Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Thanh Hóa: Đông Sơn hướng phát triển kinh tế vệ tinh đô thị
Sĩ Chức - 21/05/2017 16:01
 
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Anh Chung, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn (tỉnh Thanh Hóa) cho biết, với vị trí địa lý tự nhiên của huyện, định hướng phát triển kinh tế vệ tinh đô thị là chủ trương đúng đắn nhất.
TIN LIÊN QUAN

Ông cho biết lý do huyện Đông Sơn lựa chọn phát triển kinh tế vệ tinh đô thị?

Huyện Đông Sơn giáp với TP. Thanh Hóa, nằm gần các vùng kinh tế động lực, có các trục giao thông quốc gia đi qua, như Quốc lộ 45, Quốc lộ 47, gần Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam… Vị trí địa lý đó đem lại cho Đông Sơn lợi thế so sánh quan trọng để phát triển sản xuất hàng hóa cung cấp cho các đô thị, khu kinh tế, cũng như thu hút mạnh các nhà đầu tư phát triển công nghiệp và dịch vụ.

.
.

Ngoài ra, huyện Đông Sơn còn nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao và du lịch. Do đặc điểm địa hình và hệ thống hạ tầng khá hoàn thiện, Đông Sơn có nhiều thuận lợi cho việc bố trí sản xuất nông - lâm nghiệp thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá lớn, thâm canh tăng vụ, tăng năng suất.

Về phát triển du lịch thì Đông Sơn có thế mạnh về du lịch sinh thái và du lịch lịch sử. Đông Sơn được biết đến là một địa danh của khảo cổ học - cái nôi của loài người, nơi còn lưu giữ những dấu ấn của người Việt cổ. Nền văn hoá Đông Sơn không chỉ là di sản của tỉnh Thanh Hoá, mà còn là di sản của cả dân tộc.

Định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện thời gian tới ra sao?

Trong các nhóm giải pháp cụ thể phát triển kinh tế - xã hội, UBND huyện đặc biệt nhấn mạnh việc chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, hướng tới sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tạo sản phẩn an toàn và giá trị… Thực hiện có hiệu quả chương trình vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả, với diện tích 3.700 ha, mục tiêu đạt sản lượng lương thực 61.000 tấn/năm; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi 340 ha để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh chương trình cải tạo đàn bò…

Huyện sẽ tập trung đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề như Khu công nghiệp Đông Tiến, Cụm làng nghề các xã Đông Hoàng, Đông Phú, bằng nguồn thu từ khai thác quỹ đất, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm chất lượng cao, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, công nghiệp cơ khí - chế tạo, chế biến gỗ...

Đồng thời, đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ kho bãi, dịch vụ vận tải và trung chuyển hàng hóa nhằm khai thác tối đa lợi thế của một huyện cửa ngõ phía Tây TP. Thanh Hóa. Phát triển mạnh dịch vụ, thương mại, phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh và các loại hình dịch vụ y tế, giáo dục...

Huyện Đông Sơn đặt mục tiêu nâng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng lên 61,9%. Trong ảnh: cơ sở sản xuất đá xẻ Đông Sơn.
Huyện Đông Sơn đặt mục tiêu nâng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng lên 61,9%. Trong ảnh: cơ sở sản xuất đá xẻ Đông Sơn.

Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn huyện lỵ huyện Đông Sơn với diện tích 528,25 ha và quy hoạch một số trục giao thông nối với TP. Thanh Hóa để phát triển các ngành dịch vụ và khai thác hiệu quả quỹ đất, sử dụng hiệu quả nguồn thu khai thác từ quỹ đất để đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư để sớm hoàn thiện đồng bộ và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng, tạo điều kiện thu hút các nguồn đầu tư, các công trình đầu tư, tạo động lực cho phát triển kinh tế, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm xây dựng thành công tất cả các xã của huyện đạt tiêu chí nông thôn mới vào năm 2020.

Từ nay đến năm 2020, huyện đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 17,5%/năm trở lên; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu theo hướng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 61,9%, dịch vụ 24,3%, nông - lâm - thủy sản chiếm 13,8%; xuất khẩu hàng hoá năm 2020 đạt 45 triệu USD. Từng bước đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật - xã hội, phát triển du lịch, dịch vụ, phát triển nhà ở theo hướng đô thị, để đến năm 2020, tỷ lệ đô thị đạt từ 32% trở lên.

Phấn đấu tỷ lệ lao động được đào tạo đến năm 2020 là hơn 75%; giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động, trong đó có khoảng 3.200 người đi xuất khẩu lao động… Phấn đấu đến năm 2018, huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Những lĩnh vực đầu tư nào được khuyến khích trong thời gian tới, thưa ông?

Trong thời gian tới, huyện sẽ khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, công nghiệp phục vụ nông nghiệp như cơ khí sửa chữa, chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến, nâng cao giá trị hàng nông sản và tạo nhiều việc làm.

Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển công nghiệp với các loại hình, quy mô khác nhau thuộc nhiều thành phần kinh tế; quan tâm phát triển tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp nông thôn, phát triển nghề thủ công truyền thống, nhanh chóng du nhập, gắn xây dựng nông thôn mới trên địa bàn để thu hút lao động. Phát triển nhanh công nghiệp khai thác, chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu của huyện và các huyện lân cận. Phát triển công nghiệp chế biến gắn với nông nghiệp công nghệ cao, nhằm nâng cao giá trị sản xuất sản phẩm nông nghiệp...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư