tế Jica, Trưởng đại diện XTTM Nhật Bản (Jetro) tại Việt Nam, các Tập đoàn đầu tư của Nhật Bản, Hàn quốc và các doanh nghiệp của các tỉnh phía Bắc.
TIN LIÊN QUAN

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch tỉnh Thái Bình Phạm Văn Ca nhấn mạnh, Thái Bình có các thế mạnh, điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

  Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Thái Bình năm 2014  
     

Thái Bình có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, như bể than Đồng bằng sông Hồng, trữ lượng khoảng 210 tỷ tấn, phần lớn nằm trên địa bàn tỉnh Thái Bình; nguồn khí đốt, nước khoáng tự nhiên với trữ lượng lớn.

Không những thế tỉnh còn có đất đai màu mỡ, vựa lúa của Đồng bằng sông Hồng, sản lượng hàng năm đạt trên 1 triệu tấn. Có bờ biển và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; có hệ thống thông tin, hệ thống giao thông thuận tiện, có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao.

Đến hết năm 2013, trên địa bàn tỉnh có 3.801 doanh nghiệp với vốn đăng ký 24.062 tỷ đồng; 401 chi nhánh, văn phòng đại diện.

Tổng số dự án đầu tư vào tỉnh là 700 dự án với số vốn đăng ký đầu tư là 75.808 tỷ đổng, thu hút 143.061 lao động; trong đó có nhiều dự án có vốn đầu tư lớn, trình độ công nghệ hiện đại, như Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm  Điện lực Thái Bình, công suất 1.800 MW, vốn đầu tư trên 3,4 tỷ USD; Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất Nitrat Amon, công suất 200.000 tấn/năm, vốn đầu tư 280 triệu USD...

Giá trị tổng sản phẩm của tỉnh Thái Bình năm 2013 đạt 37.188 tỷ đồng, tăng 8,8 % so với năm 2012, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước và một số tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng.

Tuy nhiên, trong thế mạnh và ưu đãi thiên nhiên và nguồn nhân lực Thái Bình vẫn còn một số mặt hạn chế trong môi trường đầu tư. Để cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh, Thái Bình tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, chỉnh sửa, bổ sung các chính sách theo hương đơn giản, gọn nhẹ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt  động  đầu tư của các doanh nghiệp.

UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 02/2014/QĐ-UBND ngày 17/01/2014 về thực hiện cơ chế liên thông trong hoạt động đầu tư tại Thái Bình; quy định rõ trình tự, thời gian, cơ chế phối hợp của các cấp, các ngành trong việc giải quyết thủ tục cho các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời tỉnh cũng tích cực triển  khai các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, trong đó có Chương trình Xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản và Hàn Quốc đã đem lại kết quả bước đầu, tạo mối quan hệ tin cậy giữa chính quyền và Doanh nghiệp.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận những vấn đề, điều kiện cũng như các giải pháp để tỉnh cần xem xét trong việc thu hút đầu tư và các nhà đầu tư khi tới Thái Bình.

Theo Trưởng đại diện Jettro (Nhật Bản), vấn đề hạ tầng, đường giao thông, nhà ở công nhân, điện đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư, song cần tiếp tục cải thiện hơn nữa.

Trong khi đó, với thâm niên 10 năm đầu tư tại Thái Bình, Công ty Đài Tín (đóng tại KCN Phúc Khánh) đặt vấn đề khá thời sự: Khi công nhân, nhân viên ở các DN nước ngoài đình công, lãn công, thì doanh nghiệp sẽ gặp cơ quan nào để giải quyết hiệu quả ?

Các vấn đề nóng khác với nhà đầu tư, như giá điện nước, các dịch vụ ẩm thực, sân chơi, khu giải trí cho các nhà đầu tư nước ngoài tại tỉnh đặc biệt là doanh nghiệp Nhật Bản... cũng được các doanh nghiệp nêu khá cởi mở để cùng các cơ quan hữu trách của tỉnh Thái Bình trao đổi, giải đáp.   

Lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đại diện các tổ chức quốc tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Ca nhấn mạnh, vừa qua, tỉnh Thái Bình đã rất chú trọng đẩy nhanh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư thuận lợi, tạo động lực thu hút nguồn vốn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, nỗ lực của các tỉnh Thái Bình không dừng lại ở đó. Các vấn đề về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, phát triển công nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp hàng hóa, cũng như các vấn đề sát sườn của doanh nghiệp, nhà đầu tư như giá điện, nước, giải quyết đình công... sẽ tiếp tục được lãnh đạo tỉnh và các ban, ngành chức năng quan tâm giải quyết, nhằm tạo mọi thuận lợi cho các nhà đầu tư tới Thái Bình trong thời gian tới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư